Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Vi hành “tìm sâu” (Góc nhìn Đại Đoàn Kết 11/12/2012 )

Thông thường người dân khi nghe tin lãnh đạo cấp cao, các bộ ngành đi thị sát tình hình thực tế, "tìm sâu”, nắm bắt những vấn đề người dân bức xúc, như nạn mãi lộ, tình trạng nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là gia cầm nhập lậu, lạm thu học đường…, làm rõ những vi phạm kéo dài của cán bộ viên chức gây bức xúc trong dân, ắt rất mừng. Còn như xem cách thị sát kiểu trống dong cờ mở, lãnh đạo chưa lên xe địa phương đã lễ nghi đón rước long trọng, lại lo. Thị sát kiểu ấy, nhìn sao thấu thực chất vấn đề.
                                    
Có chăng chỉ bớt quan liêu hơn xem và nghe báo cáo, họp hành dài dài, chứ rất khó có cơ "tìm thấy sâu”, bắt quả tang "chỉ tận tay, day tận mặt” những tiêu cực xã hội, vi phạm của cấp dưới, vốn thường ngày khá lộ liễu.
                            
Có một số nghề nghiệp, nghiệp vụ buộc phải vào vai thường dân để thị sát. Chỉ có vi hành mới mong biết rõ sự thật trắng đen, như nghề công an, nhà báo… Trong vai người đi mua hóa chất về pha chế để kinh doanh, các phóng viên từng được các sạp chợ Kim Biên (phường 13, quận 5, THPCM) hướng dẫn và chỉ bảo tận tình, muốn mua hóa chất nào, số lượng bao nhiêu cũng có. Hay để có loạt bài "Nhức nhối nạn mãi lộ”, nhóm phóng viên đã vào vai dân để vi hành và loạt bài được Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao trong đấu tranh, làm rõ hành vi tiêu cực của một bộ phận cảnh sát giao thông.
      
Trong những nghề và nghiệp vụ đòi hỏi mạo hiểm, dấn thân như vậy đáp ứng đòi hỏi của xã hội, của nhân dân và đất nước, không thể thiếu đội ngũ quản lý, lãnh đạo các cấp, ngành. Ở cương vị chỉ đạo cấp nào cũng đòi hỏi những phẩm chất tương tự. Quan chức vi hành ngày càng cần hơn để gần dân, sát dân, hiểu dân, đặc biệt hiểu những chuyện oái ăm bị bắt nạt ức hiếp của họ, tránh quan liêu nhìn sự việc chỉ qua báo cáo. Vi hành dù khá nguy hiểm, khi có thể bị đối xử tồi tệ, nhưng đó là cái giá phải trả để biết được sự thật. Nó đòi hỏi dũng khí và bản lĩnh, dám nhìn thẳng, xử lý thẳng… Có lẽ vậy, câu chuyện về những vị lãnh đạo vi hành thời nào cũng có. Có những câu chuyện để đời để dân ngưỡng mộ, ước mơ.
Có người cho rằng những quan chức VIP đã nhiều người biết mặt khó hóa trang vi hành? Thực ra đâu phải lúc nào cũng cần hóa trang, chỉ cần bình dị làm những việc cán bộ, người dân thường làm, như đi xe máy, xe buýt, ra chợ hay đến thăm bất cứ trường học bệnh viện…nào. Thủ tướng V. Putin từng tự mình lái xe thị sát sau khi ông rời vị trí Tổng thống, chuyển giao đầy đủ công việc cho người kế nhiệm D. Medvedev và chủ động tiếp quản cương vị Thủ tướng. Khi thị sát tình hình phát triển và thu thập kiến nghị phát triển tại khu công nghiệp phía Bắc Matxcova thuộc nước Cộng hòa Tatarstan, cứ theo sơ đồ thẳng tiến, Putin lái xe thẳng đến nhà ăn Công ty dùng bữa trưa cùng đông đảo nhân viên có mặt tại đây. Như tất cả những nhân viên khác, Putin tay cầm khay nhựa, nghiêm túc xếp hàng. Nhiều công nhân nhận ra ông quay lại và họ không giấu nổi vẻ thích thú trước việc Thủ tướng đứng chung hàng với mình. Thủ tướng vẫy tay chào mọi người và ra dấu trật tự để không xáo trộn không khí bữa ăn. Gọi xong cơm, Putin không chọn cho mình chỗ ngồi riêng mà tiến về chỗ một nhóm công nhân đang tập trung, ngồi xuống dùng bữa với họ, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. 
Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được nhiều người ủng hộ cũng vì ông mạnh dạn đem bộ máy hành chính ra soi qua lăng kính nhân dân, lấy sự hài lòng của dân làm thước đo sự mạnh yếu của các cơ quan công quyền. Tháng 10 vừa qua, vị Bí thư này qua chuyến "vi hành” đã phát hiện một dự án được cấp phép trái quy định cùng nhiều sai trái của cơ quan công quyền địa phương liên quan tới khu gia đình cán bộ công chức Lữ đoàn 532 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) được cho phép mở rộng khu vực đã được quy hoạch trước đó. 
Gần đây hơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng có chuyến "vi hành” đến hai huyện Tây Trà và Sơn Hà, phát hiện sự ì ạch của Dự án hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong ở tỉnh này. Một số cán bộ đã bị kỷ luật sau chuyến "vi hành” của Bí thư Tỉnh ủy…Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp xúc với cử tri tại UBND Q.8 (TP.HCM), đã nghe lời đề nghị: "Tôi rất cảm thông với sự quyết tâm của Bộ trưởng về chống tham nhũng nhưng xin mời Bộ trưởng hãy đóng vai thường dân vi hành ở các BV công để thấy thực tế, sẽ thấy được những vấn đề cần giải quyết”. Bộ trưởng cho biết, bản thân đã từng vi hành ở các BV công để thử chờ đợi khám bệnh và nhận thấy đúng là người bệnh chờ quá lâu, nhất là người già.
… Sẽ không khó khăn gì để nắm rõ toàn bộ hoạt động thực hiện nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, hẹp hơn là xác định chức trách của cán bộ công chức nếu lực lượng thanh tra công vụ chịu khó "vi hành” các công sở. Sẽ chứng kiến người dân gặp rất nhiều phiền hà mỗi khi đi làm thủ tục, giấy tờ, sẽ có cách giảm bớt những phiền hà, nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, cải thiện phần nào mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với dân và doanh nghiệp…
Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong việc chấn chỉnh đội ngũ cán bộ công chức khi giải quyết các công việc của dân, của doanh nghiệp, tổ chức, nhưng để đi vào cải cách hành chính có tính chiều sâu, có lẽ không thể không đòi hỏi lãnh đạo các cấp, ngành phải  vi hành thị sát thực sự. Xin bớt cờ dong trống mở, bớt khẩu hiệu cờ hoa khoa trương. Bình dân hơn trong những chuyến "tìm sâu”, công vụ, thị sát, quan chức sẽ gần dân, hiểu dân, thương dân hơn và bù lại, được dân tin cậy, kính trọng hơn.

Thanh Như (Báo Đại đoàn kết ngày 12/12/2012 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét