Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn. Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Xưa nay vẫn thế, có cách nào khác được.
Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013
Chữ Tín cũng... có chân
Đồng tiền tham nhũng đi vào nhà kẻ tham nhũng, thì chữ tín sẽ xấu hổ, che mặt... đi ra.
Vấn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, tư cách người lãnh đạo..., trong thời buổi kinh tế thị trường này, như miếng trầu đầu câu chuyện của không ít người. Vì thế, mà bài phỏng vấn ông cựu Chủ tịch tỉnh An Giang, đăng trên báo Nhân Dân, ngày 1/11 mới đây bỗng có sức hấp dẫn riêng, với cái tít: Ông Bảy Nhị và bốn phép toán "làm quan". Nghe dễ ợt!
Chữ Tín có ở lại?
Đó cũng là tự sự của ông Nguyễn Minh Nhị - sinh ra từ nông dân, rồi khi nghỉ hưu lại trở về cuộc đời của anh nông dân.
Khác chăng, xưa ông là nông dân nghèo, giờ ông là nông dân "đại gia".
Xưa, ông là quan chức đầu tỉnh, một địa phương nghèo nhưng lại là nơi có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư. Nay, ông sống thanh thản, thư thái với nụ cười sảng khoái, đúng chất anh Hai Nam bộ.
Giữa hai đầu xưa và nay, là những quyết sách táo bạo của một quan chức đầu tỉnh trước đời sống dân sinh. Trước cả những thách thức ngầm phải giải quyết khéo léo hàng trăm nghìn mối quan hệ phức tạp, tinh vi, chằng chéo lợi ích. Giữ mình trong sạch là cực khó. Nhưng ông đã trả lời: Tôi dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư.
Ông cãi lại nhà báo một cách dễ thương: Đừng nghĩ cứ quan chức là vơ vét được nhiều tiền, thu vén được nhiều tài sản. Chú sinh ra là nông dân, làm quan chức sống cùng nông dân. Ông nghĩ và làm vậy. Đủ tinh tường, để phân biệt, đâu là quà của tình cảm, sự chân tình, đâu là quà hối lộ, của thủ đoạn và vụ lợi.
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Khác nữa, so với nhiều quan chức bằng cấp đầy mình, ông tự nhận học vấn của mình chỉ là học lỏm, thậm chí còn bỏ ngang lớp Nhất, chỉ có cái bằng duy nhất là lý luận chính trị do Trường Nguyễn Ái Quốc cấp. Nhưng nói như M.Gorky, ĐH của ông là trường đời, là đô thị và đồng ruộng An Giang trong cơn dâu bể vật vã, tìm hướng phát triển và hội nhập.
Gieo gì- gặt nấy. Ông "gieo đàng hoàng- gặt quý trọng". Cái kết triết lý cuộc đời làm quan của ông thật bất ngờ: Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: Luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương; biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc.
Ôi chao, bốn phép tính lớp Nhất của ông, tưởng đơn giản. Nhưng có không ít vị quan chức bằng cấp cao, suốt cuộc đời đã không giải nổi. Hay họ thiếu dữ kiện là thực tài, thực tâm?
Có nhiều quan chức như Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy Hội An), như ông Bảy Nhị không? Người viết bài tin là không! Họ vẫn là của quý và hiếm trong đội ngũ quan chức từ cơ sở...
Bởi nếu có nhiều, làm sao vị Tổng BT của Đảng đã phải nghẹn giọng, gần như khóc trong hội nghị chỉnh đốn Đảng mới đây? Đó là nỗi đau rất thật của người lãnh đạo chịu trách nhiệm cao nhất trước những tổn thất lớn của tổ chức mình. Trước một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Có một minh họa sinh động và đáng buồn cho một bộ phận không nhỏ này, vừa xảy ra cách đây ít lâu ở một cơ sở.
Anh A- vụ trưởng, a lố a lồ cho anh B, người cùng quê thân thiết, nhưng có quyền nhất định trong vụ bỏ phiếu bầu anh C sắp tới lên cấp cao hơn.
-Ông không được bỏ phiếu bầu cho lão C đâu nhé! - Nhưng...tôi chót cầm tiền của nó rồi!. Ông B ngập ngừng...Im lặng kéo dài. Tưởng như nghe rõ tiếng thở của nhau.
- Bao nhiêu?
- Z. triệu đồng!
Ông B không hề biết rằng, đằng sau cái im lặng chết người ấy, là ở đầu dây bên kia, máy ghi âm của ông A đã kịp vào cuộc "đối thoại" với ông. Cái đồ máy ghi âm ...chết tiệt!
Chuyện rút cục vỡ lở, loang ra...Dĩ nhiên, ông C không lên được cái ghế mới, cao hơn. Nhưng câu chuyện về tư cách cán bộ ở họ còn loang nhanh hơn nữa. Cả ba vị A, B, C ngày ngày vẫn phải đối mặt nhau chốn công sở. Cái chữ nhiệm (vụ) vẫn còn. Chỉ khổ cho cái chữ tín nơi các ông, nó phát... đỏ mặt, chạy mất tự lúc nào.
Tín nhiệm" cũng trở thành chủ đề hot tại cuộc họp QH năm nay. Ảnh: Hồng Vĩnh/ Tiền Phong
"Tín nhiệm" cũng trở thành chủ đề hot tại cuộc họp QH năm nay. Công bằng mà nói, đó là hiện tượng đáng mừng. Vì đã đến lúc các đại biểu của dân dám nói thẳng, trước sự suy thoái phẩm chất đáng xấu hổ của một bộ phận cán bộ...
Có vị đề nghị bỏ phiếu chỉ 49 nhân sự cao cấp. Có vị đề nghị thêm cả đối tượng giám đốc sở, những người vừa có quyền, vừa nắm tiền, vì có tới 60-70% bức xúc của người dân tập trung ở nhóm này. Có vị đòi hình thành văn hóa từ chức, một loại văn hóa quan chức ở các xứ văn minh, nhưng ở ta, còn là của hiếm.
Có vị đề nghị đi thẳng vào khâu bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm, thay vì vòng vo công đoạn lấy phiếu thăm dò, rất dễ xảy ra chuyện chạy đêm chạy hôm.
Nhưng xã hội Việt vốn là "tín đồ" của nền giáo dục "hư học" thì cái danh nó quan trọng lắm. Cha ông ta từng triết lý một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp. Danh gắn liền với lợi. Vì vậy, mà ý tưởng đều rất hay, nhưng vận dụng ra sao, thực hiện thế nào, để đạt được mục đích của chữ tín đích thực cũng nan giải.
Chữ tín không phụ thuộc vào bằng cấp (dù bằng cấp đích thực rất quan trọng). Cứ nhìn câu chuyện của ông Nguyễn Minh Nhị để hiểu. Mà nó phụ thuộc vào cái thực tài, vào động cơ làm việc, vào sự dấn thân của người lãnh đạo với cộng đồng và xã hội, tức là cái thực tâm. Vì dân hay vì...mình?
Dĩ nhiên, bằng cấp cao mà thực chất, thì tốc độ phát triển của cộng đồng sẽ nhanh hơn. Nhưng trên thế giới cũng có không ít tấm gương tự học của các chính khách lớn như một số tổng thống Mỹ:
Như G. Washington (nhiệm kỳ 1789- 1797), chỉ học ở trường cho tới khi 11 tuổi. Như A. Lincoln (nhiệm kỳ 1861- 1865), chỉ học một năm phổ thông, tự học hình học, tự đọc cuốn Blackstone để trở thành luật sư. Ông còn là vị TT đầu tiên của nước Mỹ có bằng sáng chế.
Và như B. Franklin (nhiệm kỳ 1785-1788), từng theo học tại Trường Latinh Boston nhưng không tốt nghiệp. Ông chỉ học ở trường đén năm 10 tuổi, còn tự học ở nhà là chính. Nhưng ông đã là một nhà khoa học, một triết gia, một nhà phát minh...
Thế nên chữ tín, không nằm ở lá phiếu của các đại biểu QH cầm tay nay mai nếu ý tưởng này thành hiện thực. Mà nó vẫn nằm ở cái thực tài, ở phẩm cách và hiệu quả công việc của các quan chức trong diện được chọn lựa để bỏ phiếu.
chữ tín sẽ xấu hổ, che mặt... đi ra.
Tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội của kỳ họp QH sáng 30/10, phát biểu của ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa- Giáo dục- Thanh Thiếu niên Nhi đồng đã khiến báo chí liên tục đăng tải, bởi ông đã vạch mặt tham nhũng và lãng phí, như một sự đồng cảm và đau xót.
Hai nhân vật này không phải là gương mặt mới, ngược lại chúng là những gương mặt cũ kỹ, sét rỉ. Nhưng chính vì sét rỉ, nó lại đủ sức ăn mòn ...lương tâm không ít kẻ.
Chữ tín ở đâu? Trong vụ việc động trời xảy ra cách đây không lâu, mà tính gian dối lẫn dối trá của nó đã đi tới tận cùng. Đó là vụ vỡ đập thủy điện Đakrông 3, (Quảng Trị) trong lúc thủy điện Sông Tranh 2 còn đang gây tranh cãi.
Công trình được đầu tư 210 tỷ đồng, khởi công tháng 8/ 2010, hoàn thành tích nước ngày 18/9/ 2012, đóng điện ngày 5/10. Chỉ hai ngày sau đó, 7/10, đập vỡ tung, thiệt hại ước tính 20 tỷ.
Mặc dù đập bị vỡ, nước ào ạt xối xả, nhưng chủ đầu tư - Cty cổ phần Tân Hoàn Cầu- kiên quyết "nói không" với cả dư luận lẫn chính quyền địa phương. Rồi dư luận cũng hiểu vì sao cái sự "không nói" này.
Đập Đakrông 3 vỡ, cũng là vỡ tung cái cách làm ăn gian dối- khi người ta phát hiện ra chất lượng bê tông xây dựng công trình cực kỳ kém. Có rất nhiều tạp chất gồm đất, gỗ, củi được trộn thành...
Chả thế, "Giáo sư" Cù Trọng Xoáy trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay mới đây đã đưa ra khái niệm mới: Sâu bê tông!
Đập vỡ, còn đặt ra rất nhiều dấu hỏi: Nếu như vị trí vỡ đập là tại nơi thi công dở dang, như chủ đầu tư thú nhận, thì tại sao Hội đồng nghiệm thu thuộc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại có quyết định cấp phép hòa lưới điện quốc gia? Đằng sau chuyện cấp phép vô lối đó là gì?
Gian dối chưa dừng ở đó, khi chủ đầu tư còn cố trình ra một bản vẽ thiết kế "lậu" minh họa (không có phê duyệt của các cấp có thẩm quyền), ngụy biện cho sự cố bị vỡ. Một cán bộ UBND tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định, bản vẽ trên chắc chắn đã được thực hiện sau khi xảy ra sự cố vỡ đập.
Không chỉ có GS Cù Trọng Xoáy, mà chủ đầu tư thủy điện Đakrông 3 cũng đang biểu diễn tiết mục Hỏi xoáy, đáp xoay!
Đập thủy điện Đakrông 3 vỡ toang. Ảnh: Tuổi trẻ
Chữ tín ở đâu? Khi mà trong cơn bão số 8 mới đây, tháp truyền hình cao nhất miền Bắc (180m) đặt ở Nam Định đã bị bão giật đổ. Bình thường thì hoành tráng thế, lúc đổ, những "cọng thép" của tháp rũ mềm oặt như những .... cọng bún. Khiến xã hội lại dấy lên câu hỏi, tháp truyền hình không đạt chuẩn?
Toàn bộ các thiết bị của tháp đều được nhập từ Malaysia, tháp được thiết kế có thể chịu đựng sức gió của bão cấp 15 (tốc độ 180 km/ giờ). Nhưng trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nơi cung cấp, lại ghi rõ: Tháp được thiết kế chịu được tốc độ gió 120km/giờ.
Như vậy, đã có sự tự ý, thỏa thuận hạ tiêu chí kỹ thuật của tháp truyền hình. Vì sao lại có sự hạ thấp tiêu chí kỹ thuật này? Câu hỏi cần được chủ đầu tư trả lời cho rõ.
Có chất lượng công trình nào của chúng ta hiện nay đạt chuẩn đây: Sông tranh 2, Đakrông 3, Bảo tàng HN, Công viên Hòa Bình, Con đường nghìn tỷ (TP. HCM)...? Hay phải dùng khái niệm không đạt chuẩn tức là...chuẩn, cho mọi công trình xây dựng lâu nay?
Chữ tín ở đâu? Khi mà bão số 8 chưa kịp đổ bộ vào Quảng Bình, công trình đê chắn sóng dài hơn 300 mét, trị giá 120 tỷ đồng, được xây bằng những khối bê tông nặng hàng chục tấn, đã bị sóng đánh tan, hoặc cuốn phăng ra biển.
Giời ạ! Đã yếu thì đừng ra gió. Dân gian thường nói vậy. Mà còn chắn sóng. Không biết nếu những khối bê tông này vỡ, trong đó có đất và gỗ mục trộn lẫn không?
Những thiệt hại của bão do "thiên tai" rồi có thể khắc phục được. Nhưng những thiệt hại của cơn bão do "nhân tai" cứ âm ỉ trong đời sống xã hội, thì biết bao giờ mới khắc phục được đây? Bỗng muốn mượn ý bài thơ Bão của Tế Hanh:
Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Tháp truyền hình đã ngã/ Bê tông chắn sóng vỡ tơi bời.
Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Bão đã xa rồi/ Còn "cơn bão nhân tai" thổi mãi?
Cũng trong phiên họp bàn về ngân sách, có đại biểu đề nghị cần hết sức tránh những chủ trương, biện pháp thu phí gây sốc cho dân. Đây là một ý kiến đúng đắn.
Nhưng chữ tín sẽ ở đâu? Nếu như mới đây, dự thảo của Bộ Tài chính lại có quy định thu phí cả xe máy, và nhất là cả xe đạp điện. Loại xe nhiều công chức hưu trí, người già, trẻ em sử dụng, khi mà người dân đã phải "cõng" trên lưng khoảng gần 9-10 loại phí giao thông.
Trong khi, sự so sánh của ông Lê Như Tiến về tham nhũng và lãng phí, đã dẫn đến những hệ lụy đau xót. Nếu không thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, và không có khoản hơn một trăm nghìn tỉ nợ trong và ngoài nước, chúng ta sẽ xây dựng được thêm hơn 200 nghìn phòng học, hơn 100 nghìn nhà văn hóa, hơn 50 nghìn trạm xá xã cho dân.
Đồng tiền tham nhũng "có chân", nhưng chữ tín cũng...có chân. Đồng tiền tham nhũng đi vào nhà kẻ tham nhũng, thì chữ tín sẽ xấu hổ, che mặt ...đi ra.
Không phải ngẫu nhiên, các chương trình nghệ thuật nói chung, và The Voice nói riêng đang diễn ra trên VTV 3, luôn có hai loại phiếu bầu. Phiếu bầu bình chọn trước tiên là của các khán, thính giả. Tiếp đó, mới là bình chọn của giám khảo, những người được đào tạo bài bản, điêu luyện về kỹ thuật biểu diễn.
Điều đó cho thấy, sự tín nhiệm của quần chúng, là thước đo chữ tín vô cùng quan trọng. Cho dù các giám khảo bằng cấp đào tạo đầy mình, thì chữ tín chỉ thuộc trước hết về những ai được người dân tin yêu, quý trọng.
Cuộc đời cũng vậy!
Tác giả Kỳ Duyên Vietnamnet.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét