Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn. Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Xưa nay vẫn thế, có cách nào khác được.
Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013
Từ 'Ngôi sao Việt Nam đến 'Vì sao, Việt Nam'?
-Vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn ta thì chưa?
"Tất cả thế giới là một sân khấu và mọi người phải tự sắm vai"
31/10/2013 Quốc hội bắt đầu thảo luận KTXH và tái cơ cấu nền kinh tế tại nghị trường. Để góp thêm tiếng nói với các chuyên gia kinh tế, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của tác giả Ngô Đồng Thu.
Trước khi gia nhập WTO (11/1/2007) , Việt Nam được thế giới ca ngợi với những lời có cánh "con rồng", "con hổ" châu Á. Sau 6 năm, cùng với những thăng trầm của thế giới, dấu cảm thán (!) đã nhanh chóng biến thành dấu hỏi (?) và từ "Ngôi sao Việt Nam!" đã chuyển thành "Vì sao, Việt Nam?"
Trong cộng đồng đã có sự thay đổi nhanh đến chóng mặt về trạng thái: từ hồ hởi đến hoang mang chỉ trong một thời gian ngắn, theo một cách nào đó. Hàng loạt câu hỏi "vì sao" được đặt ra:
Vì sao Việt Nam khó phát triển? Vì sao kinh tế lâm vào khó khăn, trì trệ? Vì sao nông dân mất đất, đô thị bỏ hoang? Vì sao chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút? Vì sao nợ xấu, vì sao tham nhũng, vì sao lãng phí, tha hóa vì sao?, v.v...
Và, vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì không?
Quẩn quanh chiếu hẹp?
Những cải cách của chúng ta hiện nay gợi người viết nhớ đến nghệ thuật chèo. Đặc trưng của sân khấu chèo là tính ước lệ trong bài trí và hoạt cảnh, cứ bước lên một bước lại lùi 3 bước, đi đi lại lại cả buổi nhưng không ra khỏi cái chiếu rộng vài mét vuông, chỉ loanh quanh trong một chỗ.
Nền kinh tế của chúng ta sau một thời gian tăng trưởng nóng đang chững lại ở khúc quanh mà người ta hay nhắc đến là "bẫy thu nhập trung bình", hay nói cách khác là chưa "phát" mà đã "triển". Những khó khăn xuất hiện với tần suất ngắn hơn, quy mô ngày càng lớn hơn.
Trên thực tế các doanh nghiệp đang "lãn công", cả bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng kinh tế đang trục trặc:
1- doanh nghiệp nhà nước phổ biến tình trạng tham ô lãng phí.
2- doanh nghiệp FDI thì chuyển giá.
3- doanh nghiệp tư nhân thiếu cơ hội và động lực
4- nông nghiệp bấp bênh, bất an..
Xã hội thì dường như mất dần đi cảm hứng làm việc, kinh doanh do những nỗ lực bất thành kéo dài, do sự bất bình đẳng về cơ hội, do quan liêu sách nhiễu, v.v... Các con số về tồn kho, tăng trưởng tín dụng và giải thể doanh nghiệp đã nói lên điều này.
Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích, vì đặc quyền đặc lợi sẽ níu giữ cơ chế cũ, sẽ tìm mọi cách để biện minh, trì hoãn, né tránh mọi sự thay đổi.
Nếu những lời hứa hẹn, những quyết tâm, những tuyên bố không chuyển hóa thành những hành động thực tế, làm thay đổi thực trạng, thì chiếu chèo sẽ từ sân khấu bước ra ngoài đời.
Với một nền kinh tế kém hiệu quả, đến một lúc nào đó nhà nước mất cân bằng, thiếu nguồn thu để duy trì an sinh xã hội, lạm phát, nghèo đói sẽ quay trở lại, đây là một nguy cơ có thật, mà ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng vấp phải.
Trên các diễn đàn, đâu đó nhiều người kêu gọi "đổi mới lần 2" hay cần có "khoán 10" tiếp theo; Nghị quyết Trung ương 4 cũng khẳng định tính cấp bách phải đổi mới từ trong Đảng.
Nhưng đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào? Có vẻ như mọi cấp, mọi ngành đều đang lúng túng,
Đổi mới sau gần 3 thập kỷ
Nhớ lại công cuộc đổi mới được khởi xướng từ năm 1986, với loạt bài "Nói Và Làm" của tác giả Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Khó khăn của những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước cũng có những nét tương đồng như hiện nay. Khi ấy nguyên nhân khách quan là Việt Nam bị bao vây cấm vận. Còn về chủ quan, chính sự duy ý chí về mô hình phát triển, duy trì những "hợp tác xã" cưỡng bức đã tạo ra sự khan hiếm lương thực.
"Đổi mới" của thời kỳ này, về bản chất là "cởi trói", có nghĩa là không bắt buộc phải theo kinh tế tập thể cưỡng bức; "khoán 10" đồng nghĩa với việc nhà nước không can thiệp vào tính tự chủ của nhân dân trong lao động.
Đổi mới từ dưới lên, phía trên không cản trở, không áp đặt. Kết quả là, chỉ sau 3 năm, năm 1989 Việt Nam đã xuất khẩu gạo 1, 37 triệu tấn, từ đó đến nay luôn đứng trong Top 3 thế giới.
Như vậy, nếu Đổi mới 1986 là giải phóng lao động theo lẽ tự nhiên, thì Đổi mới 2013 Việt Nam cần giải phóng cái gì?
Hiện nay, chúng ta vẫn loay hoay trong quá trình tìm hướng đổi mới từ trên xuống. Trong khi theo truyền thống nước ta, trong chiến tranh cũng như thời bình, đổi mới thường phải từ dưới lên (xuất phát từ thực tiễn - như khoán 10 trong nông nghiệp); Bao giờ cũng vậy, đầu tiên và cuối cùng là nhân dân quyết định thắng lợi.
Cái khó là giờ đây bối cảnh xã hội đã khác xưa nhiều.
Đổi mới 1986 với khẩu hiệu "Đổi mới hay là chết", toàn Đảng toàn dân đều nhìn cùng một hướng, đồng lòng, đồng tâm muốn thay đổi, cái phức tạp đã biến thành đơn giản. Còn "Đổi mới 2013", trong bối cảnh xuất hiện các nhóm lợi ích, nhân tâm bất an, cái đơn giản lại biến thành phức tạp, khó lường.
"Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta".
Bối cảnh đã khác đi, nhưng dường như sau gần 30 năm, những việc cần làm mà cố tổng bí thư đã nêu ở trên dường như vẫn đúng trong công cuộc đổi mới đầu thế kỷ 21.
Khơi dậy được cảm hứng cộng đồng, dựa vào nhân dân, chúng ta có thể khẳng định rằng đổi mới là không khó. Vì mỗi lần đổi mới, là một bước chúng ta lại gần hơn với thế giới và nhân loại.
Hãy nghe lại lời của tiền nhân:
Có gì trong một cái tên? Khi đã là hoa hồng; Dù gọi bằng tên khác; Vẫn tỏa hương thơm dịu. ( Romeo -Juliet, Màn II)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/147175/tu--ngoi-sao-viet-nam-den--vi-sao--viet-nam--.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét