Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tham vấn & Phản biện.

Sự lệch chuẩn đạo đức ở một số cán bộ đảng viên.
Bài viết của PGS,TS :Lê Quý Đức
Một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản của người cán bộ, công chức, đảng viên (gọi chung là cán bộ, đảng viên) là phải làm tròn bổn phận "công bộc” của nhân dân. Bổn phận cao quý này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Sau này trong Di chúc, Người nói rằng: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.” Tư tưởng ấy lại được nhắc đến trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2), khóa VIII và Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI hiện nay
                                                        
Trước hết, cần thấy rằng bổn phận "công bộc của dân” là một danh hiệu cao quý, là một giá trị đạo đức cao đẹp của một người làm quan xưa, hay của một cán bộ, đảng viên ngày nay. "Quan là công bộc của dân”, Khổng Tử, nhà tư tưởng chính trị-xã hội nổi tiếng của phương Đông thời cổ đại (479-551 TCN) đã nói như vậy. Ông xuất phát từ một quan điểm hoàn toàn đúng đắn về vai trò của nhân dân trong lịch sử: Dân là chủ thể của lịch sử, là người quyết định lịch sử và là mục tiêu của sự phát triển lịch sử. Sống trong xã hội quân chủ chuyên chế mà ông vẫn khẳng định: "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, xã tắc thứ yếu, vua coi thường). Do vậy, người làm quan trong xã hội ấy, được làm công bộc (đầy tớ) của dân là một niềm tự hào, một vinh dự cao quý. Ngày nay, người cán bộ, đảng viên, theo quan điểm đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, cũng là công bộc của nhân dân, thực sự được thực hiện một sứ mệnh cao quý: Phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa tư tưởng Khổng Tử kết hợp với tư tưởng đạo đức cách mạng và truyền thống đạo đức dân tộc, đã xác lập những chuẩn mực mới của người công bộc cách mạng. Theo Người, để thực hiện bổn phận công bộc của nhân dân, người cán bộ, đảng viên phải: "mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người”, "đặt lợi ích của dân lên trên hết”, "không độc đoán”, "không phạm vào công lý, tự do dân chủ đó”, "không tùy tiện tiêu tiền công quỹ” và "xa hoa lãng phí”, "việc gì lợi cho dân phải hết sức làm”, "việc gì hại đến dân phải hết sức tránh” . Đây chính là các chuẩn mực đạo đức hàng đầu của người cán bộ, đảng viên trong quan hệ với quần chúng nhân dân.

Song, hiện nay những chuẩn mực đạo đức cách mạng nói trên đang bị một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm, phản ánh sự lệch chuẩn đạo đức. Sự vi phạm ngày gia tăng, đúng như nhận định của Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) khóa VIII, với ba cái hơn "phổ biến hơn”, "tinh vi hơn” và "nghiêm trọng hơn”. Trong Hội nghị Trung ương 4 khóa XI vừa qua, tình trạng ấy lại được nhấn mạnh một lần nữa!

Về thực trạng biểu hiện lệch chuẩn đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên không thể thống kê hết được, ở đây chúng tôi chỉ muốn hệ thống hóa phân loại những biểu hiện và chỉ rõ sự gia tăng tính chất tiêu cực của các hiện tượng đó.

Một là, chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi...có xu hướng ngày càng phát triển.

Hai là, nạn tham nhũng, đưa và nhận hối lộ, bòn rút, lãng phí của công...diễn ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trở thành "quốc nạn”.

Ba là, quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, của doanh nghiệp...

Bốn là, lối sống thiếu trung thực, cơ hội, chạy chọt vì lợi ích cá nhân, như chạy thành tích, chạy bằng cấp, chức quyền, dự án, đề tài... khá phổ biến. Khi bị phát hiện vi phạm pháp luật, thì chạy tội...

Năm là, lời nói không đi đôi với việc làm, nói và làm trái với Nghị quyết của Đảng; nói một đằng, làm một nẻo; nói nhiều, làm ít; phát ngôn tùy tiện, vô nguyên tắc...

Sáu là, suy thoái về đạo đức trong quan hệ gia đình và quan hệ cá nhân với xã hội; lối sống buông thả, hưởng thụ; tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, sa đọa...có chiều hướng phát triển.

Bảy là, đạo đức nghề nghiệp sa sút, ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh, như: Y tế, giáo dục, bảo vệ pháp luật, báo chí...

Như vậy, biểu hiện của sự lệch chuẩn thì đã rõ, song vấn đề là cần phân tích mức độ "nghiêm trọng của sự suy thoái” thì chưa được đề cập một cách đầy đủ. Theo chúng tôi thì sự gia tăng mức độ tiêu cực nói trên đã biểu hiện ở nhiều mặt:

Từ sự suy giảm hành vi sinh hoạt "cái bên ngoài” tiến đến suy giảm cái cốt lõi bên trong của đời sống và đạo đức cá nhân (từ lối sống đến tư tưởng, đạo đức) của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Từ sự lệch chuẩn đạo đức ở một số ít cán bộ, đảng viên đã tăng lên ở một bộ phận "không nhỏ”, "không ít” cán bộ đảng viên, có người còn cho rằng ở một bộ phận "rất không nhỏ”. Đại hội Đảng lần thứ XI nhấn mạnh: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu (...) chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” .

Từ sự suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên cấp dưới ngoi lên cả những cán bộ "chủ chốt các cấp”. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng nhận xét: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém về phẩm chất và năng lực (...). Bệnh cơ hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng” .

Từ sự suy thoái ở một số cán bộ, đảng viên đến một bộ phận "theo kiểu đường dây” gắn liền với lợi ích nhóm, lợi ích tập đoàn như dư luận đã lên án. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho rằng: "Bộ máy Nhà nước kém hiệu lực và tình trạng tha hóa ngày càng nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân”... "Điều đó lại càng nguy hiểm khi mà bộ máy hành chính của ta vừa quan liêu vừa tham nhũng, tạo kẽ hở cho sự hình thành các mối quan hệ theo kiểu đường dây” .

Từ sự suy thoái đạo đức biểu hiện ở sự tham nhũng vật chất, kinh tế chuyển sang tham nhũng quyền lực rồi tiến đến tham nhũng các giá trị tinh thần. Tham nhũng kinh tế, quyền lực thì ai cũng rõ, còn tham nhũng tinh thần thế tục gắn với tham nhũng kinh tế, quyền lực: Có "phú” rồi phải có "quý”. Việc "chạy chức”, "chạy quyền” là một biểu hiện tham nhũng tinh thần thế tục, việc chạy bằng cấp (học giả bằng thật, học giả bằng giả), chạy các danh hiệu tôn vinh (Giáo sư, Phó giáo sư, Nghệ sỹ, Nhà giáo ưu tú...) không bằng tài năng, công lao thực sự, cũng là tham nhũng tinh thần thế tục... Từ chỗ lấy lý tưởng, đạo đức làm lẽ sống, sang lấy lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân làm lẽ sống; từ chỗ lấy "con người tập thể”, "con người cộng đồng” làm mẫu mực đến chỗ "con người cá nhân” thậm chí là cá nhân vị kỷ làm mẫu mực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Niềm tự hào được làm công bộc của nhân dân thay bằng thói hãnh tiến của kẻ ô trọc khi có tiền, có quyền và những danh vị hão. Đã đến lúc chúng ta "phải thẳng thắn thừa nhận rằng các cái hư hỏng, đồi bại chính từ sự tha hóa (quan liêu, tham nhũng, hám chức, quyền, danh, lợi, dối trá...) trong một số người có chức có quyền thuộc bộ máy công quyền và khu vực kinh tế nhà nước” .

Cách đây hơn bốn mươi năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo "Một dân tộc, một Đảng, một con người ngày hôm qua còn là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Do vậy, vấn đề xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương bốn khóa XI để khắc phục sự lệch chuẩn đạo đức là vấn đề có ý nghĩa to lớn, liên quan đến sự "sống còn của Đảng và chế độ”.
                                                      Nguồn :Báo Đại đoàn kết .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét