Trung tướng Trần hanh thứ trưởng bộ quốc phòng Việt nam |
Xuất thân là một đoàn viên thanh niên ở thành phố Nam Định, sau những ngày tháng tham gia cách mạng, vào tháng 9/1956, ông Trần Hanh được lựa chọn gửi đi học lái máy bay phản lực Mig - 17 tại trường số 3, Không quân Trung Quốc. Bốn năm trời theo học, với sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các thầy giáo, Trần Hanh đã tốt nghiệp loại giỏi. Thêm bốn năm sát cánh cùng các sư đoàn không quân Trung Quốc, ông cùng các bạn được rèn giũa những bài bay, những phương án cơ động chiến đấu phức tạp… Tám năm trời kiên trì, bền bỉ tập luyện trên chiếc Mig - 17, ông không thể nào quên được những chuyến bay trong cái lạnh cắt da xé thịt. Những trận đòn của một số thầy giáo là giảng viên huấn luyện từ thời Quốc dân đảng rất giỏi nhưng khắc nghiệt với học trò. Hơn nữa, 8 năm, chỉ được hai lần về thăm nhà mà thôi.
Ngày trở về nước là những ngày Mỹ ném bom ác liệt xuống miền Bắc. Trong điều kiện địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết Việt Nam vô cùng phức tạp, anh em phi công phải luyện tập những bài bay dựa vào thế núi, dáng mây để tạo yếu tố bất ngờ trong chiến đấu. Luôn nêu cao tinh thần cảm tử, quyết chiến cho Tổ quốc quyết sinh. Ngày 4/4/1965, biên đội của Trần Hanh nhận lệnh từ Sở chỉ huy đã lên đường chiến đấu. Trời lúc đó mây mù thấp, máy bay vừa lên độ cao 150m đã lẫn vào trong mây. Trên bầu trời cầu Hàm Rồng, lưới lửa phòng không, đạn pháo cao xạ đan chéo liên hồi.
Trần Hanh nhớ lại: “Lúc đó, một đoàn “thần sấm” F - 105 thấp thoáng từ trong những đám mây lừng lững hiện ra. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại máy bay thân dài, đầu nhọn, phía dưới cánh lặc lè toàn bom. Sau này, mới biết nó được mang biệt danh “thần sấm”, nặng 25 tấn, tốc độ vượt hai lần âm tốc. Khi bay ở thấp có thể vượt tiếng động được trên 10 ngàn cây số/giờ. Nó lướt tới đâu là tiếng động ầm vang tới đó, với cả chục tấn bom đạn chứa trong bụng. Nhìn con vật khổng lồ đó, tôi vô cùng ngạc nhiên. Sau vài giây lấy lại bình tĩnh, tôi vứt thùng dầu phụ, sau cú điểm xạ ngắn, thấy trúng mục tiêu rồi bóp cò luôn. Cả hai trăm viên đạn nhằm cái đích thần sấm lao tới. Chiếc F - 105 bùng lên như một bó đuốc rừng rực”. Tiếp đó, Lê Minh Huân bắn rơi chiếc F - 105 thứ hai. Với chiến công này, Trần Hanh được đồng đội đặt cho một tên gọi mới là “ông thần sấm”.
Nhưng vì lực lượng địch đông hơn, lại có tên lửa đối không, máy bay ta tốc độ chậm, không tránh được tên lửa từ nhiều phía bắn tới nên những đồng đội thân yêu: Phạm Giấy (số 2), Lê Minh Huân (số 3), Trần Nguyên Năm (số 4) lần lượt trúng đạn và anh dũng hy sinh. Lúc ông về lại đơn vị, cả trung đoàn vẫn lặng câm, đau đớn. Niềm vui bắn hạ hai thần sấm không đủ xoa dịu nỗi đau mất mát những người đồng đội thân yêu.
Chim chích đối đầu diều hâu
Cuộc chiến giữa ta và Mỹ là một cuộc chiến không cân sức. Lực lượng không quân của ta hạn chế, máy bay lại lạc hậu trong khi không quân địch là lực lượng chiến đấu nhà nghề, máy bay hiện đại. Khi đặt chiếc F - 105 Mỹ bên cạnh chiếc Mig - 17 đời đầu của ta, có khác nào chim chích đối đầu diều hâu, tay thiện chiến săn mồi. Nhưng không vì thế mà Trần Hanh và đồng đội của mình sợ hãi. Những người anh hùng ấy đã hiên ngang đối diện thẳng với kẻ thù để bắn phá. Hơn nữa, cách đánh sáng tạo của không quân Việt Nam, với chiến thuật hợp lý, lấy yếu tố bí mật, bất ngờ làm trọng đã làm nên nhiều thắng lợi vẻ vang. Đó là phương án tác chiến theo kiểu đặc công trên không trung: bí mật - bất ngờ - đánh gần - đánh nhanh - thắng nhanh.
Từ năm 1966, các chuyên gia Liên Xô đã hướng dẫn Trần Hanh kỹ thuật bay chuyển loại từ MIG 17 sang MIG 21 (được trang bị thêm tên lửa tìm nhiệt, không đối không), để rồi ông lại tiếp tục truyền đạt lại cho các phi công dưới quyền.
Ngày 28/4/1975, nhận được lệnh của cấp trên, phi đội Quyết thắng gồm 5 máy bay do ông Trần Hanh chỉ huy đã bay vào sân bay Thành Sơn - Phan Rang, rồi từ đó đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chọn lúc trời chạng vạng, phi đội cất cánh. Biết địch có khả năng phát hiện sóng ra-đa, đội phi công khi cất cánh phải tuân thủ phương án “ba không”: Không ra lệnh cất cánh, chỉ dùng pháo hiệu; Không liên lạc với đài chỉ huy trong suốt quá trình bay; Khi máy bay bắt đầu tăng độ cao, người lái chỉ nhận lệnh mà không được phép trả lời. Với phương án này, khi phát hiện ra mục tiêu, ngay lập tức phi đội đã cắt bom ném xuống sân bay nên địch không kịp trở tay. Lần đó, 60 chiếc máy bay các loại của địch bốc cháy thành tro bụi. Thắng lợi vẻ vang này đã giúp cho quân và dân ta có thêm tinh thần và tư thế để ngày 30/4 tiến đánh Dinh Độc Lập, thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của ngụy quân Sài Gòn.
Bước ra khỏi cuộc chiến, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội (khoá VI, VIII, XI, XII)… nhưng với ông, hạnh phúc và vẻ vang nhất là lúc làm nhiệm vụ người phi công, bắn cháy máy bay Mỹ.
Nghỉ hưu ông là chủ tịch hội cựu chiến binh Việt nam |
Hiện nay, khi đã gần bước tới ngưỡng tuổi “bát thập”, ông sống vui vẻ, hạnh phúc bên mái ấm gia đình “tứ đại đồng đường”. Và trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông luôn tìm cách chăm lo và nâng cao đời sống của các cựu chiến binh./.
Theo Huyền trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét