Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn. Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Xưa nay vẫn thế, có cách nào khác được.
Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012
Trò chuyện với chiếc phong bì .
( Sưu tầm )
- Chào anh Phong Bì! Nhân dịp năm mới, chúc anh an khang thịnh vượng!
- Cám ơn! Rất cám ơn!
- Anh khách khí quá.
- Không, tôi rất xúc động, vì hàng trăm năm nay, từ ngày tôi ra đời, hàng tỷ, hàng tỷ người đã viết lên…mặt tôi những câu chúc như thế và tương tự thế, nhưng họ chỉ dùng mặt tôi để gửi lời chúc người khác, đây là lần đầu tiên có người chúc tôi.
- Hỏi thật anh nhé, khi họ cứ đè… mặt anh ra mà viết như vậy, anh có bực không?
- Ồ, tại sao lại bực? Tôi sinh ra là để người ta viết lên mặt, giống như võ sỹ quyền Anh là để người ta đấm vào mặt. Đó là một nghề.
- Có những người suốt ngày bị chửi vào mặt, họ có thản nhiên coi đó cũng là một nghề như anh không?
- Thực ra những người này đã làm không đúng, không tốt nghề của mình, hay chính xác hơn đã sử dụng nghề nghệp để kiếm chác một cách quá đáng, nên mới bị chửi. Lâu dần họ trở nên thản nhiên trước việc bị thiên hạ chửi vào mặt. Loài người các anh gọi là “chai mặt”. Như vậy, tôi và võ sỹ quyền Anh thản nhiên khi được/ bị người ta viết/ đấm vào mặt là vì chúng tôi có tự trọng nghề nghiệp cao, còn những kẻ thản nhiên khi bị người ta chửi vào mặt là những kẻ không còn chút liêm sỷ nghề nghiệp nào nữa.
- À ra thế! Thế mà có người nói rằng anh chính là người biến chất nhất khi vào kinh tế thị trường?
- Họ nói rằng chúng tôi không chỉ thay đổi về ngoại hình, mà còn thay lòng đổi dạ. Trước đây lòng dạ chúng tôi chỉ đựng thư từ, công văn, nói như một nhạc sỹ là “công văn nhà nước” và “công văn trái tim”. Cả hai đều trong sáng. Còn bây giờ chúng tôi còn đựng tiền, mà tiền thì không “trong sáng” lắm, Họ nói thế, đúng không?
- Đúng thế! Vậy theo anh, người ta nói anh “biến chất” liệu có sai?
- Nên hiểu đơn giản đó chỉ là “bổ sung chức năng nhiệm vụ”. Anh không thấy hiện nay đang có xu hướng đó à? Trong kỹ thuật gọi là tích hợp.
- Nhưng, liệu người ta có thể tích hợp những chức năng trái ngược nhau như vậy vào trong một công cụ được không?
- Đã gọi là công cụ thì tuỳ thuộc vào người sử dụng. Anh không thấy cái miệng của con người đó sao. Nó dùng để ăn, để uống, để nói và hát, rồi để hôn nhau, nhưng nó cũng dùng để cắn xé nhau và lừa lọc nhau. Mà, nguy hiểm nhất là người ta cắn xé, lừa lọc nhau ngay chính khi đang hôn nhau. “Có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ Sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ Có cái môi mỏng hơn lá mía/ Hôn má bên này bật máu má bên kia”. Một nhà thơ đã viết như thế.
- Vậy là đã rõ, đựng tiền hay đựng thư từ đối với anh cũng chỉ là “chức năng nhiệm vụ”. Nhưng, khi mở anh ra để đếm tiền, hay để đọc thư từ, công văn anh thấy người nhận có gì khác nhau không?
- Khi nhận thư từ hay công văn giấy tờ, tôi thấy người ta cảm xúc khác nhau theo nội dung của nó.
- Còn với phong bì tiền?
- Thì chỉ có một cảm xúc duy nhất là cảm xúc…tiền!
- Đó là cảm giác của người nhận, còn với người đưa tiền, anh thấy họ thế nào? Có xúc động không?
- Mức độ xúc động tùy thuộc vào sự thành thạo, người ta còn gọi là tính chuyên nghiệp.
- Đưa tiền mà cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp sao?
- Đưa cũng như nhận đều đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Đôi khi còn đòi hỏi trên cả tính chuyên nghiệp, thậm chí được nâng lên hàng nghệ thuật.
- Nhưng, giữa kẻ chuyên nghiệp và “nghiệp dư” trong chuyện này có gì giống nhau không?
- Có một sự giống nhau duy nhất là họ đều ra vẻ xum xoe, trọng vọng người nhận tiền, nhưng thực chất họ đều coi người nhận tiền chả ra gì. Cứ quay lưng xong là họ chửi vào…sau lưng!
- Có người nào vừa là người đưa tiền, vừa là kẻ nhận tiền không?
- Tuyệt đại bộ phận là như vậy. Họ nhận từ người này, nhưng lại đưa cho người khác.
- Giống như chu chuyển văn bản à?
- Có một điểm khác. Chu chuyển văn bản thì theo nhiều chiều, còn tiền thì chỉ chảy theo một hướng duy nhất, là: lên trên!
- Sao lại có câu “nước chảy chỗ trũng”?
- Đó cũng chỉ là một cách nói. Nhưng, thực ra cái này giống như mỏ dầu, rốn dầu thường nằm chỗ cao nhất.
- Ra thế! Xin hỏi anh câu cuối: anh có nghĩ một lúc nào đó anh lại trở lại như xưa, có nghĩa là chỉ còn đựng công văn, thư từ nữa mà thôi?
- “Bao giờ cho đến ngày… xưa” chỉ là một sự mong đợi hão huyền. Nhưng tôi tin có ngày họ không dùng tôi để đựng tiền nữa.
- Khi đó đạo đức xã hội chắc trong sạch lắm?
- Không phải thế! Khi đó kinh tế đã phát triển đến mức gọi là “non- cash”, nghĩa là “không dùng tiền mặt”!
- Ồ! À!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét