Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

'Bất thường' và không bình thường...


Ấn tượng trong tuần:
Một khi có quá nhiều cái không bình thường, nhưng con người ta phải chung sống như một lẽ bình thường, xã hội đó có phát triển... lành mạnh được không?
Đời sống luôn có hai mặt đối lập. Bên kia cái hay là cái dở, bên kia cái tốt là cái xấu, bên kia niềm vui là nỗi thất vọng, như một cặp đôi ... không hoàn hảo, cứ vần vũ giữa nhân gian. Khiến nhân gian cũng bỗng phải khóc, cười xa xót...
Đường thẳng hay đường cong?
Mới đây, vào ngày 31/3, một sự việc may mắn đã đến với ông Đinh Quang Điền, Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền. Sau 240 ngày bị tạm giam, với tội danh...oan sai- "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cuối cùng ông được minh oan, được xin lỗi công khai.
Phía phải công khai xin lỗi ông là Viện Kiểm sát Nhân dân TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).
Không biết yêu cầu bồi thường tổn thất 18 tỷ đồng, và công khai xin lỗi trên ba số báo liên tiếp của ông Đinh Quang Điền, có được đáp ứng không? Chỉ biết những mất mát đau khổ của những người ruột thịt- cha, mẹ già bị sốc dẫn đến trầm cảm, thậm chí tai biến, vợ hoảng loạn, con cái học hành sa sút vì bị bạn bè khinh rẻ... - là không sao bù đắp được với ông. Nhưng dẫu sao, trường hợp như ông vẫn là may mắn.
Một trường hợp may mắn khác là anh Trương Hoàng Hiếu, cựu sinh viên bị tù oan hơn 900 ngày, với tội danh "cố ý gây thương tích", xảy ra năm 2007 tại ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), cũng vừa được Tòa án Nhân dân huyện công khai xin lỗi trong... năm phút.
900 ngày tù oan và được xin lỗi trong năm phút là con số so sánh cay đắng. Nói như dân gian, được vạ má đã sưng, nhưng họ vẫn là những trường hợp được giải oan... hiếm và quý.
Tòa án là cơ quan tư pháp chuyên xét xử những vụ án. Việc xử oan sai, phải công khai xin lỗi "nạn nhân" là việc làm bình thường và là tín hiệu tích cực, dù lẽ ra không nên có. Vì đó là cán cân công lý!
Nhưng bên cạnh cái sự bình thường vẫn luôn tồn tại sự không bình thường. Bên cạnh tín hiệu tích cực vẫn luôn tồn tại những cái tiêu cực đáng ngờ.
Mới đây, ngày 22/3, tại phiên họp chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã thừa nhận việc chạy án, ăn hối lộ còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ ngành tòa án. Bộ phận này nhỏ hay không nhỏ? Nếu như Tổng Bí thư Đảng từng lo ngại về "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức..."
Nổi cộm nhất được hầu hết các đại biểu và dư luận quan tâm là tỷ lệ án treo, mức phạt đối với án tham nhũng còn quá nhẹ và tỷ lệ này cao gấp nhiều lần so với các loại tội phạm khác (có nơi lên tới 45%).

                                    Những trường hợp được giải oan vẫn... hiếm và quý. Ảnh minh họa

Nếu đặt thử lên cán cân công lý, những vụ án có "chạy án", và những vụ án không biết, hoặc không có điều kiện "chạy án", thì cán cân sẽ lệch bên nào?
Những cán bộ tòa án là người thay mặt pháp luật thực hiện xét xử, đem lại lẽ công bằng cho con người, nhưng một bộ phận trong số này lại... "tiếp tay" với tội phạm, nhờ cái nghề chính trực của mình, thì vụ án sẽ đi theo đường thẳng hay ...đường cong?
Chánh án Trương Hòa Bình đã phải xin lỗi các đại biểu vì ... "tệ nạn" của ngành tư pháp. Nhưng người dân chẳng bao giờ muốn nghe hai từ xin lỗi lâu nay đã thành một "hội chứng", đang cần được chữa trị bằng hành động.
Đáng tiếc, hiện tượng không bình thường, không chỉ thấy sáng rõ ở việc xử án, mà còn thấy thấy "nhấp nháy" ở ngay công tác thi hành án.
Thi hành án thực chất là để thu hồi lại tài sản bị thất thoát, hoặc bị phạm tội mà có, hoặc là tiền phải đền bồi. Tại một vụ án lớn, phức tạp, có số tiền các đương sự phải liên đới bồi thường cho các doanh nghiệp Nhà nước lên đến hơn 1100 tỷ đồng, với án phí gần hai tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi xét xử, tòa án các cấp đã không áp dụng các biện pháp bảo đảm tài sản của các đương sự để thực hiện việc thi hành án, nên việc thi hành án tưởng bình thường thành khó khăn, rắc rối.
Bởi bên được thi hành án lại là những doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chưa có đơn yêu cầu khiến cơ quan thi hành án không thể ra quyết định thi hành thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Bỗng nhớ tới thành ngữ cha chung không ai khóc. Mà thực ra nó có địa chỉ riêng- đó là tiền dân.
Liệu có phải con voi thất thoát đang có cái đuôi... con chuột thi hành án?
Sự không bình thường còn nằm ở 1198 trường hợp năm 2012, khó thi hành án do án...tuyên không rõ ràng. Mà theo ông Trương Hòa Bình án chưa thi hành được có ba trường hợp: Tòa án không thể giải thích được; phải giải thích mới có thể thi hành và có thể giải thích; tuyên án nhưng chưa thi hành (laodong.com, ngày 22/3). Chưa kể toàn ngành còn có 869 vụ để quá thời hạn giải quyết.
Nói đến vụ án, tòa án, là tòan chuyện nghiêm trọng, bi kịch, với nhiều nước mắt chảy ngược chảy xuôi, mà bỗng dựng...bật cười. Bởi nếu chính tòa án đại diện cho pháp luật, kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn đầy mình, mà còn không thể giải thích được bản án mình tuyên, thì kẻ phạm tội biết tội mình "ra răng", để sửa lỗi, phục thiện và hướng thiện?
Mới đây, một vụ án hình sự bình thường, như vụ giết người rạng sáng 15/3 ở Vĩnh Phúc, cũng bỗng trở thành "bất thường", không bình thường.
Sự "bất thường" có thể thấy ở ngay tình huống cái chết bất ngờ, như cái giá quá đắt nạn nhân phải trả, chỉ sau một câu nói có chút xếch mé. Hóa ra, tính mạng con người giờ đây với một số kẻ, rất rẻ, rất nhẹ, nhẹ hơn cả một cái "nhìn đểu", một câu nói có chút hơi men.
Sự "bất thường" có thể thấy ở ngay cách thể hiện nỗi đau thương. Hàng trăm người dân "diễu phố" đòi công bằng cho nạn nhân, ở một địa bàn vốn có cái tên rất bình an- Vĩnh Yên.
Sự "bất thường" đó có gốc rễ, là sự nhầm lẫn hay sai phạm trong công tác giám định pháp y? Sai phạm, nhầm lẫn hay tiền hậu bất nhất? Bởi giữa tử vong do bịđánh, và tử vong do bị say rượu, ngã xuống nước là hai kiểu tử vong hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Điều đó, dẫn đến gia đình nạn nhân, và người dân phản ứng mất kiểm soát. Sự "bất thường" nọ dẫn đến sự "bất thường" kia. Người dân Vĩnh Yên có lỗi, nhưng cấp chính quyền liệu chỉ toàn... cái đúng?

                                  Hàng trăm người dân "diễu phố" đòi công bằng cho nạn nhân

Không bình thường là bình thường?
Giáo dục luôn được coi là ngành đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia. Để nhấn mạnh sứ mệnh của ngành này, có câu nói: Giáo dục hôm nay, dân tộc ngày mai.
Vì thế, mỗi động thái của GD đều khiến xã hội hoặc quan tâm hoặc nhức nhối. Tại phiên họp 16 của Ủy ban Thường vụ QH mới đây, các đại biểu tập trung chất vấn hiện tượng"sách Việt Nam cờ...Trung Quốc" với ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng GD.
Theo dõi thông tin, người viết bài chia sẻ với cái sự lực bất tòng tâm của ngành trong vấn đề này. Bởi các cuốn sách bị công luận phát hiện và phản ứng dữ dội vừa qua, đều là loại sách tham khảo. Mà sách tham khảo thì đâu phải do ngành GD quản lý toàn bộ, ngoại trừ một số NXB nằm trong hệ thống của ngành.
Nhưng rất khó chia sẻ với cái sự lực bất tòngtâm của ngành trong chính bổn phận được coi như sứ mệnh- dạy chữ, dạy người.
Và khó tin ở lời hứa khi ông Bộ trưởng trả lời ông Chủ tịch QH: Sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm để cùng toàn ngành, toàn dân triển khai đổi mới căn bản và toàn diện ngành GDĐT. Hi vọng GDĐT sẽ từng bước chuyển biến tích cực. Nó giống như một câu...khẩu hiệu nhiều hơn. Dù đúng nhưng khó tin. Vì sao?
Người viết bài nhớ tới một câu khẩu hiệu khác, từng làm ấm nóng bao con tim các thầy, các cô giáo từ đồng bằng đến vùng cao giá rét: Tất cả vì học sinh thân yêu! Còn bây giờ? Một quan chức có trách nhiệm, am hiểu GD chua chát: Bây giờ là "Vì lợi ích người lớn", nhà báo ạ!
Không thể phủ nhận, ngành GD vẫn đào tạo ra một nguồn lượng nhất định học sinh khá, giỏi các cấp. Các Olimpic quốc tế vẫn có giải vàng, bạc, tuy lúc lên, lúc xuống thất thường. Và vẫn có những nhà giáo, cả đời vì trẻ, cả đời tận tụy với nghề.
Có điều, ngành GD cũng không thể... phủ nhận, chất lượng GD của ngành đang có quá nhiều dấu hỏi (?) Ngay ông Chủ tịch QH cũng phải hỏi một câu: Đến bao giờ chúng ta có một nền GD yên tâm?
Liệu có thể yên tâm được không với những điều không bình thường đang diễn ra trong ngành được coi là mô phạm?
- Có bình thường không, nếu như bệnh thành tích (gian dối) vẫn như một cơn sốt, chưa bao giờ hạ nhiệt?
- Có bình thường không, nếu như gian lận thi cử bị phát hiện, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?
- Có bình thường không, nếu như các trường ngoài công lập nở như nấm sau mưa? Vì GD hay vì lợi nhuận?
- Có bình thường không, nếu như dạy thêm- học thêm không chính đáng vẫn như chiếc mũ bảo hiểm rởm mà học trò luôn phải đội trên đầu?
- Có bình thường không, nếu như trẻ em, từ tiểu học, đã phải học thêm? Còn tuổi thơ bị đánh cắp!
- Có bình thường không, nếu như chuyện bằng cấp rởm,chuyện học rởm- bằng thật, vẫn nghênh ngang mũ áo trong xã hội?
Nếu GD chỉ vì người lớn, thì liệu tuổi trẻ sẽ biết đặt cuộc đời mình theo hướng nào? Biết sống vì ai?
Đặt cái chết không bình thường của Nguyễn Tuấn Anh bên cạnh những cái không bình thường của ngành GD, thấy có mối liên quan nào không? Khi sinh- tử một con người, có khi chỉ cách nhau đúng một câu hỏi xếch mé?
Một khi có quá nhiều cái không bình thường, nhưng con người ta phải chung sống như một lẽ bình thường, xã hội đó có phát triển...lành mạnh được không?

Tác giả Kỳ Duyên    Tin gốc   http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/114957/-bat-thuong--va-khong-binh-thuong---.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét