Cụ Hồ mở đầu Tuyên ngôn thành lập nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 trên Lễ đài tại Quảng trường Ba đình bằng câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Theo cố nhà văn Phùng Quán, ông Nguyễn Hữu Đang đã “tổ chức xây lễ đài bằng gỗ, ván, đinh, vải trong vòng 48 tiếng và biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích sau lễ tuyên ngôn”. Ông Nguyễn Hữu Đang, khi đó là một thanh niên, được chính Cụ Hồ giao phó nhiệm vụ trọng trách này.
Nhà văn già từng rơi lệ vì những cảm xúc dâng trào khi nhớ đến lễ đài mong manh, nhưng tầm vóc, hình dáng và kiến trúc đã tạc sâu vào ký ức của dân tộc. Chính ngày 2-9 đó, đất nước bước ra khỏi trăm năm nô lệ.
Sau đó là Tuần lễ Vàng, người dân Việt Nam tự nguyện đóng góp sức người, sức của, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có người nộp hàng chục cân vàng mà không cần bất kỳ một thứ hóa đơn nào vì họ tin Cụ Hồ. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống sau mấy cuộc chiến tranh. Vì sao cả dân tộc có một niềm tin mãnh liệt như thế?
Khi cả hai đã gác kiếm, tướng McNamara tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội đã nói, theo thống kê của Mỹ, quân đội Việt Nam đã thương vong quá lớn, khó mà đương đầu với quân đội Mỹ, tại sao các anh vẫn tiếp tục chiến tranh.
Đại tướng đã cười và nói, chính người Mỹ các ông đã lầm, không hiểu hết dân tộc này. Họ có thể chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ đất nước.
Mấy năm trước, tôi có dịp xem cuốn phim tài liệu Trong phim, có đoạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu, giọng sang sảng giữa âm thanh của súng đạn, máy bay gầm rú, người xem chợt hiểu vì sao dân tộc Việt Nam bé nhỏ dám đương đầu với một đế quốc to lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert McNamara, đưa ra 11 bài học cho cuộc đời mình. Nhưng ông quên bài học thứ 12 về Việt Nam, rằng, kẻ nào dòm ngó biên giới nên nhớ hộ, người dân nơi đây sẵn sang "đốt cả dãy Trường Sơn" để bảo vệ Tổ quốc.
Sức mạnh ấy có được vì ai ra trận cũng biết rằng, ngày mai đất nước hòa bình, chính họ hay con cháu có “quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” như tạo hóa đã dành cho. Hàng triệu người đổ máu vì niềm tin như thế. Đó cũng là một nguồn sức mạnh làm nên Việt Nam gần 70 năm trước.
Hòa bình đã qua mấy thập kỷ. Đã lúc nào chúng ta tự hỏi, sức mạnh năm xưa có còn không? Và giá trị thời đại của Việt Nam bây giờ là gì trong thế giới toàn cầu hóa này? Sức mạnh đoàn kết ấy ở đâu. Mấy chục năm qua, có ai dám đặt lên vai trọng trách quốc gia cho tuổi trẻ như Cụ Hồ đã từng tin chàng trai Nguyễn Hữu Đang khi xây dựng lễ đài Ba Đình.
Cần tìm lại sức mạnh ấy của Việt Nam bây giờ ở đâu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét