Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Nhâm Thìn vụt qua .


Nhâm Thìn vụt qua như bóng nhạn lướt ngoài khung cửa sổ. Cảm giác ấy nảy sinh vì năm qua dồn nén biết bao sự kiện đầy kịch tính, chưa kịp "tiêu hóa" hết sự kiện này đã lại xuất hiện sự kiện khác.
Có thực mới vực được đạo", xin có đôi lời bình về đời sống kinh tế trước. Các tổ chức quốc tế đua nhau đưa ra hết dự báo này tới dự báo khác về tăng trưởng toàn cầu nhưng đều trật khấc và liên tục phải điều chỉnh theo hướng hạ thấp dần. Sự trầm lắng về kinh tế, nạn thất nghiệp cao ở Mỹ trở thành đề tài nóng bỏng của cuộc tranh cử Tổng thống. Châu Âu không biết cách nào thoát khỏi vòng xoáy của khủng hoảng nợ công, hệ thống đồng tiền euro có lúc ngấp nghé bên miệng hố tan rã, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) họp liên miên nhưng vẫn không thể đồng thuận được về ngân sách chung. Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái mới, kéo theo khủng hoảng chính phủ. Ngay các nền kinh tế mới nổi, kể cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ cũng không còn duy trì được phong độ tăng trưởng cao như những năm trước.
Đằng sau những rối ren trước mắt người ta đang lần tìm mô hình phát triển thích hợp mới. Cuộc xuống đường rầm rộ trên các đường phố Mỹ dưới khẩu hiệu "Chiếm giữ phố Wall" nổ ra từ năm ngoái cho thấy mô hình thị trường tự do cao độ, gây ra sự phân hóa giàu nghèo quá đáng là không chấp nhận được; khẩu hiệu tăng thuế đánh vào người giàu, chăm lo người nghèo và tầng lớp trung lưu đã giúp ông Obama ở lại Nhà trắng nhiệm kỳ hai. Việc hàng triệu người châu Âu lâu nay quen sống xông xênh với phúc lợi cao nhờ tiền vay, liên tiếp đổ xuống đường phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" cho thấy mô hình thị trường xã hội cũng không hẳn thích hợp. Trung Quốc nay cũng phải chuyển sang phương thức phát triển "lành mạnh, bền vững" nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo doãng ra quá đáng, bảo vệ môi trường bị tàn phá nghiêm trọng đi đôi với việc hướng vào nội nhu cho thấy cái cách tăng trưởng nóng bên trong và lùa hàng rẻ ra bên ngoài xem ra đã tới giới hạn.
Bức tranh đậm mầu xám của kinh tế thế giới càng cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy thoái kinh tế bùng phát từ năm 2008 sâu đậm đến mức nào và tính tùy thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế mạnh mẽ ra sao. Không gắn kết với nhau, đồng lòng chung sức tìm lối thoát thân mà cứ lục đục, tranh chấp nhau hoài thì không biết sang năm Quý Tỵ, trời có hửng sáng không hay vẫn u ám như năm qua?
                               
Bầu trời kinh tế đã vậy, bầu trời chính trị cũng không thật sáng sủa. Hơn một năm nay Trung Đông - Bắc Phi chìm trong bóng đen của sự bất an, xung đột. Các cuộc "cách mạng đường phố" đưa tới sự sụp đổ của các chính quyền ngự trị hàng mấy chục năm trời chưa thể đem lại sự yên hàn về chính trị và chưa thấy đâu sự ổn định chứ chưa nói đến sự phồn vinh về kinh tế. Cuộc nội chiến ở Syria dai dẳng và ngày càng trầm trọng và bị "quốc tế hóa".  Gần cuối năm lại bùng phát cuộc đấu tên lửa giữa Israel và Hamas ở dải Gaza, đẩy cái khu vực chiến tranh, xung đột triền miên này tới bên bờ vực thẳm một cuộc chiến mới.
Bước vào thế kỷ 21, ai ai cũng nói đến sự lên hương của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xu thế hòa bình của khu vực này. Nhâm Thìn tiếp tục khẳng định điều đó nhưng tiếc rằng lại nảy sinh những căng thẳng trên Biển Đông và vùng biển Đông - Bắc Á liên quan các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo. Không thiếu lời cam kết giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình nhưng căng thẳng vẫn xảy ra dài dài, những cái tên kép Scarborough/Hoàng Nham, Senkaku/Điếu Ngư, Takashima/Dokdo... thường trực trên các phương tiện thông tin đại chúng, cái "thành phố Tam Sa" độc nhất vô nhị nối liền các đảo thuộc chủ quyền nước khác ra đời, "cái đường lưỡi bò" quái dị nhảy cả vào hộ chiếu và trò chơi điện tử... tạo nên những cơn áp suất nhiệt đới có nguy cơ trở thành bão tố.
"Ngư ông đắc lợi", trên nền sự hành xử quyết liệt của "con rồng lớn" đang trỗi dậy và những sự cọ xát trong khu vực, chú Sam càng có "cớ" đẩy mạnh chính sách "tái cân bằng" quyền lực, đưa tới những rắc rối mới ở Viễn Đông trong khi ở đây rất cần hòa bình, ổn định để phát triển.
Sau Chiến tranh lạnh, cứ tưởng sẽ có yên bình nhưng tiếc thay ở Viễn Đông lại xuất hiện cuộc chạy đua vũ trang ác liệt tạo nên cục diện "hòa bình nóng, hợp tác lạnh".
Tuy ASEAN về cơ bản vẫn duy trì được đoàn kết và vị thế đầu tàu song cuộc tranh hùng, giành giật mới giữa các nước lớn đã gây ra sự phân tâm nội khối. Nếu thành viên nào cũng chỉ chăm lo lợi ích riêng tư trước mắt, lãng quên lợi ích cơ bản và lâu dài thì mai đây có động dạng gì lấy ai làm nơi nương tựa? Nhân bàn về Đông - Nam Á trong "năm con rồng" không thể không nói tới một con rồng tiềm tàng mới xuất hiện - đó là Myanmar. Sau giấc ngủ dài ngày, nay uể oải vươn vai thức giấc, Myanmar khởi động công cuộc cải cách cả về kinh tế lẫn chính trị đi đôi với việc mở cửa ra thế giới bên ngoài, tạo nên cơn sốt của các nước trên thế giới chung quanh "hiện tượng" Chùa Vàng.
Nhâm Thìn còn là năm các Phủ Tổng thống, Phủ Thủ tướng hàng loạt nước "đổi chủ". Ông Sarkozy đại diện cho Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) thuộc cánh hữu lâu nay cầm quyền phải rời Điện Elysee, nhường ghế cho ông Hollande, đại diện cho đảng Xã hội từ lâu xếp hàng, giành chỗ. Bộ đôi Putin - Medvedev hoán đổi vị trí cho nhau. Ông Obama không phải "dọn đồ" khỏi Nhà trắng. Ông Tập Cận Bình thay ông Hồ Cẩm Đào trong Trung Nam Hải đúng theo kịch bản đã định. Thủ tướng thuộc đảng Dân chủ (DPJ) Noda đành lùi bước, trả lại ghế cho ông Abe, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LDP) sau hơn ba năm tạm ngồi ghế đối lập. Lần đầu một phụ nữ Hàn Quốc là bà Park Geun-hye, con gái cố Tổng thống Park Chung-hee vừa khét tiếng là "bàn tay sắt", vừa nổi tiếng là nhà cải cách bước vào "Nhà Xanh". Hoàn cảnh khác nhau, đảng phái hay nhân vật khác nhau, chính sách có thể cũng khác nhau nhưng đều phải đối mặt một thách thức chung là làm sao hồi phục và phát triển kinh tế lành mạnh, duy trì xã hội bình an.
Đó là chuyện người, còn chuyện Trời cũng lắm điều báo động. Một lần nữa nước Mỹ phải chịu cơn bão kinh hoàng hàng trăm năm mới có, nhấn chìm cả phố xá, đường ngầm tại nhiều thành phố miền đông, làm cho hàng triệu người bị mất điện. Trên Biển Đông nổi lên các cơn bão trái mùa với sức tàn phá ghê gớm. Nhiều nước châu Âu ngập trong tuyết lạnh... Ngay ở nước ta cơn bão trái mùa, hướng đi lắt léo, gây nhiều thiệt hại; động đất liên tiếp rung chuyển xứ Quảng... càng cho thấy sự biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết mà thật sự đang đe dọa sự sinh tồn của loài người. Thế nhưng các hội nghị về chủ đề nóng bỏng là biến đổi khí hậu toàn cầu nhóm họp liên miên, cãi vã không dứt nhưng không đi tới thỏa thuận nào. Ngày tận thế nhiều người đồn đoán đã đi qua nhưng nếu loài người cứ ứng xử như lâu nay thì ngày đó chắc sớm tới.
Như vậy là năm Con Rồng qua đi chắc chỉ đem lại điều lành cho các bà mẹ sinh con trai chứ ít điều lành cho thế giới. Năm Con Rắn tới liệu có trườn lách được qua chông gai, cỏ rậm không còn là điều phải chờ xem.
                                                                                           Theo Thời nay số xuân Quý Tỵ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét