Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Ấn tượng cuối năm.2015

Không chỉ có vấn đề Biển Đông, vận mệnh nước Việt những năm tháng này cũng đầy cam go… , với những nhân sự lãnh đạo U 40, con đường phía trước quả là áp lực,  buộc họ chọn lựa thái độ sống : Vì lợi ích quốc gia hay vì cái gì ?

Bài 1
Năm 2015 : Nước Việt trong ấm lạnh của hành trình phát triển
Tấm màn thiên thanh của năm cũ sắp buông xuống, để mở ra năm mới 2016 với tất cả hy vọng lẫn âu lo của nước Việt. Sao không hy vọng và âu lo được, bởi năm 2015, nước Việt đã trải qua biết bao vui buồn, ấm lạnh trong hành trình phát triển. Có quá nhiều sự kiện, vụ việc để dư luận xã hội quan tâm, bàn luận.
"Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"
Hẳn bây giờ, cứ lẩy tới câu Kiều nổi tiếng này, người dân Việt lập tức nhớ đến sự kiện lớn diễn ra trong tháng 7/2015. Đó là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng- một chuyến đi được dư luận xã hội trong nước, quốc tế hết sức quan tâm và chú ý. Cho dù trước đó đã có 04 chuyến đi của các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ sang thăm và làm việc, nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của người lãnh đạo cao nhất của Đảng tới nước Mỹ.
viet2
Câu thơ Kiều do vị Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy giữa cuộc chiêu đãi người đứng đầu cao nhất của Đảng, như một thông điệp tế nhị và thiện chí- về sự xích lại gần nhau giữa những quốc gia trong qúa khứ, không chỉ khác biệt sâu sắc về ý thức hệ tư tưởng, mà còn có quá nhiều những xung đột tổn thương. Một chuyến đi được giới quan sát cho rằng mang tính "biểu tượng" nhưng đó là sự "biểu tượng" có ý nghĩa thiết thực.
Vết thương đó đã được… khâu vá bằng những mũi kim ngoại giao khéo léo của suốt 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, một cuộc "vá may" đường trường trong lịch sử đối ngoại của nước Việt. Nhưng điều quan trọng hơn, sự tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời đó đem đến cho mỗi quốc gia những lợi ích của sự hợp tác và phát triển, nhất là với nước Việt, nền kinh tế xã hội còn quá nhiều vật cản, từ nhận thức, tư duy, mô hình tổ chức kinh tế đến cung cách quản lý khá nhiều non yếu, lỏng lẻo…
Trong cái sự xích lại gần đó, các hiệp định thương mại nay mai Việt Nam sẽ tham gia, trong đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- cây cầu thương mại bắc qua giữa hai nền kinh tế thị trường, một bên đã có hàng trăm năm, một bên chỉ vỏn vẹn có 30 năm, có vẻ như được nước Việt trông đợi nhất.
Nhưng cũng chính vì sự "vênh" nhau giữa hai bờ phát triển, mà cơ hội cùng lúc với thách thức, đang đối mặt với quốc gia bên bờ Biển Đông vốn nhiều sóng gió này.
"Cuộc cờ" hội nhập đang cần những nước cao tay !
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, xét về tác động kinh tế, TPP có thể đóng góp tăng tới 8% vào GDP của Việt Nam, 17% vào kim ngạch xuất khẩu thực tế, và 12% vào trữ lượng vốn quốc gia trong vòng 20 năm tới. Không chỉ loại bỏ các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận thị trường xuất khẩu chủ lực, TPP còn có những tác động hữu hình tới chất lượng thi hành pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ, quản lý doanh nghiệp nhà nước…(TBKTSG, ngày 08/10). Cái lợi đã thấy rõ.
Nhưng cái áp lực cũng không kém. Bởi khi đã cam kết, nước Việt đồng thời phải chấp nhận không ít cam go, nhất là thực hiện cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, chấp nhận các luật quy định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bởi nhận thức và tư duy cố hữu về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Bởi xuất khẩu hàng hóa của nước Viêt lâu nay phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa trung gian.
Mà xưa nay, khó khăn nhất là thay đổi tư duy và quan niệm của chính mình !
Không chỉ có cải cách thể chế kinh tế, cam kết gia nhập TPP, nước Việt cũng sẽ phải tuân thủ những quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, tiêu chuẩn lao động- những quy định bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người lao động theo xu hướng hội nhập, cởi mở và dân chủ hơn. Điều đó đòi hỏi năng lực, kỹ năng thương thảo, hòa giải, thuyết phục và chấp nhận sự cạnh tranh của chính các tổ chức công đoàn truyền thống lâu nay.
Liệu nước cờ của nước Việt sẽ ra sao ?
Khó nhất là thay đổi từ… nhà nước
Sự phát triển kinh tế mỗi quốc gia bao giờ cũng phản chiếu tầm tư duy của chính quốc gia đó. Nhưng như một quy luật thường tình của đời sống, thực tiễn xã hội luôn có những vị ngọt ngào cùng cay đắng.
Ngọt ngào khi người ta gặt hái. Khi tư duy đi cùng thời đại. Và cay đắng khi thất bát. Khi tư duy đó đã trở nên lỗi thời trước những phát triển nhanh và mạnh của văn minh nhân loại và lịch sử.
Nước Việt đã có những thành quả của 30 năm Đổi mới từ cơ chế xin-cho bao cấp, sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng nước Việt cũng đang tụt hậu. Không cần so với các quốc gia văn minh tiên tiến có bề dày kinh tế thị trường, mà so với yêu cầu phát triển, so với tốc độ vận hành của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều tiến theo hướng thuận, thì nước Việt lại theo hướng… không được thuận lắm.
Không phải ngẫu nhiên, tại Diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã nhận định, tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ, xơ cứng. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển. Người Việt thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai, ba chục năm nay. Có những khái niệm như "vòng kim cô" ghì chặt sự phát triển của đất nước (TBKTSG, 19/11).
Cái sự cũ kỹ đó phản chiếu ngay trong những thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trả lời phỏng vấn báoVnEconomy, ngày 01/11 : "Nhìn cả quá trình thì từ 2008 đến nay Việt Nam có xu hướng phát triển… ngược thế giới".Ngược thế nào ? Theo ông Nguyễn Đức Kiên, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm chạp. 432 tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải cổ phần hóa theo kế hoạch, nhưng đến nay còn hơn 100 tập đoàn, Tổng công ty chưa cổ phần hóa được.
Trong lúc doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản là gần 5 triệu tỷ đồng, không những không có tác động tích cực với nền kinh tế mà còn đang bon chen với doanh nghiệp dân doanh kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế. Từ đó tốc độ nợ công tăng nợ cao hơn GDP. Tốc độ tăng nợ bình quân đến 18% bình quân, còn GDP tăng chỉ có 5,88%, rất nguy hiểm (Tuần Việt Nam,ngày 07/11).
Không phủ nhận những doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn ăn nên làm ra, đóng góp lớn cho quốc gia, nhưng cũng không thể phủ nhận, sự thất bát đó là sản phẩm... "chính chủ" của một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, không sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế. Đó là, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế trung ương, trong khi doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, sử dụng 70% đất đai, 70% viện trợ chính thức ODA, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 32% tổng GDP cả nước (Nhịp cầu đầu tư, ngày 06/6/2014). Thì doanh nghiệp tư nhân lại bị làm khó dễ đủ điều từ chính quản lý nhà nước các ngành, dù đóng góp 39% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 50% GDP.
Dẫn đến hiện tượng vô lý- có những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh những ngành "độc quyền" làm ăn thua lỗ liên miên nhưng vẫn không phải chịu trách nhiệm. Sự… tán tài đó, cuối cùng chỉ xã hội và người dân lãnh đủ.
Dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp nhà nước coi thường cả những quy định của pháp luật. Đó là vụ việc 662 doanh nghiệp nhà nước trong số 781 doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ không chịu báo cáo về công nợ cho Bộ Tài chính, làm cơ sở giúp Quốc hội thực thi chức năng giám sát nguồn lực khổng lồ đang được các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ. Trong khi số nợ của 119 doanh nghiệp nhà nước có báo cáo như "chúa Chổm" : Tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng. Thử hỏi con số nợ của 662 doanh nghiệp nhà nước không chịu… tiết lộ "khủng" thế nào ?
Và dẫn đến những hệ lụy tai hại nhãn tiền mà trong một số bài viết trên Tuần Việt Nam, người viết bài đã nêu ra : Đó là bản chất cơ chế ban phát, xin- cho ở các doanh nghiệp nhà nước khiến cho nơi đây là mảnh đất béo bở cho các loài sâu mọt sinh nở (tham nhũng, lợi ích nhóm), nguyên nhân căn cốt việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước- một quy chuẩn khi tham gia TPP- rất chậm chạp. Mặt khác, các doanh nghiệp tư nhân mặc dù đóng góp lớn, nhưng thiếu động lực để có tầm nhìn xa, có thể góp phần phát triển hơn nữa cho xã hội.
Sự thất bát đó còn là hệ lụy của cách đi… ngược với nguyên lý chung của kinh tế thị trường : Quản lý nhà nước vẫn can thiệp vào kinh doanh. Tháng 3/2013, khi sang thăm Việt Nam, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã có một lời khuyên chí tình xuất phát từ thực tiễn kinh tế thị trường nước Anh và các quốc gia phát triển. Đó là, trong cải cách kinh tế, vai trò của Chính phủ rất cần thiết khi bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo khuôn khổ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của Chính phủ lại không hiệu quả lắm trong điều hành kinh doanh.
Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam, bà Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam) và nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế tư vấn : Việc chuyển vai trò của Nhà nước từ sản xuất sang quản lý là rất cần thiết. Chính phủ Việt Nam cần có những bước đi rút ra khỏi những lĩnh vực không cần tham gia. Những quyết định thay đổi vai trò của nhà nước như vậy, sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động, tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn
Nhưng thay đổi tư duy- nói dễ mà làm- cực khó. Vì sao ?
Không hẹn mà gặp, trả lời TBKTSG (ngày 10/10), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trước yêu cầu hội nhập TPP, cải cách hiện nay phải là cải cách… nhà nước. Phải thay đổi chức năng, vai trò, vị trí, cơ cấu tổ chức của nhà nước bao gồm cả bên hành pháp, tư pháp, lập pháp ; cải cách trong nội bộ các nhánh quyền lực thì mới thay đổi được năng lực quản lý. Tức phải đổi mới toàn diện.
Còn ông Trương Đình Tuyển, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, khi tham dự buổi báo cáo của Bộ Công Thương về việc kết quả đàm phán TPP nhận định : "Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, song bộ máy Nhà nước trì trệ thì rất nguy hiểm".
Đồng cảm với hai nhận xét trên, người viết bài cho rằng, trong mọi cuộc cải cách hay đổi mới, nhân dân là người tạo nên sức mạnh vật chất, nhưng sức mạnh vật chất đó phải được hướng đạo bắt đầu từ nhà nước- từ sự đổi mới về nhận thức, tư duy dẫn đến các chính sách đồng bộ.
"Nước cờ" đó có được đồng cảm hay không, còn ở phía trước
Quyền lực và sự tha hóa
Có lẽ, một trong những vấn đề gây bất bình và nhức nhối xã hội nhất của năm 2015 chính là quốc nạn tham nhũng. Bởi sức tàn phá của loại sâu mọt này làm suy yếu sự phát triển xã hội. Bởi sự tha hóa của không ít những quan chức có quyền lực. Sự tha hóa khiến người dân mất lòng tin, làm suy yếu cả vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Nhưng một thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ khiến bàn dân thiên hạ bất ngờ : Trong 08 năm (2007-2014) có 5,55 triệu lượt (người thuộc đối tượng kê khai tài sản) kê khai thu nhập theo quy định, xác minh 2.632 trường hợp nhưng cuối cùng chỉ xử lý kỷ luật được 18 cán bộ.
viet3
Bất ngờ nữa, báo chí liên tục đưa tin báo cáo số liệu về xử lý tham nhũng 09 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan chức năng chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Cách đó không lâu Hà Nội cũng khẳng định, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Đến mức báo GDVN, ngày 15/12 đã phải giật title : "Chuyện cổ tích" ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ! Còn Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc thẳng thắn và hài hước : Vậy thì tham nhũng nằm ở đâu, không lẽ ở nhà quê (Nhà báo và Công luận, ngày 19/12)
Không hài hước sao được, nếu biết rằng hai thành phố lớn này là nơi tập trung không ít các dự án lớn, và trong bối cảnh xã hội mà tham nhũng là quốc nạn, quản lý vốn lỏng lẻo, mà tham nhũng lại "bỏ qua", thì quả là cổ tích ngày xửa ngày xưa…
Khác với dư luận xã hội, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thủ tướng chính phủ lại nhìn nhận rất lạc quan công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Trả lời báo chí nhân ngày quốc tế phòng chống tham nhũng (9/12), ông khẳng định, Việt Nam có công thức riêng soi tham nhũng, và được đánh giá cao, dựa vào 03 yếu tố : Hoàn thiện thể chế, thực hiện dân chủ và công khai minh bạch cùng với trách nhiệm giải trình.
Người viết bài tự hỏi, chả lẽ, xã hội ta mắc chứng bệnh... hoang tưởng về tham nhũng ?
Chắc chắn không phải ! Trong dịp tiếp xúc với cử tri Q4 (Thành phố Hồ Chí Minh), người đứng đầu nước đã phải thẳng thắn thừa nhận : Trong công tác phòng chống tham nhũng, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình không tròn. Buồn lắm, xấu hổ lắm. Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong kháng chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà nạn tham nhũng thì đứng xếp hạng trên 100 ? Bê bối quá, cảm thấy không thể chấp nhận được.
Thế nên, theo người viết bài này, ông Thủ tướng chính phủ quên rằng, tất cả giải pháp đó vẫn chỉ là lý thuyết mang tính mong muốn. Bởi trong thực tế, muốn chống được tham nhũng, nguồn gốc thu nhập của mọi công dân, nhất là quan chức có quyền lực- quyền lợi, phải được kiểm soát từ gốc. Đó là điều quan trọng nhất.
Việc kê khai tài sản hiện nay tưởng là minh bạch, nhưng lại rất thiếu cơ sở thực tiễn, khi không kiểm soát được gốc tài sản đó từ đâu ra. Nếu công bằng mà nói, sự kiểm soát kê khai tài sản hiện nay mới là nắm được cái… ngọn.
Hãy nghe ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội : Luật Phòng chống tham nhũng được đánh giá "đẹp", tiến bộ, nhưng thực tế chưa hiệu quả. Chúng ta mới kê khai (tài sản) cho đẹp chứ chưa kiểm soát được.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thủ tướng chính phủ) nhận xét : Quy định về kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đang có "lỗ hổng" rất lớn. Người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng hoặc con đã thành niên, nhất là những người này không thuộc diện phải kê khai (VietNamNet, ngày 08/12)
Còn giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát kỳ cựu, trả lời phỏng vấn một tờ báo đã cho rằng sứ mệnh này (chống tham nhũng ở Việt Nam - KD) là bất khả thi "chừng nào không có một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc lập về báo chí…".
Chợt nhớ đến bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Không chỉ có vấn đề Biển Đông, mà vận mệnh nước Việt những năm tháng này cũng đầy cam go. Không hiểu, trong hồn người cócon sóng nào không ?
Con sóng của tình yêu nước Việt, của sự xót xa trước bước chân nước Việt... tụt lại đằng sau.
                                                                          Bài 2
Năm 2015 : Những phát ngôn ấn tượng và thì... tương lai
 Năm 2015 là năm có rất nhiều những phát ngôn ấn tượng khó quên khiến dư luận xã hội dậy sóng. Cũng là năm những thảm án, những "án oan thế kỷ" khiến xã hội bàng hoàng. Cải cách tư pháp, một trong những vấn đề tất yếu và hối thúc không thể né tránh. Bởi đó là một trong ba chân kiềng (lập pháp, hành pháp và tư pháp) làm nên sự vững mạnh của quốc gia.
Và đây cũng là năm có hiện tượng mới- một thế hệ U 40- góp phần gánh vác sự nghiệp lớn.
Liệu họ có mở ra nổi- một trang sử mới của dân tộc?

Không thành công cũng thành... cười
Phát ngôn ấn tượng- từ một tiêu đề của Tuần Việt Nam (báo VietNamNét) giờ đây đã trở thành khái niệm chung của xã hội, được không chỉ dư luận yêu thích vì sự hài hước, mà vô tình cũng được không ít các bác quan chức... yêu thích nên cứ "hồn nhiên" tham gia. Dù họ là những người- muốn hay không- cũng là người của công chúng.
Và năm 2015 cũng vậy, nở rộ các phát ngôn ấn tượng về trí tuệ thì không thành công, nhưng lại thành… cười !
Chiếm nhiều hơn cả, có lẽ là thuộc về ông P.Đ.L, cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Thành ủy HN, với hai phát ngôn vừa thương dân "không phải lối" vừa coi thường dân.
Thương dân "không phải lối" khi ông biện minh cho việc đốt pháo hoa tốn tiền tỷ rằng : Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thứcbắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó". Xin hãy hỏi những người nghèo, họ cần những giải pháp thiết thực (cần câu) giúp họ thoát nghèo, hay cần xâu cá (ảo) giúp họ quên nghèo trong chốc lát ?
viet4
Hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) thay thế cây bị chặt hạ (chụp ngày 22/3/2015). Ảnh : Kỳ Anh
Vậy, nhưng lại tỏ ra coi thường dân khi ông bênh vực cho việc chặt cây xanh của t/p, bị phản ứng dữ dội bởi cách triển khai thiếu minh bạch : Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao ? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân ! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gìđi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì... (VietNamNet, ngày 17/3)
Vô tình, phát ngôn ấn tượng này bị phản ứng dữ dội. Vậy vì sao chính quyền luôn nói : "Vì dân" ? Luôn nói dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra ? Một chủ trương, nếu không được lòng dân, chủ trương đó có thể thành công hay không ? Vụ việc phải dừng lại, là một minh chứng cụ thể cho việc không cần hỏi ý kiến dân !
Nhưng đỉnh cao của phát ngôn ấn tượng năm 2015 có lẽ thuộc về Phó Giáo sư Tiến sĩ N.H.T (Học viện Hành chính Quốc gia) : Đã là kinh tế thị trường thì chạy là tất nhiên, luật hóa cho tiền chạy nổi lên, dễ kiểm soát. trên thế giới ai cũng chạy chức chạy quyền, kể cả Obama (Tuần Việt Nam, ngày 28/1).
Trong một bài viết cũng trên Tuần Việt Nam sau đó, người viết bài cho rằng ông đã đánh tráo khái niệm, khi so sánh hiện tượng "chạy". Bởi nước Mỹ là thể chế tam quyền phân lập. Sự vận động hành lang của các ứng cử viên đều tuân thủ nguyên tắc minh bạch. Nó khác hoàn toàn với kiểu "chạy’ trong bóng đêm chỉ giữa hai cá nhân, kẻ mua người bán ở xã hội ta.
Còn một khi đã "luật hóa" chuyện chạy kiểu Việt Nam, cũng tức là thừa nhận sự thất bại của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Tác giả Đinh Duy Hòa, trong một bài viết trênVietNamNet, ngày 26/1, đã có lời bình hóm hỉnh : Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.
Thế mới biết, tư duy con người- một khi nhầm lẫn- sẽ kéo theo biết bao hệ lụy cho cộng đồng.
Hài hước nhất và hồn nhiên nhất có lẽ là phát ngôn ấn tượng của Đại biểu quốc hội L.N khi kiến nghị đổi mới cách trừng phạt những kẻ tham nhũng : Không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà vợ nuôi cho đủ… xấu hổ.Ông L.N hy vọng sự xấu hổ sẽ khiến kẻ tham nhũng không dám tham nhũng. Hệt chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, khi mà xã hội còn có cô Tiên, ông Bụt, cô Tấm, Hoàng tử. Và cô Tiên, ông Bụt, cô Tấm, Hoàng tử bao giờ cũng chiến thắng cái Ác, cái Tham. Nhưng người viết bài chỉ sợ rằng, nếu là lồng tre, thì nước Việt này sẽ hết sạch cả… tre.
Hồn nhiên không kém khi phát biểu trước nghị trường về những tồn tại và sự tụt hậu của ngành du lịch, thua kém cả Lào và Campuchia, khiến du khách một đi không trở lại là ông H. T.A - Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch : Trách nhiệm của tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp, chứ hết thời gian rồi thì làm sao bây giờ ? Tại sao khi còn thời gian, có bao giờ ông Bộ trưởng tự hỏi mình vì sao bất lực ? Lấy cớ hết thời gian đương chức để "chuyền bóng trách nhiệm" vào "lưới" người kế cận, Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch tự ghi điểm cho mình, một cầu thủ… yếu.
Và khi được phóng viên chất vấn (Lao động, ngày 18/11) ông còn hồn nhiên hơn : Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu Quốc hội.
Thực ra, Bộ trưởng khiến cả xã hội bị stress thì đúng hơn !
Tự nhiên chủ nghĩa nhất, có lẽ là phát ngôn ấn tượng của Tiến sĩ N. V. T - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đề cập về việc tăng giá dịch vụ y tế cũng như bảo hiểm y tế trong năm 2016 : Giá bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng2-3 bữa nhậu (VTV, ngày 19/12) khiến dư luận xã hội bàn ồn ào, còn người dân, nhất là bệnh nhân thì muốn … mếu.
Ông so sánh về giá trị đồng tiền, có thể đúng ! Nhưng sự so sánh khá vô tình và dửng dưng đó bộc lộ tâm lý thường ăn nhậu "zô zô zô, % phần %", mới nghĩ được như thế. Nhất lại là khi để bảo vệ cho việc tăng giá dịch vụ y tế, tăng mức bảo hiểm y tế, mà số đông người dân thì khó có thể thường xuyên ăn nhậu, nếu chỉ bằng thu nhập lao động của mình. Có gì đó thật xa lạ giữa phát ngôn một quan chức Quốc hội với đời sống số đông nhân dân. Thật đáng chê !
Từ xa xưa, ông cha ta có một tổng kết thật sâu sắc và sáng suốt : Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.
Nhưng đọc tất cả các phát ngôn ấn tượng nói trên, dù có bằng cấp đầy mình, các bác vẫn là những học trò... kém của tiền nhân.
Các loại "kỳ án" và câu hỏi về cải cách tư pháp
Năm 2015 có thể coi là năm của ngành tư pháp- với ý nghĩa xuất hiện rất nhiều loại "kỳ án" gây chấn động và bàng hoàng dư luận xã hội, làm tốn bao phím mực của báo chí, các trang mạng.
Không coi là "kỳ án" sao được ? Khi năm này, chỉ trong vòng hơn một tháng, 03 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Bình Phước, Nghệ An và Yên Bái, hung thủ giết nhiều người trong một gia đình. Nghiêm trọng hơn nữa, có những lý do giết người lại bắt nguồn chỉ từ những mâu thuẫn lặt vặt trong đời sống cộng đồng, thậm chí giữa những người có quan hệ họ hàng.
Cái Ác của các vụ "kỳ án" đều mang gương mặt rất trẻ, nhưng rất tối tăm, hoang dại trong nhận thức, tâm địa và hành động.
Không coi là "kỳ án" sao được, khi tiếp theo "người tù thế kỷ" Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan suốt 10 năm, được thả cách đây 02 năm, nay lại đến "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén bị tù oan suốt 17 năm, gần gấp đôi thời gian- cũng với cái án "giết người"… oan nghiệt.
Cho dù cách nhau xa lắc xa lơ về quê quán, khác nhau về độ phức tạp của vụ án lẫn diễn biến, khác nhau về nhân thân, nhưng vụ án oan của họ giống nhau ở điểm chung rất đáng buồn và hổ thẹn : Được điều tra với sự bức cung, dựng hiện trường, với những sai phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự, từ công tác điều tra, đến xét xử của tòa án các cấp.
Bất ngờ nhất, cả hai vụ án được "phá" và sáng tỏ đều do những người… ruột thịt, những người thân không chút nghiệp vụ điều tra hình sự. Vừa buồn vừa hài hước.
Không gọi là "kỳ án" sao được, cho đến tận thời điểm này, năm cũ 2015 sắp khép lại, dư luận xã hội còn bàn loạn về vụ việc khởi đầu chỉ là quan hệ dân sự, cuối cùng thành vụ án hình sự. Dân gian gọi là "vụ án con ruồi".
Nhân vật trung tâm- Võ Văn Minh- với lòng tham của một kẻ ít học, ít hiểu biết, bị khép tội "cưỡng đoạt tài sản", phải nhận 07 năm tù giam, do đòi đền bù 500 triệu đồng/ một con ruồi chết trong chai nước ngọt- sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát mà anh ta mua. Cho dù, đến thời điểm này, vẫn chưa ai kết luận nổi, con ruồi … từ đâu đến !
Võ Văn Minh tham thì thâm đã đành, nhưng cái cung cách "cài bẫy" khách hàng có hệ thống, coi thượng đế chả là cái đinh gỉ gì của Tân Hiệp Phát rút cục gậy ông đập lưng ông. Người viết bài tâm đắc với một comment trên trạng mạng xã hội : Võ Văn Minh bị án tù 07 năm, còn Tân Hiệp Phát thì án "chung thân". Cái án "chung thân" không tuyên bố mới thật kinh hoàng, khi Tân Hiệp Phát có nguy cơ bị xã hội quay lưng lại, và tẩy chay sản phẩm.
Người viết bài không muốn đi sâu vào các "kỳ án" giết người cướp của, giết người vì mâu thuẫn. Bởi đã có những chuyên gia các lĩnh vực am hiểu về tâm lý học, tội phạm học, pháp luật, phân tích kỹ hiện tượng rối loạn các giá trị sống, sự chuyển hóa nhân cách trong một thời cuộc đang có nhiều biến thiên. Nhưng rất chú ý tới vụ việc xét xử lưu động các "kỳ án" giết người. Thậm chí, trong ngành tư pháp, đây còn được coi là tiêu chí… thi đua ?
Mặc dù, với mục đích mang tính cảnh báo, giáo dục và răn đe cộng đồng nói chung, nhưng việc xét xử lưu động các thảm án vào bối cảnh xã hội đang trên hành trình hội nhập và phát triển, phản chiếu một tư duy tư pháp cũ kỹ, và rất lỗi thời.
Những người hiếu kỳ- khán giả của vụ xét xử lưu động, đã từng thốt lên rất vô cảm, vô tình, trong bài báo "Đi xem... bắn người" (VietNamNet, ngày 18/12) : Tôi tưởng xử xong sẽ bắnthế là đi xem, sẽ tự răn mình điều gì sau những vụ án xét xử lưu động kiểu này, thậm chí có cả những trẻ vị thành niên ? Hay họ sẽ học được những kỹ năng và tâm lý tội ác, qua sự mô tả của các bị cáo tại các phiên tòa lưu động, trên cái nền học hành non nớt, tâm lý biến động giữa bối cảnh xã hội có không ít bất an vì tiêu cực ?
viet5
Ông Huỳnh Văn Nén (áo kẻ) trong vòng tay người thân sau khi được tại ngoạ. Ảnh : VietNamNet
Còn ở vụ án oan Huỳnh Văn Nén, mặc dù gây ra những oan sai nghiêm trọng, dẫn đến hệ lụy cho gia đình họ bị tổn thất vô cùng lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng đến thời điểm này, theo các chuyên gia luật học, khó xử hình sự người gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Bởi vụ án oan này đã quá 15 năm, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Bộ Luật Hình sự 1999), nên rất có thể những người gây oan sai bỗng thành... vô tội. Còn tòa án lương tâm có... xử họ không, thì không rõ !
Rất có thể, cũng giống như án oan Nguyễn Thanh Chấn, sẽ có một buổi cơ quan chức năng tổ chức xin lỗi, Nhà nước đền bù cho một khoản tiền. Còn họ- những người trong cuộc đã gây ra những tổn thất đau thương cho ông Huỳnh Văn Nén và gia đình ông, chỉ cần "rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm khắc". Xong om !
Thế nhưng xã hội có quyền đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm xung quanh vụ này :
Vì sao, hàng loạt chứng cứ có dấu hiệu ngụy tạo bị lật tẩy nhưng cơ quan tố tụng vẫn dựa vào đó để kết tội ông Huỳnh Văn Nén và đại gia đình bên vợ của ông (VietNamNet, ngày 11/12).
Vì sao, từ trong tù, đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành- một phạm nhân đang thụ án trong tù, chỉ đích danh 02 kẻ phạm tội giết hại bà Lê Thị Bông (chứ không phải là Huỳnh Văn Nén) được giao cho điều tra viên Cao Văn Hùng xác minh, nhưng bị lãng quên rất khó hiểu ?
Vì sao cơ quan chức năng quá tự tin vào năng lực nghiệp vụ của mình, xem thường và phớt lờ tất cả những chứng cứ quan trọng, sau này, lại chính là căn cứ xác nhận Huỳnh Văn Nén không phải kẻ giết người ?
Và ngay cả vụ án Tân Hiệp Phát mới đây, chỉ có một… con ruồi chết thôi, cũng đã khiến cả xã hội ồn ào. Chính các luật sư vạch rõ- quá trình điều tra vụ án cũng vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự : Tại sao luật sư và người đại diện theo ủy quyền của công ty Tân Hiệp Phát lại được tham gia quá trình hỏi cung bị cáo ? Việc làm trên có dấu hiệu thông cung, làm lộ bí mật điều tra, lộ hướng xét xử. Vậy hồ sơ vụ án, trong đó có lời khai của các bên, có còn giá trị ? (VietNamNet, ngày 21/12)
Rõ ràng, cải cách tư pháp là đòi hỏi cấp thiết của xã hội, và của thời cuộc, nhất là nay mai đất nước gia nhập TPP. Đến bao giờ, ngành tư pháp (trong đó có tòa án) thực sự xứng với vị thế, vai trò thương tôn pháp luật của mình ?
U 40 và thì… tương lai
Và năm 2015 này, có một hiện tượng nổi bật về công tác nhân sự khiến cả xã hội chú ý, ồn ào.
Đó là tiếp sau những vụ việc một người làm quan cả họ được nhờ ở một số địa phương, là hiện tượng một loạt các nhân sự trẻ U40 trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao : Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Giám đốc Sở…tại các địa phương.
Hàng trăm bài viết và bàn luận đa chiều. Nơi này hoài nghi nơi kia tin tưởng.
Hiện tượng đó vốn là bình thường ở các quốc gia văn minh, phát triển.
Có thể thấy ở các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Canada…, người ta gọi đó là hiện tượng "gia đình chính trị", và rất được xã hội của họ ngưỡng mộ, nể phục.
Thì ở Việt Nam, hiện tượng hậu duệ (vốn được xếp hạng nhất trong thành ngữ mới hậu duệ, tiền tệquan hệ, trí tuệ) kế nghiệp được dư luận xã hội, kể cả các Đại biểu quốc hội gọi thẳng là "gia đình trị", và gây nên những bàn luận. Bởi trước đó, đã từng có những nhân sự kiểu này nhưng đã không tạo ra được "ấn tượng" gì. Dù về danh chính ngôn thuận, rất... đúng quy trình.
Trả lời VietNamNet, ngày 27/10 Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (cũ) Mai Liêm Trực thẳng thắn : Nói gì thì nói, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là không ít những vị lãnh đạo cả cấp trung ương và địa phương còn lạm dụng quyền lực để xếp cho con chỗ an nhàn. Thực chất, đấy cũng là một hình thức tham nhũng chính trị. Tại sao chuyện "con ông cháu cha" chúng ta nói mãi mà không xử lý được ? Có phải vì nó đã thành phong trào, ông này thấy ông kia làm được thì cũng tìm cách làm theo ? Bởi vậy dư luận mới ì xèo trên báo chí về hiện tượng quan chức cả huyện, cả tỉnh là họ hàng.
Như vậy, sự phản ứng khác nhau của dư luận giữa các quốc gia nằm ở sự khác biệt của hai nền quản trị : Đó là cơ chế quản lý công khai- minh bạch, mới có được sự tuyển chọn công bằng ; và ngược lại…
Nhưng bình tâm xem xét, đặt trong bối cảnh đặc thù của xã hội Việt Nam, thì những U40 này họ có những ưu thế riêng : Có học vấn cao, được đào tạo bài bản từ các quốc gia tiên tiến, hoàn cảnh vị thế gia đình thuận lợi, không phải nhân sự "bình dân" nào, dù giỏi giang cũng có được... thảm nhung trải trước mặt.
Có điều, con đường đó dù là thảm nhung nhưng cũng đầy "gai của hoa hồng". Bởi chính trị, và làm lãnh đạo là con đường vốn không mượt mà như cái danh của nó. Ở đó chỉ tài năng cùng nhân cách thực sự, mới có thể khiến người dân ngưỡng mộ và kính trọng. Chỉ khi đó, quyền lực mới thực sự gắn với quyền uy. Và cũng bởi trong thế giới phẳng và đa chiều ngày nay, bất cứ "cái ghế" nào, cũng đều phải chấp nhận sự sàng lọc năng lực, nhân cách một cách sòng phẳng trong thực tiễn. Nếu không, dù quyền lực (cái ghế) vẫn còn nhưng quyền uy (uy tín) đã … mất.
Năng lực và nhân cách người lãnh đạo mà người dân đòi hỏi đó là gì nếu không phải là đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết ? Và hành xử sòng phẳng đó là gì, nếu không phải như ông Mai Liêm Trực đã rất thẳng thắn :
Lãnh đạo phải mạnh, sạch và có tầm nhìn. Thứ nhất, mạnh về năng lực, về vị thế, uy tín xã hội. Thứ hai, phải sạch, không dính vào tham nhũng. Thứ ba, phải có tầm nhìn mới dẫn dắt được chứ chỉ có kiến thức chưa đủ. Tầm nhìn và bản lĩnh chỉ có thể được chứng minh qua thực tiễn, không chỉ qua phát biểu hay qua quá trình đào tạo.
Mặt khác, cũng theo ông Mai Liêm Trực, phải có sự sàng lọc : Khi chúng ta đột phá trong cơ chế bổ nhiệm nhanh, vượt cấp thì quy trình đánh giá kết quả cũng phải sòng phẳng, minh bạch. Nếu đã có cơ chế lên nhanh như vậy thì cũng phải có cơ chế xuống nhanh. Bởi lâu nay có hiện tượng lên thì nhanh nhưng xuống lại rất khó khăn. Không thể tránh khỏi sai lầm trong việc chọn người nhưng nếu không làm được việc thì phải xuống chứ đừng ngồi đó mãi. Có như vậy, cán bộ mới trưởng thành, công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ mới lành mạnh.
Chính vì vậy, với những nhân sự lãnh đạo U 40, con đường phía trước quả là áp lực, thách thức lớn với họ, buộc họ chọn lựa thái độ sống : Vì lợi ích quốc gia hay vì cái gì ?
Chợt nhớ đến câu chuyện về gia tộc của Tổng thống Bush (Mỹ). Gia tộc này đã tạo nên hai đời tổng thống, thứ 41 và 43, cũng như đã sản sinh ra hai vị thống đốc bang và nhiều chính trị gia đầy quyền lực khác. Người viết tiểu sử nhà Bush- Peter Schweizer cho biết : Gia tộc này đã thiết lập 03 "lời sấm truyền" để mọi người trong gia tộc thừa hưởng và phát huy. Đó là : Tự thân ; Tôi không thực sự giàu có ; Tôi chạy đua để phụng sự đất nước mình (Dân trí, ngày 13/11).
Họ - những lãnh đạo U.40 của nước Việt - liệu có "chạy đua để phụng sự đất nước mình", có mở ra nổi trang lịch sử mới của đất nước, được đánh dấu từ năm mới 2016 này không ?
Điều đó, chỉ có thì… tương lai mới trả lời !
Kỳ Duyên
Nguồn : VietnamNet, TuanVietnam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét