Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Tăng lương tối thiểu của công chức từ 1/5/2012


Tại phiên họp chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chính thức báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh lương tối thiểu của công chức lên mức 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25% từ ngày 1/5/2012.

Phương án này đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách ngay từ khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp đầu tháng này.

Theo đó, lương tối thiểu của công chức sẽ tăng 220 nghìn đồng, tương đương 26,5%. Mức tăng này cũng được áp dụng cho lương hưu và trợ cấp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày trước Quốc hội chiều nay cho biết, một số ý kiến của Ủy ban cho rằng, so với đề án cải cách tiền lương, đến nay việc thực hiện còn chậm. Mức lương tối thiểu của công chức và phụ cấp công vụ còn mức thấp, chưa đảm bảo được yêu cầu của cải cách tiền lương.

Đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến dự toán chi ngân sách năm tới, Chính phủ trình Quốc hội tăng chi cho các chương trình biển Đông, hải đảo.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị bố trí ngân sách đầu tư nhiều hơn để tăng cường năng lực cho cảnh sát biển, xây dựng đồn biên phòng, doanh trại…

Cơ bản thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 phải được sắp xếp theo một trật tự ưu tiên.

Số một vẫn là ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội.

Hai là, quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp ở 3 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Ưu tiên thứ ba, bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa các công trình mới; tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công trên cơ sở các tiêu chí cụ thể để đánh giá, chọn lọc hiệu quả.

Cuối cùng quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tỉnh có khả năng bứt phá để tự cân đối ngân sách.

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với Chính phủ mức bội chi ngân sách nhà nước năm sau là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.
                                                                         Theo báo cựu chiến binh Viêt nam.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Đại hội đại biểu CCB phường Thọ xương lần thứ lll nhiệm kỳ 2012-2017

Một vài hình ảnh về đại hội .
--------------------------------------------------------------------------------

                                                         


Văn nghệ chào mừng đại hội với bài hát Tiến bước dưới Quân kỳ
Đoàn chủ tịch đại hội 
Đc Nhung Chủ tịch CLB Truyền thống bộ đội Trường sơn tỉnh Bắc giang dư đại hội
Đại biểu dự đại hội
Đc Hạnh phó chủ tịch hội phường Thọ xương
Chủ tịch nhận hoa chúc mừng của các chi hội

Chủ tịch CCB thành phố Trần Văn Thắng tặng hoa hội nghị
Bí thư đảng ủy Đỗ Văn Hoan tặng hoa hội nghị
Đại biểu bỏ phiếu bầu ban chấp hành khóa lll

Đòng chí Nguyễn Đức Thụ Chủ tịch hội khóa ll đọc báo cáo trước đại hội .

Đại biểu Cung nhượng 2 dự hội nghị 

Ban chấp hành khóa lll  ra mắt đại hội .


Thông báo kết quả đại hội .
       Ngày 1 và 2 tháng 3 năm 2012 Tại hội trường lớn UBND phường Thọ xương  hội CCB phường đã tổ chức đại hội đại biểu CCB lần thứ lll nhiệm kỳ 2012-2017 .Đại hội được vinh dự đón tiếp đồng chí Đoàn Cảnh Quốc trưởng ban tuyên giáo CCB tỉnh Bắc giang và đồng chí Trần Văn Thắng Ủy viên ban thường vụ tỉnh hội Chủ tich CCB thành phố  Bắc giang ,đồng chí Đỗ Văn Hoan thành ủy viên bí thư đảng ủy phường và các đồng chí thường trực đảng ủy ,HDND ,UBND ,MTTQ cùng các đoàn thể xã hội phường Thọ xương
           Tham dự Đại hội có 100 đại biểu được bầu từ 16 chi hội đại diện hơn 600 hội viên trong toàn phường ,50 đại biểu khách mời là 16 đồng chí bí thư chi bộ ,chủ nhiệm các câu lạc bộ truyền thống ,các cơ sở kinh tế ,các đồng chí nguyên là chủ tịch phó chủ tịch hội CCB thành phố và phường các nhiệm kỳ trước .
        Qua 2 buổi làm việc khẩn trương nghiên túc và trách nhiệm đại hội đã hoàn thành nội dung chương trình được đề ra Đại hội đã thông qua tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo báo cáo của BCH hội CCB thành phố Bắc giang khóa lV trình đại hội CCB thành phố khóa V nhiệm kỳ 2012-2017 .Thông qua tổng hợp ý kiến tham gia bổ xung sửa đổi điều lệ  cựu chiến binh Việt nam trình đại hội CCB toàn quốc lần thứ V .

Đại hội đã thông qua báo cáo việc thực hiện NQ nhiệm kỳ ll,phươnghướng,mục tiêu,nhiệm vụ,giải pháp nhiệm kỳ lll ( 2012-2017) Báo cáo kiểm điểm của lãnh đạo,BCH nhiệm kỳ ll với nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu và đặc biệt là 2 ý kiến ghi nhận những thành tích và chỉ đạo công tác hội của đồng chí Trần văn Thắng chủ tịch hội thành phố,đồng chí Đỗ Văn Hoan bí thư đảng ủy phường
   Đại hội thống nhất một số nội dung chính như sau :
Nhiệm kỳ qua cán bộ và hội viên đã đoàn kết ,nhất trí nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ,mục tiêu NQ/ll đề ra tuy nhiên còn một số điểm tồn tại cần phát huy dân chủ,thẳng thắn rút kinh nghiệm và có giải pháp rõ ràng nhanh chóng khắc phục để đưa hội tiến lên .
     Đại hội đã đề ra phương hướng,chỉ tiêu,nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho nhiệm kỳ 2012-2017
     Đại hội dã bầu ban chấp hành khóa lll gồm 17 đồng chí . Ban chấp hành khóa lll đã họp phiên thứ nhất bầu chức danh chủ tịch,phó chủ tịch,ban thường vụ,ban kiểm tra danh sách như sau : 
                                                                                                                                                       - Chủ tịch hội :  ĐỒNG VĂN THUẦN
- phó chủ tịch :  CHU BÁ CĂN
-Ban thường vụ : 5 đồng chí
1/       ĐỒNG VĂN THUẦN
2/       CHU BÁ CĂN
3/       ĐỖ XUÂN NHỊ
4/       TRẦN ĐỨC THẬT
5/       ĐÀM THÂN
- Ban kiểm tra :    5 đồng chí
1/       CHU BÁ CĂN
2/       NGUYỄN THỊ TUYẾT LAN
3/       NGUYỄN NHƯ ĐẠT
4/       NGUYỄN VĂN DŨNG
5/       NGUYỄN ĐÌNH PHONG
Đai hội bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội cựu chiến binh thành phố Bắc giang gồm 10 đồng chí :
1/       NGUYỄN ĐỨC THỤ
2/       ĐỒNG VĂN THUẦN
3/       CHU BÁ CĂN
4/       DƯƠNG VĂN HẠNH
5/       PHẠM ĐỨC HẠNH
6/       BÙI HÙNG TRÁNG                                                                                                                   7/       HÀ THỊ CẢNH        
8/       NGUYỄN ĐÌNH PHONG
9/       NGUYỄN KIM CHUÔNG
10/     NGUYỄN VĂN TÚY
      Sau công bố kết quả bầu cử đại hội nghe đồng chí Đồng Văn Thuần thay mặt ban chấp hành khóa lll cam kết chương trình hành động và kêu gọi toàn thể cán bộ , hội viên CCB,CQN hãy đoàn kết một lòng ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nghị quyết đại hội CCB lần thứ lll Nhiệm kỳ 2012-2017.

Kết thúc Đại hội với tiết mục :nhớ cựu chiến binh và bài Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng .


                                  Ảnh và bài viết :Nguyễn Đình Phong

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Gặp người bắn hạ F105 “thần sấm”

 Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, là thế hệ phi công đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và là phi công đầu tiên bắn rơi “thần sấm” F - 105 của Mỹ. 


Trung tướng Trần hanh thứ trưởng bộ quốc phòng Việt nam
                                                                                       “Ông thần sấm”
Xuất thân là một đoàn viên thanh niên ở thành phố Nam Định, sau những ngày tháng tham gia cách mạng, vào tháng 9/1956, ông Trần Hanh được lựa chọn gửi đi học lái máy bay phản lực Mig - 17 tại trường số 3, Không quân Trung Quốc. Bốn năm trời theo học, với sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các thầy giáo, Trần Hanh đã tốt nghiệp loại giỏi. Thêm bốn năm sát cánh cùng các sư đoàn không quân Trung Quốc, ông cùng các bạn được rèn giũa những bài bay, những phương án cơ động chiến đấu phức tạp… Tám năm trời kiên trì, bền bỉ tập luyện trên chiếc Mig - 17, ông không thể nào quên được những chuyến bay trong cái lạnh cắt da xé thịt. Những trận đòn của một số thầy giáo là giảng viên huấn luyện từ thời Quốc dân đảng rất giỏi nhưng  khắc nghiệt với học trò. Hơn nữa, 8 năm, chỉ được hai lần về thăm nhà mà thôi.
Ngày trở về nước là những ngày Mỹ ném bom ác liệt xuống miền Bắc. Trong điều kiện địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết Việt Nam vô cùng phức tạp, anh em phi công phải luyện tập những bài bay dựa vào thế núi, dáng mây để tạo yếu tố bất ngờ trong chiến đấu. Luôn nêu cao tinh thần cảm tử, quyết chiến cho Tổ quốc quyết sinh. Ngày 4/4/1965, biên đội của Trần Hanh nhận lệnh từ Sở chỉ huy đã lên đường chiến đấu. Trời lúc đó mây mù thấp, máy bay vừa lên độ cao 150m đã lẫn vào trong mây. Trên bầu trời cầu Hàm Rồng, lưới lửa phòng không, đạn pháo cao xạ đan chéo liên hồi.
Trần Hanh nhớ lại: “Lúc đó, một đoàn “thần sấm” F - 105 thấp thoáng từ trong những đám mây lừng lững hiện ra. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại máy bay thân dài, đầu nhọn, phía dưới cánh lặc lè toàn bom. Sau này, mới biết nó được mang biệt danh “thần sấm”, nặng 25 tấn, tốc độ vượt hai lần âm tốc. Khi bay ở thấp có thể vượt tiếng động được trên 10 ngàn cây số/giờ. Nó lướt tới đâu là tiếng động ầm vang tới đó, với cả chục tấn bom đạn chứa trong bụng. Nhìn con vật khổng lồ đó, tôi vô cùng ngạc nhiên. Sau vài giây lấy lại bình tĩnh, tôi vứt thùng dầu phụ, sau cú điểm xạ ngắn, thấy trúng mục tiêu rồi bóp cò luôn. Cả hai trăm viên đạn nhằm cái đích thần sấm lao tới. Chiếc F - 105 bùng lên như một bó đuốc rừng rực”. Tiếp đó, Lê Minh Huân bắn rơi chiếc F - 105 thứ hai. Với chiến công này, Trần Hanh được đồng đội đặt cho một tên gọi mới là “ông thần sấm”.
Nhưng vì lực lượng địch đông hơn, lại có tên lửa đối không, máy bay ta tốc độ chậm, không tránh được tên lửa từ nhiều phía bắn tới nên những đồng đội thân yêu: Phạm Giấy (số 2), Lê Minh Huân (số 3), Trần Nguyên Năm (số 4) lần lượt trúng đạn và anh dũng hy sinh. Lúc ông về lại đơn vị, cả trung đoàn vẫn lặng câm, đau đớn. Niềm vui bắn hạ hai thần sấm không đủ xoa dịu nỗi đau mất mát những người đồng đội thân yêu.
Chim chích đối đầu diều hâu
Cuộc chiến giữa ta và Mỹ là một cuộc chiến không cân sức. Lực lượng không quân của ta hạn chế, máy bay lại lạc hậu trong khi không quân địch là lực lượng chiến đấu nhà nghề, máy bay hiện đại. Khi đặt chiếc F - 105 Mỹ bên cạnh chiếc Mig - 17 đời đầu của ta, có khác nào chim chích đối đầu diều hâu, tay thiện chiến săn mồi. Nhưng không vì thế mà Trần Hanh và đồng đội của mình sợ hãi. Những người anh hùng ấy đã hiên ngang đối diện thẳng với kẻ thù để bắn phá. Hơn nữa, cách đánh sáng tạo của không quân Việt Nam, với chiến thuật hợp lý, lấy yếu tố bí mật, bất ngờ làm trọng đã làm nên nhiều thắng lợi vẻ vang. Đó là phương án tác chiến theo kiểu đặc công trên không trung: bí mật - bất ngờ - đánh gần - đánh nhanh - thắng nhanh.
Từ năm 1966, các chuyên gia Liên Xô đã hướng dẫn Trần Hanh kỹ thuật bay chuyển loại từ MIG 17 sang MIG 21 (được trang bị thêm tên lửa tìm nhiệt, không đối không), để rồi ông lại tiếp tục truyền đạt lại cho các phi công dưới quyền.
Ngày 28/4/1975, nhận được lệnh của cấp trên, phi đội Quyết thắng gồm 5 máy bay do ông Trần Hanh chỉ huy đã bay vào sân bay Thành Sơn - Phan Rang, rồi từ đó đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chọn lúc trời chạng vạng, phi đội cất cánh. Biết địch có khả năng phát hiện sóng ra-đa, đội phi công khi cất cánh phải tuân thủ phương án “ba không”: Không ra lệnh cất cánh, chỉ dùng pháo hiệu; Không liên lạc với đài chỉ huy trong suốt quá trình bay; Khi máy bay bắt đầu tăng độ cao, người lái chỉ nhận lệnh mà không được phép trả lời. Với phương án này, khi phát hiện ra mục tiêu, ngay lập tức phi đội đã cắt bom ném xuống sân bay nên địch không kịp trở tay. Lần đó, 60 chiếc máy bay các loại của địch bốc cháy thành tro bụi. Thắng lợi vẻ vang này đã giúp cho quân và dân ta có thêm tinh thần và tư thế để ngày 30/4 tiến đánh Dinh Độc Lập, thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của ngụy quân Sài Gòn.
Bước ra khỏi cuộc chiến, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội (khoá VI, VIII, XI, XII)… nhưng với ông, hạnh phúc và vẻ vang nhất là lúc làm nhiệm vụ người phi công, bắn cháy máy bay Mỹ.
Nghỉ hưu ông là chủ tịch hội cựu chiến binh Việt nam

Hiện nay, khi đã gần bước tới ngưỡng tuổi “bát thập”, ông sống vui vẻ, hạnh phúc bên mái ấm gia đình “tứ đại đồng đường”. Và trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông luôn tìm cách chăm lo và nâng cao đời sống của các cựu chiến binh./.                                                                                                                                                                            

                                                                                    Theo Huyền trang


Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

“Điện Biên Phủ trên không” Ngày ấy và...Bây giờ .

40 năm đã trôi qua nhưng ký ức người Hà nội và người dân Việt nam vẫn không quên những sự kiện đã xảy ra trong những ngày cuối năm 1972.Máy bay B52 không lực Mỹ ném bom rải thảm xuống Hà nội Máu rơi,nhà đổ ... nhưng lòng người càng vững vàng hơn Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam , từ 18/12 đến  30/12 / 1972. Chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10/1972, ngoại trừ điểm khác biệt lớn là các cuộc tấn công này bằng máy bay ném bom chiến lược B52 Vũ khí chiến lược tối tân nhất lúc bấy giờ.
Những gì đã diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng không thể nào quên với bất cứ ai đã sống trong thời kỳ của bom đạn, thời kỳ của công cuộc bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước. Người dân sống ở Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai… hẳn không bao giờ quên những hình ảnh tang thương mà bom đạn của kẻ thù đã gây nên.
Người chết, phố phường tan hoang nhưng trong ý chí sắt đá của người dân Việt Nam vẫn ngân vang một tiếng nói thiêng liêng: Tổ quốc. Bất cứ thế lực siêu cường nào cũng đều phải trả giá đắt nếu động đến hai chữ thiêng liêng đó của người Việt ta.
Những bức ảnh tư liệu dưới đây không phải để lặp lại những quá khứ mất mát mà để nhắc thế hệ trẻ rằng cha ông ta đã sống và hy sinh như thế; rằng phải sống sao cho xứng đáng với dòng máu con Lạc cháu Hồng đang rực chảy trong huyết quản; rằng người Việt Nam mỗi khi gặp bạn bè quốc tế đều tự hào dõng dạc: Tôi là người Việt Nam.
----------------
Ngày ấy:











      
           Và bây giờ :






Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Mặt trận đất đối không miền Bắc Việt Nam 1972

Tên lửa phòng không Việt nam
Pháo phòng không tâm cao 100mm
Mặt trận đất đối không miền Bắc Việt Nam năm 1972 chứa đựng nhiều diễn biến hoạt động quân sự quan trọng của các bên trong Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam. Đây là cuộc đối đầu lần thứ hai giữa Không lực Hoa Kỳ và các lực lượng phòng không ba thứ quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù chỉ diễn ra trong 8 tháng nhưng quy mô và mức độ ác liệt của các chiến dịch và trận đánh vượt xa các Chiến dịch Sấm Rền trong giai đoạn 1965-1968 với sự tham gia của ba lực lượng không quân Hoa Kỳ: Không quân chiến thuật, Không quân chiến lược và Không quân của hải quân. Chỉ trong 8 tháng, mức độ thiệt hại của Không lực Hoa Kỳ đã lên đến hơn 1/4 tổng số thiệt hại trong 4 năm từ tháng 2/1965 đến hết tháng 10/1968. Mức độ thiệt hại về kinh tế của VNDCCH xấp xỉ bằng thiệt hại của hai năm 1967 và 1968 cộng lại.ngày 2 tháng 4 năm 1972, tin tức về sự nguy cấp của QLVNCH trước cuộc Tổng tấn công năm 1972 tại các chiến trường chính ở miền Nam Việt Nam về đến Nhà Trắng. Trong báo cáo của mình, đại tướng Abrams nhận định: Nếu Huế và Kon Tum thất thủ thì sẽ mất tất cả . Ngày 6 tháng 4, Tổng thống Richard Nixon chuẩn y đề nghị của Abrams về việc sử dụng không lực và pháo hạm oanh tạc phía Bắc vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, những hoạt động hạn chế này không làm giảm bớt cường độ tấn công của QĐNDVN tại miền Nam. Ngày 1 tháng 5, Quảng Trị, Lộc Ninh và Đắk Tô thất thủ; Huế, Kon Tum và An Lộc bị uy hiếp nặng nề. Nixon kết luận: "Nếu chúng ta thua tại Việt Nam sẽ chẳng có ai tôn trọng Tổng thống Mỹ nữa vì chúng ta có sức mạnh nhưng không dùng nó ... chúng ta phải giữ uy tín". . Đây là một trong những lý do chính để ngày 8 tháng 5, Nixon ra lệnh cho Bộ trưởng quốc phòng Melvin R.Laird  tổ chức Chiến dịch Linebacker nhằm các mục tiêu chủ yếu sau đây:
Ngăn chặn tối đa việc vận chuyển người, vũ khí, khí tài, trang bị, lương thực và các hàng hóa vật chất từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam; qua đó giảm bớt sức ép quân sự cho QLVNCH ở miền Nam trong các trận đánh quyết định ở ba vùng chiến lược.
Phong tỏa cô lập miền Bắc, ngăn cản và cắt đứt viện trợ từ các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) vào miền Bắc Việt Nam. Phá hủy tiềm lực kinh tế quốc phòng ở miền Bắc; làm cho VNDCCH kiệt quệ khi ra khỏi chiến tranh, không còn đủ sức để tấn công VNCH.
Gây tác động tâm lý đến người dân Bắc Việt Nam; qua đó tác động đến tâm lý của các nhà lãnh đạo VNDCCH, tạo điều kiện cho phái đoàn của Hoa Kỳ gây sức ép với đoàn đàm phán của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Động viên tinh thần cho QLVNCH và khẳng định lòng tin rằng Hoa Kỳ không "bỏ rơi" VNCH đối với chính quyền Sài Gòn nói chung và cá nhân Nguyễn Văn Thiệu nói riêng.
Các biện pháp quân sự chính của Hoa Kỳ như: thả thủy lôi cô lập Cảng Hải Phòng, dùng hải quân phong tỏa bờ biển, ném bom ồ ạt, kéo dài, liên tục... được đánh giá là bước leo thang chiến tranh ghê gớm nhất kể từ những năm 1967-1968. Chiến thuật cơ bản là đánh nhanh, đánh ồ ạt với cường độ lớn ngay từ đầu, không cần sử dụng biện pháp từng bước "leo thang" "trả đũa tương xứng" như trong giai đoạn 1965-1968; buộc QĐNDVN phải hạn chế các hoạt động tấn công ở miền Nam Việt Nam. Bộ Chính trịĐảng Lao động Việt Nam nhận định: "Đây là các biên pháp có tính chiến lược cho cuộc chiến ở miền Nam chứ không phải các hoạt động hỗ trợ như chiến tranh phá hoại dưới thời Giôn xơn" 
Theo nhận xét của John Erichman, cố vấn báo chí của Nhà Trắng, "Chiến dịch ném bom đêm Giáng sinh" đã đưa Chính phủ Hoa Kỳ đến những khó khăn mới. Mặc dù chiến dịch đó chứng tỏ với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa về việc Hoa Kỳ sẽ "bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa bằng mọi khả năng nếu Bắc Việt Nam vi phạm hiệp dịnh hòa bình nhưng lại làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ mới trong nội bộ Hợp chủng quốc và trên thế giới. Kết cục của cuộc ném bom này không đem lại nhiều lợi thế quân sự nhưng đã đem lại cho chính phủ của ông Nixon quá nhiều sự chống đối và làm cho chúng tôi nhiều lúc không biết giải thích với dư luận như thế nào".

Phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ và thế giới


Một nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trước nhà tưởng niệm Abraham Lincoln
Cần phải nói một cách công bằng rằng các biện pháp ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam ban đầu có gây ra một số phản ứng nhưng sau đó lại được dư luận Hoa Kỳ dễ dàng "cho qua" vì dù sao, ném bom cũng dễ chấp nhận hơn là đưa lục quân Mỹ trở lại trực tiếp tham chiến Mặc dù các thượng nghị sĩ thuộc phái "hòa bình" nhiều lần đưa ra trước Quốc hội Mỹ các nghị quyết đòi kết thúc chiến tranh nhưng không thu được kết quả. Tỷ lệ ủng hộ Nixon thậm chí còn tăng lên; đặc biệt là cuối tháng 10, khi phái đoàn Hoa Kỳ xúc tiến đàm phán để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên đến khi Richard Nixon đã yên vị ở Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai của mình với số phiếu 60,7%, hơn hẳn Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ George McGoverne (37,5%) và việc ký kết Hiệp định Paris theo dự kiến vào cuối tháng 10 năm 1972 thất bại thì chính giới và dân chúng Mỹ đã hết kiên nhẫn. Những hậu quả nặng nề của cuộc không kích miền Bắc Việt Nam do Không lực Hoa Kỳ tiến hành đã gây những phản ứng mạnh mẽ của các nước và kể cả từ trong nước Mỹ đối với các chính sách của tổng thống Richard Nixon. Các tờ báo lớn của Mỹ đăng một loạt bài nói rằng: Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe thần kinh của Tổng thống của họ. Chính giới Mỹ thì coi đây là kiểu chiến tranh nổi khùng nhân danh hòa bình, tổng thống dường như lên cơn điên mới tiến hành một cuộc ném bom khủng bố vô nhân đạo làm hoen ố uy danh của nước Mỹ như vậy. Nhà báo Jerry Gordon, điều phối viên của Liên minh toàn nước Mỹ vì hòa bình tuyên bố: "Một lần nữa, người ta lại lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì một nền hòa bình trong tầm tay là một cuộc chiến tranh tăng cường. Thay vì chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là sự leo thang".  Dư luận Hoa Kỳ cho rằng nếu cứ đưa B-52 đi đánh một loạt trận thông thường ở Bắc Việt Nam mà mỗi trận lại bị thiệt hại như mức độ vừa qua (chỉ chiến dịch Linebacker II) thì chẳng cần phải là một thiên tài toán học cũng thấy được rằng: rốt cuộc, Mỹ sẽ mất hết B-52.  Đa số nghi sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có cả các đảng viên Đảng Cộng hòa cũng lên tiếng đòi chấm dứt ném bom. Những người đã từng ủng hộ chính sách ném bom hồi tháng 5 thì nay lại đặt câu hỏi về sự cần thiết và mức độ tàn bạo của các trận ném bom tháng 12. Các nghị sĩ phái "hòa bình" trong Quốc hội Mỹ cho rằng tổng thống đã đem đến cho họ một Giáng sinh buồn và đe dọa sau khi nghỉ, họ sẵn sàng đấu tranh với tổng thống. Theo viện Gallup, tỷ lệ dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ Nixon nhanh chóng sụt giảm xuống còn 39% 
Dư luận thế giới cũng phản đối mạnh mẽ cuộc ném bom Việt Nam trong dịp Lễ Giáng sinh. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều không thể giữ được thái độ kiềm chế như hồi tháng 5. Không một đồng minh NATO nào lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ. Các chính phủ Đan Mạch, Nauy, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ... đều phản đối việc ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam. L.I. Breznev ví chính sách của Hoa Kỳ như chính sách của "Đức Quốc xã". Ông Olof Palme, Thủ tướng Thụy Điển đích thân dẫn đầu một đoàn biểu tình ở thủ đô Stockholm lên án Mỹ và đòi chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam không điều kiện. (xem ảnh trên)
Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon ra lệnh chấm dứt ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20, ngày 6 tháng 1 năm 1973, các đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  Hoa Kỳ gặp lại nhau tại Hội nghị Paris. Từ hành động ngưng đàm phán để ném bom đến hành động ngưng ném bom để đàm phán của phía Hoa Kỳ chỉ diễn ra trong vòng 20 ngày./.


Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Cây di sản Việt nam .


    Cây thị 700 năm tuổi ở xã Nghi thịnh huyện Nghi lôc tỉnh Nghệ an đã được công nhận là cây di sản Việt nam .

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"

Vào ngày kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, 3-2-1969, trên trang nhất báo Nhân Dân, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", phản ánh những nội dung cơ bản, sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng cầm quyền

Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Ðó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta. 
Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta tin tưởng rằng: Ðảng ta lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong lịch sử đấu tranh của Ðảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang. 
Ðảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. 
Ðó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Ðảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế. 
Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. 
Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình". 
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. 
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Ðảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. 
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm. 
Ðể làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Ðảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Ðảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Ðảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Ðảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Ðảng phải chặt chẽ. 
Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ.
Ðó là một cách thiết thực để kỷ niệm ngày thành lập Ðảng ta, Ðảng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân anh hùng của chúng ta. Ðó cũng là một việc làm cần thiết để giúp tất cả cán bộ, đảng viên đều tiến bộ, góp sức nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. 

TL
(Nhân dân)

Nguồn: Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Nhân hội nghị trung ương lV,học lại sử triều trần.


Vào những năm cuối của nhà Lý, các vua Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông lúc lên ngôi còn quá nhỏ tuổi, lại thọ yểu.
 Việc triều chính bê trễ, nông nghiệp luôn mất mùa, đói kém, nhân dân cực khổ lầm than. Kế nghiệp nhà Lý, vương triều Trần chủ trương tăng cường pháp chế, đặc biệt đề cao đức trị, coi thân giáo làm trọng; đòi hỏi quan lại, hoàng tộc, vương hầu phải sửa mình, làm tấm gương sáng giáo hóa muôn dân. Lúc này vua Trần còn quá nhỏ, Thái sư Trần Thủ Độ phải cầm quyền phụ chính nặng gánh hai vai, lo toan công việc của vương triều.
Tuy nắm trong tay toàn bộ binh quyền song ông luôn đề cao vương pháp, gương mẫu chấp hành mọi quy chế luật lệ của triều đình, ghét người xu nịnh, thích người cương trực, ngay thẳng. Có lần, một người đến xin gặp vua Trần tỏ vẻ lo lắng tâu trình: “Bệ hạ còn nhỏ tuổi, Thái sư đang nắm trong tay mọi công việc triều chính, liệu rồi tình hình xã tắc sẽ ra sao?”. Nghe xong, Thái Tông lo ngại chuyện này đến tai Thái sư sẽ có nhiều rắc rối, bèn bảo người này lên xe cùng mình tới phủ Thái sư để tâu bày. Khi đến nơi, người này không hề e ngại mà còn mạnh dạn tâu lên Thái sư tất cả những điều mình vừa tâu với nhà vua. Thái sư ngồi nghe, mặt không hề biến sắc. Nghe xong, ông đứng dậy chậm rãi đi về phía người đó, nâng dậy, từ tốn nói: “Những lời tâu trình của nhà ngươi thật đúng với hiện tình đất nước, thẳng thắn, cương trực lo cho xã tắc như thế, thật đáng khen!”. Sau đó, ông sai gia nhân mang vóc lụa ra ban thưởng trước sự ngạc nhiên của vua Trần. Khi người này đi rồi, Thái sư nói với vua Trần: “Bệ hạ tuy ở ngôi cao nhưng tuổi còn nhỏ, nghĩ suy chưa thấu đáo. Việc nước ngổn ngang trăm mối, quần thần nhà Trần phần lớn là từ nhà Lý mới qui phục, còn nhiều mưu đồ chống phá. Lúc này, nếu chính trị không nghiêm, người tốt không được dùng, người có tâm huyết không được động viên, khen thưởng, kẻ xấu không bị trị sẽ là họa lớn về sau. Thần chỉ một lòng lo cho xã tắc, xin bệ hạ yên lòng”. Thật vậy, tuy trong tay nắm trọn binh quyền song ông không bao giờ nghĩ đến lợi ích riêng tư, không vây cánh, thế thần, không vì người thân mà xem thường phép nước.
Có một hôm, Linh từ quốc mẫu (vợ ông) có việc riêng đến Bắc Môn, ngại đi đường vòng hơi xa, sai lính khiêng kiệu đi tắt qua đường cấm (chỉ dùng cho kiệu vua đi) ở tử cấm thành. Cấm vệ quân canh giữ nơi đây không ngần ngại bắt quay sang đường khác. Bà tức giận quay về bảo với Thái sư: “Bọn cấm vệ này thật là hỗn láo. Tôi là quốc mẫu, lại là vợ của Thái sư phụ chính đại thần đi tắt một chút qua tử cấm thành, chúng lại dám ngang nhiên chặn lại, ông không trừng trị nghiêm khắc, chúng sẽ coi thường”. Nghe xong, Thái sư cho người đi bắt người lính cấm vệ về phủ để tìm hiểu sự việc. Cả đội cấm vệ xanh xám mặt mày, lo sợ phen này khó thoát.
Trước mặt Linh từ quốc mẫu, Thái sư vặn hỏi cặn kẽ trước sau, buộc người lính cấm vệ cứ thật lòng tâu trình. Thái sư lặng lẽ ngồi nghe, đoạn ông đi đến người lính, ôn tồn bảo: “Ngươi ở chức thấp mà còn biết giữ nghiêm luật pháp, không sợ quyền uy để làm tròn nhiệm vụ của mình. Luật pháp đã ban thì bất kỳ ai dù quyền cao chức trọng đến đâu cũng phải tuân theo phép nước. Ngươi làm như vậy đâu có tội mà còn ban thưởng cho ngươi”. Nói rồi sai gia nhân mang hai nén bạc thưởng cho người lính trong khi quốc mẫu ngỡ ngàng chẳng hiểu vì sao.
Một lần khác, Thái sư đi duyệt sổ quan, sổ đinh ở Tức Mặc, thuộc phủ Thiên Trường; có người cháu họ của Linh từ quốc mẫu đến nhờ bà nói hộ với Thái sư để xin một chức xã quan. Nghe vợ nói, ông trầm ngâm suy nghĩ, gật đầu và cho đòi người cháu họ đến công đường, chậm rãi bảo: “Ngươi được quốc mẫu xin cho làm xã quan ở xã nhà, là người trong họ phải có gì phân biệt với các chức dịch khác. Vì vậy ta sẽ chặt một ngón tay phải của ngươi để khi cần sẽ nhận ra nhanh chóng”. Nghe vậy, người kia kinh hãi, mặt tái mét sụp xuống quỳ lạy xin tha, không dám nhận chức quan này nữa. Tiếng đồn truyền lan khắp nơi về việc Thái sư nghiêm khắc ngay thẳng, không chút riêng tư. Từ đó, không một ai còn dám bém mảng tới phủ Thái sư để nhờ cậy nữa.
Làm đến chức Thái sư, phụ chính đại thần, Trần Thủ Độ luôn gác bỏ mọi quyền lợi riêng để chăm lo công việc nước nhà. Bởi tính liêm khiết, công minh nên ông được vua tin cậy, quần thần kính phục, nhân dân quý trọng. Ông không chỉ là vị chỉ huy mưu lược trong trận chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất mà còn là người mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp của vương triều.
Ghi lại theo tác giả: Côn Giang

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Đôi điều tản mạn về thơ bài "Đất nước" (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.


                                      
                      Nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm tại đêm thơ lần thứ 10
Trong số các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm là người rất thành công với giọng thơ trữ
 tình chính luận thể hiện rõ những tâm tư của thế hệ trẻ đô thị miền Nam. Trường ca “Mặt đường khát vọng”  là tiếng vọng tâm tình của một hồn thơ hòa cùng mạch cảm xúc của dân tộc đứng trước dòng thác lũ thời đại, trong đó chương V “Đất nước” đã gói ghém trọn vẹn tâm tình của thế hệ chống Mỹ:

....“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…”

Giọng thơ thủ thỉ đã chuyển tải suy ngẫm của nhà thơ về Nhân Dân - Đất Nước, tiếp nối mạch suy tưởng của thi ca giai đoạn trước.

Đất Nước là một chủ đề xuyên suốt bao trùm lên các tác phẩm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các nhà thơ nhà văn bằng tình cảm công dân đã có nhiều phát hiện mới mẻ độc đáo về Tổ quốc, nhân dân. Tổ quốc thường được soi chiếu từ bình diện lịch sử chống ngoại xâm, được khái quát bằng những hình tượng kỳ vĩ, khai thác triệt để chất sử thi hoành tráng. Trong dòng chủ lưu ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn lựa cách thể hiện riêng của mình, bằng trải nghiệm tuổi trẻ, bằng nhiệt tình cách mạng và cả bằng vốn tri thức được đào tạo bài bản từ mái trường xã hội chủ nghĩa, tạo nên chiều sâu của hình tượng Đất Nước, hoà mạch thơ chính luận - trữ tình.

Trả lời cho câu hỏi: “Đất Nước là gì? Đất Nước từ đâu ra?”, nhà thơ đã bắt đầu bằng những kí ức tuổi thơ để hình dung ra một sự tồn tại của Đất Nước trong nhận thức và tình cảm tự nhiên nhất của con người. Những vẻ đẹp được khơi lên từ mạch tâm tình, thấm đẫm hơi thở ca dao dân ca, huyền tích sử thi của dân tộc. Cái hay của phần mở đầu chương Đất Nước chính là sự xuất hiện của hàng loạt những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng nhưng rất gần gũi:

Tóc mẹ thì búi sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng

Đất Nước có từ ngày đó....


Sức gợi từ những hình ảnh đã dựng lên cả một không gian văn hoá truyền thống, mang theo hơi thở tâm tình của ca dao “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” thấm thía tình nghĩa thủy chung. Mạch nguồn ấy tiếp tục với quá trình trưởng thành của từng cá nhân, từ thuở cắp sách đến trường đến khoảnh khắc rung động đầu đời. Tất cả đều xuất phát một cách rất tự nhiên, nôn nao ngọt ngào kỷ niệm:

....Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...

Đan xen với khoảnh khắc thời gian không gian hiện tại là sự thức tỉnh của ký ức cộng đồng, với sự tổng hoà những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Vẻ đẹp quê hương đất nước được tái hiện trong những lời ca dao toát lên lòng tự hào về non sông gấm vóc, về Cha Rồng Mẹ Tiên, gắn với lòng biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từng người Việt :

....Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào mình trong bọc trứng...

Quá khứ, hiện tại, tương lai đã gắn kết trong một ý thức cộng đồng bền chặt, là nguồn sức mạnh và cũng là phẩm chất tâm hồn dân tộc đã được nhà thơ lý giải qua những hình tượng thơ giàu tính thẩm mỹ và hàm chứa mối quan hệ Đất Nước – con người Nhân Dân không thể tách rời. Thời gian lịch sử, không gian văn hoá hoà quyện trong mạch thơ đầy ân tình đã phác hoạ rõ nét dần tượng đài Đất Nước. Không chỉ tiếp cận hình tượng trong huyền sử, trong hiện thực đời sống, trong mối quan hệ cá nhân - cộng đồng, Nguyễn Khoa Điềm còn dẫn dắt độc giả trở về với hiện thực trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói lên tiếng nói đầy trách nhiệm của cả một thế hệ chống Mỹ thật sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm :

....Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước.....

Ý thơ thật giản dị, không hề gượng ép tình cảm, khi từ mối quan hệ riêng tư để hướng về với quan hệ cộng đồng, dân tộc. Tứ thơ độc đáo chính là từ sự mở rộng từ thế giới của “anh và em hôm nay” đến với “mọi người”. Vẻ đẹp Đất Nước được phát hiện thêm với những vẻ đẹp “hài hoà nồng thắm” và “vẹn tròn to lớn”. Đó cũng là sự kết hợp hài hoà của lý trí và tình cảm con người thời đại chống Mỹ. Hơn thế nữa, những câu thơ này còn cắt nghĩa cho vẻ đẹp tình yêu của thế hệ trẻ chống Mỹ không hề mất đi vẻ lãng mạn, khi khoảnh khắc cầm tay hiện tại đã nghĩ về thế hệ tương lai, về một ngày thanh bình và sự phát triển của Đất Nước với “tháng ngày mơ mộng”. Không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục đi sâu vào mối quan hệ Đất Nước với tâm hồn của từng con người. giọng thơ tâm tình thấm thía:

....Em ơi em

Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời......

Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người sẵn sàng dâng bầu máu của tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại và đầy khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.

Phần mở đầu của chương Đất Nước được cấu tứ trên cơ sở gắn bó giữa các vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo và giàu sức biểu cảm để làm nên vẻ đẹp chung tổng hoà thành hình tượng Đất Nước kỳ vĩ và giàu sức thuyết phục với bạn đọc. Nhà thơ đã trữ tình hoá vấn đề mang tính chính luận, nhằm trả lời những câu hỏi lớn mà dân tộc đang phải tìm lời đáp trong cuộc chiến đấu vì lý tưởng độc lập tự do, cuộc chiến đấu của lương tri chống lại thế lực bạo tàn.

Những vần thơ rất đẹp trong Đất Nước đã vượt qua thử thách của thời gian, tiếp tục toả sáng, giúp thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày tháng hào hùng nhất của dân tộc. Trong thời đại mới, những giá trị của ngày hôm qua góp phần khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm, tình cảm cho mỗi con người trong khát vọng đưa Đất Nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng./

                                                          Thân ái kính chào quý độc giả.
__________________