Ngày 3/8 Mỹ tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên cần có những bước đi làm giảm bớt căng thẳng, theo đúng tinh thần DOC giữa Trung Quốc và ASEAN. Ngay sau đó, ngày 4/8, Trung Quốc đã triệu Phó Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm nay, kể từ khi Trung Quốc tiến hành cuộc leo thang ngày càng công khai và quyết liệt trên Biển Đông, chính phủ Mỹ, thông qua hình thức người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã đưa ra một tuyên bố dài nhất từ trước đến nay. Bản tuyên bố gần 500 từ được giới phân tích cho là trình bày một cách đầy đủ và rõ ràng quan điểm hiện nay của chính phủ Hoa Kỳ về tranh chấp trên Biển Đông.
Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên cả hành pháp và lập pháp Mỹ, hầu như trong cùng một thời điểm, đã bày tỏ lập trường của Hợp chủng quốc về vấn đề thời sự nóng bỏng nhất hiện nay trong khu vực.
Có gì mới trong lập trường của Mỹ?
Ngày 3/8, theo giờ Washington, Chính quyền Tổng thống Obama lần đầu tiên đã ra tuyên bố về Biển Đông, ngay sau khi Thượng viện Mỹ vừa thông qua Nghị quyết S.Res 524 vào tối 2/8 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ do Phó Phát ngôn Patrick Ventrell nêu rõ, là một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp tại khu vực Biển Đông.
Ảnh: Reuters
Bản tuyên bố tiếp tục nhắc lại lập trường trước đây của Mỹ là “không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và không có tham vọng tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông”; đồng thời khẳng định: “Mỹ tin tưởng các quốc gia trong khu vực phối hợp chặt chẽ và sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp không sử dụng biện pháp ép buộc, dọa dẫm, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Mỹ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông và đang theo dõi sát sao tình hình tại khu vực này”.
Theo đánh giá của bản Tuyên bố, những diễn biến gần đây trên Biển Đông bao gồm sử dụng lời lẽ căng thẳng, các hành động kinh tế cưỡng bức, và các sự việc xảy ra xung quanh bãi cạn Scarborough, đặc biệt việc Trung Quốc nâng cấp mức quản lý hành chính với “thành phố Tam Sa” và đặt đồn trú quân sự tại đây để quản lý khu vực Biển Đông đang tranh chấp, tất cả đã đi ngược lại với những nỗ lực ngoại giao mang tính hợp tác để giải quyết những bất đồng, đồng thời làm cho căng thẳng trong khu vực Biển Đông ngày càng gia tăng.
Nghị quyết S.Res 524 của Thượng viện Mỹ được thông qua trước đó một ngày cũng đã nhất trí tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tuyên bố DOC năm 2002. Nghị quyết S. Res 524 này do Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng 6 thượng nghị sỹ Mỹ khác đồng bảo trợ. Nghị quyết về Biển Đông năm nay đưa ra vào đúng thời điểm vừa tròn một năm Nghị quyết về Biển Đông năm 2011 do Thượng nghị sĩ Jim Webb bảo trợ và được dư luận đánh giá cao về nội dung. Bên cạnh những tương đồng với lập trường cũ, Nghị quyết mới cũng ghi nhận một số điểm khác biệt.
Nghị quyết lần này đã đề cập nhiều hơn tới vai trò của ASEAN và khẳng định ủng hộ sự hợp tác của Chính phủ Mỹ đối với tổ chức này trên nhiều lĩnh vực. Đây có thể coi là thông điệp ủng hộ từ các nhà lập pháp đối với chính sách “chuyển hướng” tới châu Á của Chính quyền Obama, mà gần nhất thể hiện qua chuyến đi của Ngoại trưởng Clinton tới khu vực hồi đầu tháng Bảy.
Việc bản Tuyên bố của Chính phủ Mỹ gián tiếp lên án “các biện pháp ép buộc, dọa dẫm, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” của Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng thể hiện những sắc thái mạnh mẽ hơn so với Nghị quyết trước đó của Thượng viện.
Phá vỡ “tình thế lưỡng nan”?
Tuyên bố của Chính phủ Mỹ kết thúc bằng việc thúc giục các bên cần có những bước đi làm giảm bớt các căng thẳng và giữ đúng tinh thần của Tuyên bố về Biển Đông của ASEAN năm 1992 và Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên tại khu vực Biển Đông DOC năm 2002. Mỹ khuyến khích ASEAN và Trung Quốc có những bước tiến để đi tới thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử (COC), tạo ra các quy định và nguyên tắc để giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. Mỹ ủng hộ nguyên tắc 6 điểm gần đây của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Mỹ thúc giục tất cả các bên hãy làm rõ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tuân theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ.
Ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Phó Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh Robert S. Wang lên để phản đối việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc về việc họ thành lập lực lượng đồn trú đóng trên Biển Đông. Trung Quốc cáo buộc Washington khuấy động sóng gió trong khu vực(?!). Cùng ngày 4/8, Tân Hoa Xã dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao gọi việc Mỹ chỉ trích chuyện thành lập khu cảnh bị của Trung Quốc trên Biển Đông là “một thông điệp sai lạc” và đe dọa hòa bình tại vùng biển đang có tranh chấp nóng bỏng này (?!)
Trên trang mạng tiếng Anh của THX có bài xã luận gọi những chỉ trích của Mỹ là không có cơ sở; yêu cầu Mỹ “rút lại bàn tay can thiệp khỏi các tranh chấp” ở Biển Đông và cho rằng, việc Mỹ ủng hộ một vài nước đòi chủ quyền sẽ dẫn đến những hành động gây hấn và đối kháng (?!)
Trong bối cảnh giữa cuộc tranh cử cho nhiệm kỳ hai trước đối thủ Cộng hòa Mitt Romney, Tổng thống Barack Obama không thể tỏ ra mềm yếu trước Trung Quốc, nhất là vì ông Romney vẫn chỉ trích ông Obama nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ trích Bắc Kinh quá nặng nề thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ với cường quốc đang trổi dậy, nhưng nếu để mặc cho Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” thì sẽ phá hỏng những nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường vị thế của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép. Đó chính là “tình thế lưỡng nan” của Mỹ trên vấn đề Biển Đông.
Trong một động thái không mấy ai chờ đợi, việc Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức ra tuyên bố về Biển Đông, không chỉ gián tiếp bênh vực các nước thuộc ASEAN đang bị Trung Quốc uy hiếp và chèn ép, chính phủ Mỹ trên thực tế còn muốn phá vỡ “tình thế lưỡng nan” nói trên. Thông điệp quan trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Obama trong thời gian qua đã thường xuyên chuyển đến Trung Quốc qua nhiều cuộc đối thoại ở nhiều cấp độ khác nhau cả về quân sự cũng như thương mại với Trung Quốc, có thể đã được giải mã!
“Làn ranh đỏ” mà Trung Quốc phải dừng lại trong cuộc diễu võ dương oai ngoài khơi thềm lục địa của các nước Đông Nam Á có được chuyển đến nhà cầm quyền Trung Quốc với Tuyên bố của Chính phủ Mỹ và Nghị quyết của Quốc hội Mỹ lần này? Chỉ biết rằng, phá “tình thế lưỡng nan” nói trên cũng là để phá thế cờ hiểm mà Trung Quốc đang giăng trên Biển Đông đối với ASEAN và đối với cả Mỹ. Là một siêu cường thế giới, liệu Mỹ có đủ bài bản để đối phó với Trung Quốc, loại trừ được kịch bản mà chính quyền Obama từng né tránh, đó là tranh chấp chủ quyền Biển Đông không được đẩy các quyền lợi chiến lược của Mỹ vào thế đối đầu với Trung Quốc? Câu trả lời nằm ở những phối trí sau hiệp đấu ngoại giao lần này./.
Hoàng Dũng Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét