Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Trung tâm điều dưỡng, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng và người có công tỉnh Bắc Giang: Đền ơn đáp nghĩa với tất cả tấm lòng

Trung tâm điều dưỡng, nuôi dưỡng TBB nặng và người có công tỉnh Bắc Giang được thành lập từ tháng 10-1976.
 Trước đó, trung tâm đã thay đổi tên gọi nhiều lần: Đoàn an dưỡng 255 Bộ Quốc phòng, Khu điều dưỡng thương binh thuộc Bộ LĐ-TBXH (năm 1976), Khu điều dưỡng TBB và người có công (năm 1986), Trại an dưỡng Hà Bắc (năm 1991), Trung tâm bảo trợ xã hội (năm 1993). Ngày 13-4-1991 trung tâm chính thức được chuyển về tỉnh Bắc Giang theo Quyết định số 269/UB của UBND tỉnh Hà Bắc. Hiện nay trung tâm có 35 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 20 CCB và 2 lao động hợp đồng.
Thương binh đang điều dưỡng tại trung tâm vui vẻ chơi cờ tướng một môm ưa thích của các anh.

Ngoài việc chăm sóc TBB nặng của các tỉnh phía Bắc, hàng năm trung tâm còn đón tiếp những đối tượng đến điều dưỡng, luân phiên 36 đợt trong một năm, mỗi đợt từ 70 - 80 đối tượng. Hàng tuần, cứ sáng thứ hai người của trung tâm đi đón các đối tượng từ các huyện lo chỗ ăn, nghỉ và đưa các đoàn đi tham quan du lịch, đảm bảo chế độ ăn uống, thuốc thang theo quy định. Trong cả một chặng đường dài phục vụ, hàng nghìn lần cán bộ, nhân viên y bác sĩ đã thức thâu đêm suốt sáng để nâng giấc, phục vụ từ vệ sinh cá nhân tới ăn uống cho những thương binh nặng. Trung tâm đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với các đoàn về điều dưỡng. Trong những buổi giao ban đầu tuần, cuối tuần, Ban giám đốc đều biểu dương những cá nhân, tập thể làm tốt các khâu trong công việc hàng ngày, trong tuần luôn nhắc nhở cán bộ công nhân viên phải coi TBB và người có công như chính người ruột thịt của gia đình mình, coi nỗi đau của TBB là nỗi đau của chính mình. Chỉ tính riêng trong năm 2008 trung tâm được giao chăm sóc, nuôi dưỡng cho 43 TBB nặng của các tỉnh phía Bắc; điều dưỡng luân phiên tập trung cho 1.500 đối tượng có công của tỉnh Bắc Giang gồm các Bà mẹ VNAH, các cụ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, TBB, thân nhân liệt sĩ và các đối tượng có công khác…
Trung tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 1979, Huân chương Lao động hạng ba; năm 1999, Huân chương Lao động hạng ba lần thứ hai; năm 2001 Chính phủ tặng bằng khen; năm 2003, Huân chương Lao động hạng nhì...
Gặp tôi, Giám đốc trung tâm Nguyễn Đình Hội cho biết: Trung tâm đã vinh dự được đón các đồng chí cán bộ cao cấp của Nhà nước về thăm như Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Nguyễn Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Các đồng chí đã trồng cây lưu niệm và thăm hỏi tặng quà TBB, các Bà mẹ VNAH và người có công đang điều dưỡng và an dưỡng tại trung tâm.
Đặc biệt, trung tâm được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND, Sở LĐTBXH tỉnh và các ban ngành trong tỉnh. Năm 2011, Bộ LĐTBXH đã đầu tư cho trung tâm 3,5 tỷ đồng để xây dựng một khu nhà 3 tầng, mới hoàn thành tháng 1-2012. Tới đây chúng tôi sẽ nâng cấp đón các đoàn về điều dưỡng luân phiên từ 1.500 đến 2.500 trong năm 2012 và từ 50-60 lên 70-80 đối tượng trong mỗi đợt.
Tôi đã được tiếp xúc với một số TBB nặng trung tâm nuôi dưỡng từ năm 1990. Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Phiếm, quê Vạn Ninh, Gia Bình, Bắc Ninh cho biết: “Tôi đã được trung tâm nuôi dưỡng từ 1990 tới nay. TBB chúng tôi được y bác sĩ và cán bộ, nhân viên chăm sóc rất chu đáo từ vật chất đến tinh thần, coi TBB chúng tôi như những người ruột thịt”. Bệnh binh Thân Văn Chuyền ở Tân Độ, Tân Liễu, Bắc Giang xúc động: “Hàng năm tôi được về an dưỡng ở đây, từ giám đốc đến cán bộ nhân viên rất niềm nở đón tiếp. Đặc biệt, anh Hội còn đến từng phòng, từng giường động viên chúng tôi, làm anh em ấm lòng mỗi khi về điều dưỡng”. Còn thương binh 1/4 Nguyễn Văn Trung, quê Thái Bình cho biết: “Hơn 10 năm ở trung tâm này, tôi chưa hề thấy nhân viên cáu gắt với thương binh bao giờ. Mặc dù thương binh có những người đau đớn do vết thương tái phát, sinh ra khó tính, nhưng các anh các chị vẫn niềm nở, ân cần động viên”. Thương binh 1/4 Phan Thanh Quế, quê Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh thì bộc bạch: “Hơn 10 năm nay tôi coi trung tâm là nhà của chúng tôi. Những việc làm của cán bộ, công nhân viên của trung tâm khiến TBB chúng tôi vô cùng cảm động. Những cử chỉ của các anh, các chị là những việc làm “đền ơn đáp nghĩa” mang tính nhân văn cao cả”.
Trung tâm có nhà tập đa năng, phòng phục hồi chức năng, căng-tin và có một đội văn nghệ “cây nhà lá vườn”, cứ vào thứ sáu hàng tuần tổ chức giao lưu, biểu diễn văn nghệ giữa công nhân viên chức với TBB và các đơn vị xung quanh. Tinh thần làm việc của tập thể cán bộ công nhân viên ở trung tâm là tinh thần tất cả vì TBB và người có công, “đền ơn đáp nghĩa” là không bao giờ trả hết.
Chuyên muc Tiêng nói CCB bài viết của Hồng Ánh Phê đăng trên báo Cựu chiến binh Việt nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét