Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Năm 2012: Nhân có…hòa?


Cho dù có Thiên thời, Địa lợi hay không, nhưng sự hưng vong của một quốc gia, thực chất, vẫn được quyết định nhất bởi yếu tố con người- Nhân hòa.
Góc nhìn năm 2012
Năm 2012: Thiên có thời, Địa có lợi...?
Người xưa có câu: Thời thế tạo anh hùng/ Anh hùng tạo thời thế. Cũng để nhấn mạnh cái gắn bó hữu cơ giữa thời cuộc và con người, trong đó không thể thiếu năng lực và phẩm cách lớn của con người. Năng lực lớn, phẩm cách lớn đó mới tạo ra sự chuyển động xã hội, để quốc gia phát triển và thăng hoa.
Chuyển giao quyền lực và triệt tiêu “quyền lực”
Năm 2012 này, thế giới được chứng kiến Những cuộc chuyển giao quyền lực kịch tính, của không ít quốc gia (VietNamNet, 26/12).
Từ phương Tây đến phương Đông. Từ châu Mỹ, châu Âu, đến châu Á. Từ nước lớn đến nước nhỏ. Từ nước mạnh đến nước yếu. Từ những nước có nền chính trị- kinh tế- xã hội khá ổn định, đến những nước nền chính trị- kinh tế- xã hội đầy xung động, thậm chí nhiều bất ổn.
Đó là Obama (Tổng thống Mỹ), là Putin (Tổng thống Nga), đều đắc cử lần hai. Là F. Hollande (Tổng thống Pháp), là Tập Cận Bình (Tổng Bí thư Đảng CS Trung Quốc), là Kim Jong- un (Lãnh tụ tối cao của Triều Tiên)…
Đặc biệt nhất, năm 2012, thế giới chứng kiến, ngưỡng mộ hiện tượng tiến trình dân chủ hóa nhanh chóng của Myanmar, đẩy lui dần bóng tối của bạo lực và tù đày. Cả thế giới tin rằng Tổng thống Myanmar Thein Sein thật sự muốn đưa đất nước này ra khỏi bất ổn và trì trệ.
Đặc biệt nữa, năm 2012, thế giới chứng kiến, ngưỡng mộ sự rạng rỡ hoặc “lên ngôi” của phái đẹp. Chứng kiến sự “âm thịnh”. Chứng kiến trí tuệ và phẩm chất kiêu hãnh, đầy bản lĩnh của những nữ nguyên thủ, chính khách, nữ chính trị gia trên chính trường vốn khắc nghiệt, đòi hỏi sự tỉnh táo, lạnh lùng, mưu lược. Họ làm cho thế giới trở nên sinh động, tỏa sáng, sung mãn, và hấp dẫn hơn.
Ở châu Âu, châu Mỹ: Đó là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel (hai nhiệm kỳ Thủ tướng, từ 2006 đến nay), được tạp chí Forbes của Mỹ chọn là một trong 100 người đàn bà quyền lực nhất thế giới. Là nữ Thủ tướng Australia- Julia Gillard, là nữ Tổng thống Brazil- Dilma Rousseff. Họ đều là nữ thủ tướng, nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Australia và quốc gia Brazil.
Là nữ Thủ tướng Bangladesh- Sheikh Hasina (tái đắc cử lần hai). Là nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp, duyên dáng Yingluck Shinawatra. Mới đây nhất, là nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee, cũng là nữ Tổng thống đầu tiên của xứ này.
Và nhất là năm 2012, thế giới khâm phục, ngưỡng mộ một nhân vật- nữ chính khách đối lập Aung San Suu Kyi (của Myanmar) kiên cường, bất khuất - nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình 1991, sau hàng chục năm bà bị giam lỏng, bởi tranh đấu cho tự do và dân chủ.
Họ- những con người đó có tạo nên thời thế không? Chưa ai đoán định được. Vì câu trả lời con chờ ở thực tiễn. Nhưng sự chuyển giao quyền lực của các quốc gia, nhất là tiến trình dân chủ hóa mạnh mẽ ở Myanmar, tạo nên một không khí, một đời sống chính trị mới mẻ, đầy sinh khí, hứa hẹn quốc gia châu Á này bước ra khỏi sự bất ổn, sự trì trệ để có thể phát triển.
Trong khi thế giới chứng kiến sự chuyển giao quyền lực, thì năm 2012, người Việt lại chứng kiến năm “đỉnh cao” của nhiều phát ngôn ấn tượng, từ cá nhân quan chức cao cấp, các nghị sĩ Quốc hội, đến người thường dân, về vấn nạn tham nhũng nhức nhối. Đủ biết, tham nhũng đã trở thành nỗi tủi hổ của nước Việt. Ấn tượng nhất là phát ngôn của một quan chức cao cấp: Cả “một bầy sâu” thì chết cái đất nước này!
Cũng chính năm này, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (trụ ở ở Đức) công bố xếp hạng cho thấy, VN bị tụt hơn 10 hạng trên danh sách các nước tham nhũng so với năm trước, đứng thứ 123/176 quốc gia.
VN đứng sau cả Brunei (thứ 46), Malaysia (thứ 54), Thái Lan (thứ 88). Thậm chí thua ngay cả Philippine (thứ 105)  trong khi năm trước, quốc gia này đứng thứ 129, sau VN, và Indonesia (thứ 115). Phát ngôn càng mạnh, tham nhũng càng…tăng, như một sự ngạo nghễ, thách thức cả xã hội?
Nhật Bản- một quốc gia có nhiều dự án đầu tư cho VN- ngày 6/12, trả lời phỏng vấn của Tuần ViêtNam,  Gs. Yoshiharu Tsuboi, Cố vấn cao cấp của JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Nhật rời Trung Quốc, nhưng không chọn Việt Nam(?), mà một trong ba nguyên nhân căn bản nhất là vấn đề tham nhũng và trì trệ về mặt thủ tục hành chính.
Cho dù giờ đây, cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở VN có sự đổi mới về tổ chức, thẩm quyền…, thì kinh nghiệm và thực tiễn phòng, chống tham nhũng của nhiều quốc gia cho thấy, cuộc chiến này phải bảo đảm được hai tiêu chí cơ bản.
Đó là tính công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch kiểm soát được thu nhập của quan chức, tầng lớp dễ tham nhũng hơn cả. Đó là cơ quan phòng, chống tham nhũng phải thực sự độc lập, khách quan trong hoạt động tác nghiệp của mình, ngăn ngừa cơ chế xin- cho luôn biến thái, nhân danh những mỹ từ…
Ngày mai, 1/1/2013, Luật Phòng, chống tham nhũng chính thức có hiệu lực.
Liệu “thời thế” tạo ra…tham nhũng, có suy vi?
Liệu quyền lực tham nhũng của năm mới này có bị triệt tiêu?
Nhân hòa hay “dĩ hòa”
Năm 2012, một sự kiện chính trị nổi bật, gây ấn tượng mạnh, thu hút sự quan tâm chú ý của toàn xã hội. Đó là cuộc chỉnh đốn Đảng, trước những thách thức lớn, vì sự tồn vong của chế độ.
Khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Như trong Thông báo chính thức của Hội nghị 6, khóa XI tháng 10/ 2012 mới đây.
Chính một bộ phận không nhỏ đó đã khiến niềm tin của người dân mất mát …không nhỏ.
Nhưng điều quan trọng nhất của cuộc chính đốn mà người dân Việt trông đợi, đó là hành động tích cực và kịp thời của những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, ngăn chặn sự suy thoái này. Có thế, mới tạo ra sự tin tưởng, sự đồng cảm và chia sẻ của người dân. Lâu dài, mới tạo ra Nhân hòa, cho sự phát triển xã hội thời hội nhập.
Bởi trong “thế giới phẳng”, ý thức về sự công bằng, và văn minh của thế giới hiện đại cho thấy, tâm lý xã hội khó có thể chấp nhận những vụ việc thất thoát, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của người dân, hiện tượng “nhóm đặc quyền đặc lợi”, gây tác hại đến lợi ích chung, nhưng rút cục, không có ai “can dự” phần trách nhiệm.
Dù vậy, cuộc sống với những mối quan hệ xã hội cùng lợi ích chằng chịt, đan chéo không đơn giản, và pháp luật lại không được thượng tôn, đã khiến đạo lý con người đã và đang ở trạng thái… nghịch lý: Cái tốt sợ cái xấu, người ngay sợ kẻ gian, người tử tế sợ kẻ lưu manh.
Không phải vô lý, khi con người ta sống ở giữa đời, nhưng phổ biến lại mũ ni che tai. Lại Sợ tham nhũng, “đèn nhà ai nấy rạng” (Tuần Việt Nam, ngày 27/12).
Thế nên, rút cục, người Việt vẫn có cách ứng xử kiểu “dĩ hòa” (vi quý), kiểu vui vẻ “hòa cả làng”, mà thực chất là không phân biệt rõ ràng phải trái, đúng sai. Đó là kiểu nhân hòa chứa đựng đầy sự bất ổn, bất an.
Tại cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội, trước những bức xúc, băn khoăn về kết quả phê bình và tự phê bình của cuộc chỉnh đốn, trước những câu hỏi về chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm vào năm mới- 2013- vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng chia sẻ:
Tự phê bình không có nghĩa là phải đạt đến mục đích kỷ luật. Bởi, nếu làm không kỹ sẽ nảy sinh mặt tiêu cực là làm rối ren tình hình, rối ren nội bộ, chia rẽ bè phái. Cách tốt nhất vẫn là để tự mỗi người ý thức được cái sai để sửa chữa.
Nhưng ông cũng lại cho biết: Rất khó để ai đó tự nhận ra khuyết điểm của mình, đụng đến lợi ích là va chạm, là phản ứng, nhất là khi lợi ích đã thành nhóm.
Còn trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận I, TP. HCM, vị lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước nhấn mạnh:
Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì
sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo, thì đất nước này sẽ thế nào? Vì đất nước này, Tổ quốc này không phải là của riêng một người, không phải của Bộ Chính trị hay ban ngành TW.
Khi phải tiến hành cuộc chỉnh đốn để ngăn chặn, đấu tranh, khắc phục hiện tượng một bộ phận không nhỏ suy thoái, và cuộc chỉnh đốn đó cũng mới chỉ là bước đi đầu tiên, chưa thật sự thuyết phục được người dân, đủ biết, để tạo ra yếu tố Nhân hòa còn là một hành trình cam go, cần nhiều giải pháp.
Có giải pháp đòi hỏi nội lực, tự thân. Như phê bình và tự phê bình.
Nhưng có giải pháp là sự trợ lực, hỗ trợ và tác động thúc đẩy. Đó là cần điều chỉnh, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- chính trị- xã hội, phù hợp quy luật phát triển của thế giới văn minh, hiện đại. Ở đó, pháp luật phải được tự tôn.
Bởi chân lý là thực tiễn. Chân lý không phải sự duy ý chí tạo ra.
Năm 2013, liệu nước Việt, có Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa? Câu trả lời thuộc về người Việt chúng ta. Thuộc về trí não, bản lĩnh, về tài năng kinh bang tế thế của nước Việt! Thuộc về cái tâm, cái tầm của người Việt trước sự hưng vong của quốc gia.

Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét