Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Đại hội Hội CCB tỉnh Bắc Giang lần thứ V

Ngày 20 và 21-9, Ban Chấp hành (BCH) Hội CCB tỉnh Bắc Giang tổ chức Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2012- 2017. Đến dự có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Thanh Quất, nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Bắc; Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Trần Xuân Quang, Phó Chính uỷ Quân khu I; Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.

                               
                             BCH Hội CCB tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2012-2017 ra mắt Đại hội.
Dự Đại hội còn có đại biểu mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, tướng lĩnh đã nghỉ hưu trên địa bàn; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành uỷ, huyện uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; đại diện Hội CCB thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cùng 243 CCB, đại diện gần 95 nghìn hội viên CCB trong tỉnh...
Năm năm qua, Hội CCB tỉnh đã giữ vững và phát huy tốt bản chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", vững vàng, kiên định, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai nhiệm vụ  toàn diện, đồng đều từ tỉnh đến cơ sở, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội CCB tỉnh lần thứ IV đề ra. Nổi bật là tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN; phong trào hội viên giúp nhau làm kinh tế, xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả cao, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT- XH của tỉnh đề ra.
Bên cạnh đó, tổ chức hội cũng tích cực tham gia vào hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, đối ngoại nhân dân, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch của T.Ư và tỉnh về công tác CCB, hội CCB...
Với những thành tích xuất sắc đó, Hội CCB tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất...
Tuy nhiên, hoạt động của Hội còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như việc nắm bắt tư tưởng hội viên có lúc, có nơi chưa kịp thời; công tác phát triển hội viên ở một số cơ sở chưa được quan tâm; hoạt động của nhiều hội cơ sở chưa hiệu quả...
Đại biểu về dự đại hội .
 Nhiệm kỳ 2012-2017, Đại hội Hội CCB tỉnh Bắc Giang đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục vận động hội viên đoàn kết, tích cực tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân; nâng cao ý thức tự lực, tự cường giúp nhau giảm nghèo nhanh và bền vững; duy trì và mở rộng hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, đối ngoại nhân dân, xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội V Hội CCB Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên dự khuyết T.Ư  Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ  nhiệt liệt biểu dương những thành tích hội CCB các cấp trong tỉnh đạt được nhiệm kỳ qua, nhất là hiệu quả to lớn trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tại Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các cấp hội CCB trong tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên. Chú trọng hoạt động thông tin, thời sự chính trị trong tỉnh, trong nước và quốc tế, giúp CCB hiểu sâu, nắm chắc tình hình, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, diễn biến hoà bình của các thế lực thù định, bảo vệ Đảng, chính quyền. Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua CCB giúp nhau làm kinh tế, phát huy bản chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong sản xuất, kinh doanh; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Mỗi CCB không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động, nỗ lực  chung tay xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư...
Đại hội đã bầu 21 đồng chí uỷ viên BCH Hội CCB tỉnh khoá V, nhiệm kỳ 2012- 2017; 9 đại biểu dự Đại hội  cấp trên. Ông  Nguyễn Xuân Khởi, nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh khoá IV tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh khoá V, nhiệm kỳ 2012- 2017.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Khi danh không chính…


(VOV) - Dư luận xã hội gần đây có nhắc đến một số blog dấu mặt, che dấu tung tích chuyên bàn luận chuyện chính trị, lành ít, dữ nhiều…
Cần một lần nữa khẳng định rằng: Nhà nước Việt Nam không cấm đoán, ngăn cản việc cá nhân hay tổ chức mở các blog, các trang web nhằm mục đích cung cấp thông tin, bàn luận, bày tỏ chính kiến, chia sẻ quan điểm về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật…

               
            Nhà nước ta không ngăn cấm cá nhân sử dụng internet nhằm tìm kiếm, trao đổi thông tin,

Nhà nước ta cũng không ngăn cấm cá nhân sử dụng internet nhằm tìm kiếm, trao đổi thông tin, đáp ứng nhu cầu thỏa mãn thông tin chính đáng của mỗi người.
Đảng, Nhà nước, tổ chức mặt trận luôn hoan nghênh mọi cá nhân, tổ chức hiến kế giải bài toán quốc kế dân sinh những khi đất nước gặp khó khăn; khuyến khích mọi công dân có những ý kiến đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kể cả những ý kiến phản biện, đa chiều…
Sự phát triển vô cùng nhanh chóng của hệ thống blog, trang web, báo điện tử ở nước ta trong những năm qua, đặc biệt là trong vòng một vài năm lại đây, cho thấy hiện tượng bùng nổ thông tin ở Việt Nam là chuyện có thật.
Tốc độ phát triển nhu cầu khai thác, sử dụng internet của người dân mỗi năm một tăng cao, càng khẳng định thực tế này. Tính dân chủ, cởi mở trong thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và hướng thiện.
Nhưng, cũng nên nghiêm túc và khách quan nhìn nhận, đã có nhiều trường hợp lợi dụng không khí đổi mới, cởi mở để thực hiện các hoạt động phi pháp, thiếu thiện chí, thậm chí chống đối, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại Đảng, Nhà nước.
Dư luận xã hội gần đây có nhắc đến một số blog chuyên bàn luận chuyện chính trị, lành ít, dữ nhiều, với những ngờ vực, băn khoăn.
Một là, những blog này không ghi địa chỉ, không có ban biên tập, không người chịu trách nhiệm. Người ta cũng không thể biết họ là một cá nhân hay một nhóm người; ở trong nước hay ở nước ngoài… Như thế là chủ nhân các blog này cố tình dấu mặt, che dấu tung tích, là không chính danh. Danh không chính thì làm sao ngôn thuận?
Hai là, những thông tin mà các blog này cung cấp đều không được kiểm chứng, không rõ nguồn. Nếu có trích dẫn nguồn thì cũng thêm bớt, cắt xén. Nguyên tắc đạo đức hàng đầu của người làm báo là phải thể hiện trách nhiệm với công chúng bằng việc cung cấp thông tin phải có nguồn, thông tin phải được kiểm chứng, không chấp nhận kiểu hoang truyền, loan truyền “thông tấn vỉa hè”, tin thì tin, không tin thì thôi, rất vô trách nhiệm.
Ba là, những thông tin từ các blog này đánh vào sự hiếu kỳ của người đọc, khai thác sâu quan hệ nội bộ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp, với những chi tiết, sự kiện không kiểm chứng, mang dụng ý xấu. Họ xoi mói, bới móc cả chuyện cá nhân, dựng chuyện với lời lẽ châm chọc, đụng chạm đến quyền tự do cá nhân của người khác.
Bốn là, cách cung cấp thông tin của những chủ nhân blog này là vô cùng ác ý. Nguồn thông tin không minh bạch, đã đành, họ còn kết nối nhiều sự kiện với nhau rồi quy kết, suy diễn, hướng người đọc hiểu theo cách hiểu của họ, thật giả không biết đâu mà lần. Cách thông tin này chẳng khác cầm bùn ném vào người khác, khiến những người vô can cũng dính bùn.
Nhưng ác hiểm hơn, các blog này với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, cố  tạo ra bức tranh đời sống chính trị của đất nước giai đoạn hiện nay vô cùng tiêu cực. Họ cố tình làm cho người đọc có cảm tưởng nội bộ lãnh đạo cao cấp đang chia rẽ sâu sắc, làm cho người đọc hoài nghi, chán ghét, từ đó kích động từ bỏ thể chế…
Bằng phương tiện công nghệ hiện đại của thời đại, lợi dụng tự do ngôn luận, những chủ nhân các blog này đang làm cái việc mà một thời chúng ta từng nghe, ấy là“chuyển lửa về quê nhà”, thúc đẩy cái gọi là "diễn biến hòa bình", kích động lật đổ chế độ.
Rõ ràng các blog này đã danh không chính, ngôn không thuận; nội dung các blog này hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ, mục đích cao cả của truyền thông. Chủ nhân các blog này đã đi quá xa. Họ đã tự đánh rơi cái chiêu bài “yêu nước”, hiện nguyên hình là những kẻ thù địch với dân tộc Việt Nam./.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Chân dung Bại tướng Ngô quang Trưởng

Đánh giá của người Mỹ
Trung tá George W. Smith, nguyên cố vấn Sư đoàn 1 Bộ binh, trong bút ký The Siege at Hue viết: "General Truong was tough, disciplined, and dedicated to his military profession. Unlike many of his contemporaries who had climbed the ranks through political influence, nepotism, or cold, hard cash, he had earned his stars on the battlefield. He was viewed as a self-starter, without a hint of corruption or ego. He was regarded by the Americans as unquestionably the finest senior combat commander in the South Vietnamese army."; tạm dịch: "Tướng Trưởng là một người cứng rắn, kỷ luật và hết lòng với binh nghiệp. Không như một số đồng liêu của ông thăng quan tiến chức bằng quen biết hay lo lót, ông đeo sao trên vai bằng chiến công tại mặt trận. Ông là người cần mẫn, thanh liêm và không tự cao tự đại. Người Mỹ cho rằng ai cũng phải nhìn nhận ông là người chỉ huy chiến đấu tài giỏi nhất của quân đội Sài gòn Nam Việt Nam .
Chân dung Bại tướng Ngô Quang Trưởng
  Những ngày dài sống lưu vong trên đất Mỹ, Ngô Quang Trưởng không giống những tướng tá của chế độ Sài Gòn trước đây là tham gia vào những cuộc hội họp hay bình luận về sự kiện giải phóng Sài Gòn hay phân tích những nguyên nhân bại trận của họ. Ông ta sống rất lặng lẽ trong nỗi trầm uất cay đắng của một viên tướng thua cuộc. Ai đó có cố gắng gặng hỏi một điều gì về một thời chiến cuộc, ông ta đều tảng lờ sang một câu chuyện khác...
Ngô Quang Trưởng 
     Trong số tướng lĩnh của quân đội Sài Gòn trước năm 1975, trung tướng Ngô Quang Trưởng được xem như là một ông tướng cứng rắn, kỷ luật và khá "sạch sẽ", tận tụy với chức phận của một quân nhân. Ông ta từng là cứu cánh của Tổng thống chế độ Việt Nam cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu khi Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị-Thiên của ta nổ súng tấn công và làm chủ các cụm cứ điểm của ngụy ở vùng giới tuyến Quảng Trị. Tuy nhiên, trước những đòn tấn công như vũ bão của Quân giải phóng, Ngô Quang Trưởng đã không thể cầm cự mà phải tháo chạy cùng đoàn quân thất trận của mình để tìm đường di tản về Sài Gòn, rồi sau đó, tiếp tục những tháng ngày lưu vong trong nỗi cô đơn cay đắng nơi đất khách quê người cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22/1/2007.
Chặng đường "Thành tích " binh nghiệp
Ngô Quang Trưởng sinh năm 1929 tại Kiến Hòa, một vùng đất thuộc vùng châu thổ sông Mê Kông, đồng bằng sông Cửu Long trong một gia đình điền chủ, có người anh trai là một tay buôn bán phụ tùng ôtô có tiếng ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Mỹ Tho, Ngô Quang Trưởng theo học Khóa 4 Liên trường võ khoa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ra trường năm 1954 với cấp bậc thiếu úy, ông ta được điều chuyển ra miền Bắc tăng cường cho Tiểu đoàn 5 nhảy dù đang tham chiến tại mặt trận Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, khi tân thiếu úy Ngô Quang Trưởng có mặt ở đơn vị thì cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã kết thúc. Quay về miền Nam với "chiến tích" thoát chết ở Điện Biên Phủ, ông ta được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn 5 nhảy dù.
Tháng 5/1955, Ngô Quang Trưởng tham gia cuộc tiễu trừ quân phiến loạn Bình Xuyên. Sau khi chiến dịch tiễu trừ này kết thúc, viên chỉ huy lực lượng lính dù là Nguyễn Chánh Thi được Ngô Đình Diệm ưu ái gắn trên vai chiếc lon trung tá, còn Đại đội trưởng Đại đội 1 Ngô Quang Trưởng thì được gắn lon trung úy một cách khá dễ dàng. Ngày 11/11/1960, Nguyễn Chánh Thi đã cầm đầu một nhóm sĩ quan trẻ làm đảo chính nhằm hạ bệ anh em Diệm-Nhu, nhưng bất thành nên phải đào tẩu sang Nam Vang tị nạn. Sau biến cố này, Ngô Quang Trưởng được gắn lon đại úy. Năm 1964, Trưởng lên thiếu tá và được cử giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 nhảy dù.
Năm 1965, Ngô Quang Trưởng được thăng cấp trung tá và được cử giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn nhảy dù. Một năm sau, Ngô Quang Trưởng lại được thăng cấp đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó Sư đoàn dù, dưới quyền chỉ huy của tướng Dư Quốc Đống.
Năm 1966, sau biến cố bạo động ở miền Trung, Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh, dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân đoàn 1 - Vùng 1 chiến thuật. Năm 1967, những đơn vị như đại đội hắc báo trinh sát, Chi đoàn 2/7 thiết vận xa M113, tăng phái Tiểu đoàn 9 nhảy dù thuộc Sư đoàn 1 bộ binh do Trưởng làm tư lệnh đã có nhiều cuộc giao tranh với Quân giải phóng ở mặt trận Thừa Thiên. Để cổ vũ tinh thần cho viên tư lệnh chiến trường, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các quan thầy người Mỹ đã không ngần ngại gắn lên vai Ngô Quang Trưởng chiếc ga-lông chuẩn tướng. Tháng 5/1968, sau chiến cuộc Mậu Thân, Trưởng được phong hàm thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 4 - Vùng 4 chiến thuật (khu vực miền Tây Nam Bộ). Tháng 11/1970, Ngô Quang Trưởng được thăng quân hàm trung tướng.
Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị-Thiên của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện những đợt tấn công như vũ bão vào các cứ điểm của quân đội VNCH đóng dọc theo vùng giới tuyến, tiêu diệt rất nhiều sinh lực của ngụy binh và cố vấn Mỹ. Nhiều đơn vị lính ngụy ở Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà, Ái Tử và thị xã Quảng Trị bị đánh tan tác, số rã ngũ, số đầu hàng xin được trở về với Cách mạng…
Đầu tháng 5/1972, Ngô Quang Trưởng được Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi từ Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 ở Cần Thơ về Sài Gòn để giao nhiệm vụ mới. Ngay sau đó, Trưởng đã đáp máy bay ra Huế để thay trung tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư lệnh Quân đoàn 1 - Vùng 1 chiến thuật với trách nhiệm nặng nề là "tái chiếm thành cổ Quảng Trị từ tay Cộng sản". Tới Huế, ông ta đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền nhằm trấn an binh tình một cách huê dạng và sặc mùi cải lương rằng: "Đồng bào ở Huế từ nay không cần phải lo sợ nữa, vì quân đội Bắc Việt muốn chiếm được cố đô Huế phải bước qua xác chết của tôi…". Sau khi Trưởng nhậm chức ở Vùng 1 chiến thuật, chính quyền Sài Gòn đã ưu ái tăng phái cho viên tướng này toàn bộ lực lượng tổng trừ bị của quân lực VNCH, đồng thời ông ta còn nhận được sự yểm trợ từ xa của Hạm đội 7 Hoa Kỳ đang đồn trú ngoài Thái Bình Dương.
                    
                                           Quân đội Sài Gòn tháo chạy khỏi vùng 1 chiến thuật.

Từ đầu năm 1975, Quân giải phóng mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ngô Quang Trưởng lúc này với tư cách là Tư lệnh Quân đoàn 1 - Vùng 1 chiến thuật đã liên tiếp nhận được những thông tin bại trận từ tiền phương gọi về. Tình thế của quân đội Sài Gòn ở vùng hỏa tuyến ngày một thêm bi đát, Ngô Quang Trưởng liên tục gọi điện về Sài Gòn để xin Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên cho quân đội tăng phái để hòng cầm cự địa bàn. Tuy nhiên, hỏa lực quá mạnh của Quân giải phóng đã nhanh chóng làm cho đám quan binh ở Vùng 1 chiến thuật sớm tan đàn xẻ nghé. Trưởng phải bay về Đà Nẵng để họp bàn, giao mặt trận Huế lại cho Tư lệnh phó là tướng Lâm Quang Thi chỉ huy. Thế nhưng, với một lực lượng binh sĩ đã hoàn toàn rệu rã về thể xác và suy sụp về tinh thần, đại đa số họ đều có khao khát rã ngũ để cùng với gia đình, vợ con, tìm đường tháo chạy.
Huế giải phóng, Trưởng cùng đám tàn binh của mình co cụm lại ở Đà Nẵng rồi tiếp tục khẩn thiết gọi điện cầu cứu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm bay ra Đà Nẵng để thị sát tình hình. Khi Trần Thiện Khiêm đến Đà Nẵng, Trưởng đã triệu tập một cuộc họp tất cả các vị tư lệnh sư đoàn, tỉnh trưởng, thị trưởng, bộ tham mưu, và các trưởng phòng sở của hành chánh để nghe Trần Thiện Khiêm nói chuyện. Trước khi Trần Thiện Khiêm đến, Trưởng đã có cuộc gặp với những thành viên dự họp với đề nghị phải nói thẳng cho thủ tướng biết thực trạng ở Vùng 1 chiến thuật. Nhưng sau khi nghe  Trần Thiện Khiêm nói chuyện xong, trong phần tranh luận chẳng có ai phát biểu điều gì cả, chỉ duy nhất có đại tá Kỳ - Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị có ý kiến xin thủ tướng cho biết phải làm gì đối với số công chức đã tự ý rời nhiệm sở trong những ngày qua...? Nhưng, Trần Thiện Khiêm cũng không trả lời mà lại lảng sang một chuyện khác…
Ngày 24/3, quân lính Tiểu khu Quảng Tín rút chạy về Đà Nẵng, và cũng ngày này Tiểu khu Quảng Ngãi rút về Chu Lai. Ngày 26/3, Sư đoàn 2 rút ra Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). Thành phố Đà Nẵng lên cơn sốt hỗn loạn và tình trạng cướp bóc đã xảy ra tại kho gạo gần thương cảng Tiên Sa.    
Sáng ngày 28/3, Trưởng cho triệu tập các cấp chỉ huy để tìm biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị cho những đơn vị đang có mặt trong thành phố. Nhưng kế hoạch không thi hành được vì không đủ quân số tác chiến, hầu như thời điểm này một số lớn sĩ quan đã bỏ phòng sở để đi lo chuyện gia đình, chỉ có Văn phòng Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật là còn làm việc, còn tất cả phòng ban trong Bộ tư lệnh hầu như đã hoàn toàn tê liệt.
Sáng sớm ngày 29/3/1975, Quân giải phóng ồ ạt tiến quân vào Đà Nẵng. Những cánh quân của Sư 324B, Sư 325 đang hừng hực khí thế chiến thắng đã làm cho quan quân thuộc nhiều binh chủng của quân đội Sài Gòn kinh hồn bạt vía. Ngô Quang Trưởng cùng một vài thuộc cấp thân tín của ông ta như: đại tá Duệ (Tỉnh trưởng Thừa Thiên), đại tá Kỳ (Tỉnh trưởng Quảng Trị), trung tá Tuân (Phòng 3 - Quân đoàn 1)…í ới gọi nhau tìm đường chạy ra bãi biển để bơi ra tàu HQ 404 tìm đường tháo chạy. Theo lời kể của một viên sĩ quan quân đội Sài Gòn có mặt trên chuyến tàu hôm đó, sau khi được thuộc cấp dìu ra tàu, khi lên được trên tàu, Ngô Quang Trưởng đã ngất lịm đi vì mệt và đói. Khi chiếc tàu này đang trên đường di tản về Sài Gòn, tướng Ngô Quang Trưởng còn nhận được một lệnh khẩn của tổng thống Thiệu chỉ đạo hãy quay lại để "tái chiếm Đà Nẵng", nhưng với một thực tế quá đỗi bẽ bàng, tướng Trưởng đành phải phúc đáp cho Nguyễn Văn Thiệu rằng hiện tại ông ta không thể lấy ai để mà thi hành nhiệm vụ vì lính tráng thì đã mỗi người một nơi, cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát…
Về Sài Gòn, Ngô Quang Trưởng đi thẳng đến Tổng y viện Cộng Hòa để xin nhập viện vì bị khủng hoảng tinh thần. Sau khi ra viện, ông ta được bổ nhiệm vào Bộ Tư lệnh hành quân lưu động ở Bộ Tổng tham mưu. Tại đây, ông ta lại phải chứng kiến một hình ảnh rất đỗi đắng cay khi nhìn thấy những thuộc cấp của mình là phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Tư lệnh hải quân Vùng 1 duyên hải) và chuẩn tướng Nguyễn Văn Khánh (Tư lệnh Sư đoàn 1 không quân) đang ngồi viết tường trình cùng với tướng Lâm Quang Thi đang chịu án quản thúc vì thất trận.
Những ngày cuối tháng 4/1975, một sĩ quan lục quân Mỹ từng làm việc với tướng Trưởng đã đến gặp gia đình ông ta và đề nghị di tản khỏi Sài Gòn trước khi Quân giải phóng từ mọi hướng đổ về làm chủ thành phố. Vợ con Ngô Quang Trưởng theo sự hướng dẫn của viên sĩ quan người Mỹ xuống tàu thủy để ra đi. Riêng Ngô Quang Trưởng, phải đến ngày 30/4/1975, mới được Nguyễn Cao Kỳ lái máy bay để đưa ra Hạm đội 7, rồi từ đó ông ta đến đảo Guam để đoàn tụ gia đình. Tại đây, gia đình Trưởng được đại tá Sauvageot đến để cho biết rằng, tướng Cushman (từng là cố vấn quân sự của Mỹ tại Vùng 4 chiến thuật) cử ông ta đến để đón gia đình Trưởng về cùng sinh sống với gia đình Cushman tại Trường chỉ huy tham mưu Leavenworth. Tại đây, với sự giới thiệu của Cushman, Trưởng và người con trai tên Diệp bắt đầu đi học nghề nông ở một nông trại cho đến lúc chuyển đến định cư tại Falls Church Virginia - miền Đông nước Mỹ.

Gia đình và những năm tháng lưu vong
Chuyện tình duyên của Ngô Quang Trưởng sau này được ông Nguyễn Tường Thiết (là anh họ của vợ ông Trưởng) thuật lại rằng: Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ XX, ở Sài Gòn người ta đã râm ran bàn tán về một chuyện tình tay ba giữa hai sĩ quan trẻ tuổi trong quân lực VNCH. Hai sĩ quan đó, một ở binh chủng không quân, một ở binh chủng nhảy dù, còn người đẹp đã làm cho hai trái tim kia cùng dậy sóng chính là cô con gái lớn của nhà văn Thạch Lam tên là Nguyễn Tường Nhung. Hai quân nhân cùng theo đuổi và yêu một cô gái trong những năm tháng chiến tranh âu cũng là chuyện thường tình. Điều đặc biệt ở đây hai sĩ quan trẻ tuổi này là đôi bạn chơi rất thân với nhau. Trong điều kiện chiến tranh, sống chết đối với những quân nhân tác chiến là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hai người này đã giao ước với nhau trong tình bạn là nếu người nào nằm xuống trước thì người còn lại sẽ nguyện suốt đời chăm sóc cho cô gái kia. Thế rồi, trong một chuyến bay, người sĩ quan không quân kia đã không may bị tử nạn. Từ đó, định mệnh đã đẩy đưa cô con gái lớn của một nhà văn danh tiếng thời Tự Lực Văn Đoàn gắn bó cuộc đời mình với viên sĩ quan của binh chủng nhảy dù có tên là Ngô Quang Trưởng. Ông Trưởng và bà Nhung lấy nhau có 4 người con và sống với nhau cho đến ngày ông Trưởng trút hơi thở cuối cùng lúc 3h sáng ngày 22/1/2007.
Những ngày dài sống lưu vong trên đất Mỹ, Ngô Quang Trưởng không giống những tướng tá của chế độ Sài Gòn trước đây là tham gia vào những cuộc hội họp hay bình luận về sự kiện giải phóng Sài Gòn hay phân tích những nguyên nhân bại trận của họ. Ông ta sống rất lặng lẽ trong nỗi trầm uất cay đắng của một viên tướng thua cuộc. Ai đó có cố gắng gặng hỏi một điều gì về một thời chiến cuộc, ông ta đều tảng lờ sang một câu chuyện khác. Có chăng, Ngô Quang Trưởng cũng chỉ ngậm ngùi bảo rằng "bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí", có nghĩa là ông ta cũng biết rõ thân phận của mình là một viên tướng bại trận thì không thể nói mình anh dũng. Một người phải bỏ xứ sở để ra đi tị nạn thì làm sao gọi là người có mưu lược được…
Ước nguyện cuối cùng của một viên tướng bại trận tha hương là được đưa tro cốt về cùng đất mẹ. Mùa hè năm 2008, bà Nguyễn Tường Nhung cùng những đứa con của mình đã làm theo di nguyện ấy, đưa tro cốt chồng, cha của mình về Việt Nam
                                                                                                Phan Bùi Bảo Thy

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Nỗi nhớ cựu chiến binh ( Nhạc và lời : Đào Hữu Thi ) Biểu diễn Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt nam .


Lời bài hát:Nhớ Cựu chiến binh.
Nhạc và lời: Đào Hữu Thi
Gặp lại nhau đây… 
Những cựu chiến binh,
Tưởng như năm tháng ngày xưa hiện về.
Gặp lại nhau đây…
Ai còn ai mất..
Để lòng tôi xao xuyến bồi hồi.
Ôi những tháng năm mà ta không thể nào quên
Những tháng năm cùng nhau chia bom sẻ đạn.
Ôi thiêng liêng sao thắm nghĩa tình đồng đội.
Gặp nhau hôm nay, Lòng sao bâng khuâng không nói nên lời.

Gặp lại hôm nay
Những cựu chiến binh.
Dù bao năm tháng lòng ta vẹn tình
Gặp lại hôm nay
Ai còn ai mất
Để lòng tôi thương nhớ bồi hồi.
Nay đất nước ta bình yên chan hoà lời ca
Có chúng tôi về đây chung tay dựng xây
Trên mỗi quê hương có dáng hình đồng đội.
Ngày đêm hăng say dựng xây quê hương non nước đẹp giàu

Ôi những tháng năm mà ta không thể nào quên
Những tháng năm cùng nhau chia bom sẻ đạn.
Ôi thiêng liêng sao thắm nghĩa tình đồng đội
Gặp nhau hôm nay, Lòng sao bâng khuâng nỗi nhớ khôn nguôi.

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Trò chuyện với chiếc phong bì .


          ( Sưu tầm  )
- Chào anh Phong Bì! Nhân dịp năm mới, chúc anh an khang thịnh vượng!
- Cám ơn! Rất cám ơn!
- Anh khách khí quá.


- Không, tôi rất xúc động, vì hàng trăm năm nay, từ ngày tôi ra đời, hàng tỷ, hàng tỷ người đã viết lên…mặt tôi những câu chúc như thế và tương tự thế, nhưng họ chỉ dùng mặt tôi để gửi lời chúc người khác, đây là lần đầu tiên có người chúc tôi.
- Hỏi thật anh nhé, khi họ cứ đè… mặt anh ra mà viết như vậy, anh có bực không?
- Ồ, tại sao lại bực? Tôi sinh ra là để người ta viết lên mặt, giống như võ sỹ quyền Anh là để người ta đấm vào mặt. Đó là một nghề.
- Có những người suốt ngày bị chửi vào mặt, họ có thản nhiên coi đó cũng là một nghề như anh không?
- Thực ra những người này đã làm không đúng, không tốt nghề của mình, hay chính xác hơn đã sử dụng nghề nghệp để kiếm chác một cách quá đáng, nên mới bị chửi. Lâu dần họ trở nên thản nhiên trước việc bị thiên hạ chửi vào mặt. Loài người các anh gọi là “chai mặt”. Như vậy, tôi và võ sỹ quyền Anh thản nhiên khi được/ bị người ta viết/ đấm vào mặt là vì chúng tôi có tự trọng nghề nghiệp cao, còn những kẻ thản nhiên khi bị người ta chửi vào mặt là những kẻ không còn chút liêm sỷ nghề nghiệp nào nữa.
- À ra thế! Thế mà có người nói rằng anh chính là người biến chất nhất khi vào kinh tế thị trường?
- Họ nói rằng chúng tôi không chỉ thay đổi về ngoại hình, mà còn thay lòng đổi dạ. Trước đây lòng dạ chúng tôi chỉ đựng thư từ, công văn, nói như một nhạc sỹ là “công văn nhà nước” và “công văn trái tim”. Cả hai đều trong sáng. Còn bây giờ chúng tôi còn đựng tiền, mà tiền thì không “trong sáng” lắm, Họ nói thế, đúng không?
- Đúng thế! Vậy theo anh, người ta nói anh “biến chất” liệu có sai?
- Nên hiểu đơn giản đó chỉ là “bổ sung chức năng nhiệm vụ”. Anh không thấy hiện nay đang có xu hướng đó à? Trong kỹ thuật gọi là tích hợp.
- Nhưng, liệu người ta có thể tích hợp những chức năng trái ngược nhau như vậy vào trong một công cụ được không?
- Đã gọi là công cụ thì tuỳ thuộc vào người sử dụng. Anh không thấy cái miệng của con người đó sao. Nó dùng để ăn, để uống, để nói và hát, rồi để hôn nhau, nhưng nó cũng dùng để cắn xé nhau và lừa lọc nhau. Mà, nguy hiểm nhất là người ta cắn xé, lừa lọc nhau ngay chính khi đang hôn nhau. “Có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ Sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ Có cái môi mỏng hơn lá mía/ Hôn má bên này bật máu má bên kia”. Một nhà thơ đã viết như thế.
- Vậy là đã rõ, đựng tiền hay đựng thư từ đối với anh cũng chỉ là “chức năng nhiệm vụ”. Nhưng, khi mở anh ra để đếm tiền, hay để đọc thư từ, công văn  anh thấy người nhận có gì  khác nhau không?
- Khi nhận thư từ hay công văn giấy tờ, tôi thấy người ta cảm xúc khác nhau theo nội dung của nó.
- Còn với phong bì tiền?
- Thì chỉ có một cảm xúc duy nhất là cảm xúc…tiền!
- Đó là cảm giác của người nhận, còn với người đưa tiền, anh thấy họ thế nào? Có xúc động không?
- Mức độ xúc động tùy thuộc vào sự thành thạo, người ta còn gọi là tính chuyên nghiệp.
- Đưa tiền mà cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp sao?
- Đưa cũng như nhận đều đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Đôi khi còn đòi hỏi trên cả tính chuyên nghiệp, thậm chí được nâng lên hàng nghệ thuật.
- Nhưng, giữa kẻ chuyên nghiệp và “nghiệp dư” trong chuyện này có gì giống nhau không?
- Có một sự giống nhau duy nhất là họ đều ra vẻ xum xoe, trọng vọng người nhận tiền, nhưng thực chất họ đều coi người nhận tiền chả ra gì. Cứ quay lưng xong là họ chửi vào…sau lưng!
- Có người nào vừa là người đưa tiền, vừa là kẻ nhận tiền không?
- Tuyệt đại bộ phận là như vậy. Họ nhận từ người này, nhưng lại đưa cho người khác.
- Giống như chu chuyển văn bản à?
- Có một điểm khác. Chu chuyển văn bản thì theo nhiều chiều, còn tiền thì chỉ chảy theo một hướng duy nhất, là: lên trên!
- Sao lại có câu “nước chảy chỗ trũng”?
- Đó cũng chỉ là một cách nói. Nhưng, thực ra cái này giống như mỏ dầu, rốn dầu thường nằm chỗ cao nhất.
- Ra thế! Xin hỏi anh câu cuối: anh có nghĩ một lúc nào đó anh lại trở lại như xưa, có nghĩa là chỉ còn đựng công văn, thư từ nữa mà thôi?
- “Bao giờ cho đến ngày… xưa” chỉ là một sự mong đợi hão huyền. Nhưng tôi tin có ngày họ không dùng tôi để đựng tiền nữa.
- Khi đó đạo đức xã hội chắc trong sạch lắm?
- Không phải thế! Khi đó kinh tế đã phát triển đến mức gọi là “non- cash”, nghĩa là “không dùng tiền mặt”!
- Ồ! À!

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Trường Sa - Biển đảo mến yêu


"Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra " Câu thơ được nhắc lại nhiều lần trong lời dẫn của chương trình truyền hình trực tiếp lúc 20g ngày 2-9 năm nay (dài 90 phút, kết hợp giữa VTV6 và VOV - Đài Tiếng nói VN):

                   
Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa...
           

Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dường như đã nói lên được tâm thế của mọi con dân đất Việt trước đây, hiện tại và có lẽ cả mai sau sẽ luôn như thế khi nghĩ về Trường Sa, nghĩ về những con người đang ngày đêm thức canh phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc.
Trong chương trình trực tiếp này, khán thính giả cả nước sẽ được theo dõi một phóng sự dài 20 phút về một sự kiện đặc biệt, một hình ảnh đẹp đem lại diện mạo mới mẻ cho Trường Sa. Đó là lá cờ bằng gốm lớn nhất VN (12,40m x 25m, diện tích 310m2, nặng 3,5 tấn, được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic đảm bảo chịu được nắng mưa, độ mặn của muối biển và không bay màu) dát trên nóc tòa nhà hội trường ở trung tâm đảo Trường Sa Lớn.
           
Một phóng sự khá đặc biệt cũng sẽ được phát sóng trong chương trình, dành thời lượng để nói về những hoạt động của các nhà báo ở Trường Sa, những phóng sự truyền hình được phát sóng như Thông điệp Trường Sa, Cảm xúc Trường Sa, Trải nghiệm lính Trường Sa cùng lựa chọn của tôi... của Đài truyền hình VN đã khắc họa rõ nét và sinh động chân dung những con người kiên cường trên vùng đảo này.
Phóng sự cũng nhắc đến hoạt động giàu ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ: Góp đá xây Trường Sa đã thu hút sự quan tâm góp sức của cả nước để thu về trên 44 tỉ đồng xây dựng đảo. Bằng ngòi bút, sự chân thành, tình yêu với vùng biển đảo mến yêu... các nhà báo đã khắc sâu hơn hình ảnh Trường Sa trong tim mỗi người dân VN, đồng thời tình yêu ấy cũng được truyền tải giản dị mà sâu sắc đến những con người nơi đây.

                                           
Quốc kỳ bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Lá cờ nước được thực hiện trên mái tòa nhà hội trường ngay vị trí trung tâm đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa, thấy được ảnh từ vệ tinh hay khi tìm kiếm với công cụ Google Earth. Kích thước lá cờ 12,40mx25m, diện tích 310m2, nặng 3,5 tấn, được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic (3cmx3cm/viên) phủ men nặng lửa màu đỏ tươi chịu được nắng mưa, ảnh hưởng của muối biển mà không bị bay màu.



Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tượng có chất liệu bằng đá, cao 11 mét, đặt trong khuôn viên rộng trên 600m2, hài hòa với nhiều rặng Phong Ba được trồng trên đảo SONG TỬ TÂY ( Trường sa )

                                                                                                                                     

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

“Đường lưỡi bò” - Cái lưỡi không xương .


Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố với thế giới rằng chủ quyền của họ tại biển Đông là điều không thể tranh cãi. Dùng đường lưỡi bò để xác định biên giới quốc gia rồi dựa vào đó mà tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc đã làm là điều chưa từng có trong lịch sử bang giao các nước trên thế giới. Công pháp quốc tế cũng chưa hề có tiền lệ nào như vậy.
               
    Bản đồ Đông Dương của Đa-vin-len (Davinlleen) vẽ năm 1735
đã thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam
Cái tối thiểu nhất của đường biên giới quốc gia phải có, trên đất liền, là các cột mốc biên giới, trên biển, là các tọa độ được xác định theo kinh tuyến, vĩ tuyến. "Đường lưỡi bò” tuyệt nhiên không có những điều tối thiểu ấy. Hơn nữa để chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi thì còn phải có ba yếu tố: 1) chiếm hữu về mặt lịch sử; 2) chiếm hữu về mặt thực tế và 3) chiếm hữu về mặt pháp lý.
Về mặt lịch sử, từ đời nhà Thương, nhà Hạ thời cổ đại, rồi đến các triều đại Tần, Hán, Sở, Tấn, thời trung đại, tiếp đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh, thời cận đại, trong nhiều ngàn năm lịch sử của mình, Trung Quốc không hề có tài liệu nào chứng minh Biển Đông thuộc lãnh thổ của họ. Cho đến đầu thế kỷ XX, bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được các giáo sĩ phương Tây vẽ theo bút pháp cận đại và xuất bản năm 1904 dười triều nhà Thanh, có ghi nhận đất cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam mà không hề có điểm vẽ nào về những quần đảo nằm ở Biển Đông. Mãi cho đến năm 1947, chính quyền Quốc Dân Đảng mới phác họa đường lưỡi bò gồm 11 khúc, sau bỏ đi 2 khúc, để khẳng định đường biên giới trên biển của họ. Vì không có bất cứ căn cứ nào khác, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, ra đời từ năm 1949, liền bám vào đấy để tuyên bố quyền chiếm hữu về mặt lịch sử của họ (!)
Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng về quyền chiếm hữu về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gia Long, vua đầu triều Nguyễn (1802-1820) đã cho quân lính và ngư dân ra khai thác đảo Hoàng Sa. Năm 1816, Gia Long đã cho cắm mốc và dựng cờ xác nhận chủ quyền trên đảo. Năm 1883 Việt Nam bị Pháp chiếm làm thuộc địa. Năm 1834, trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã có ghi rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lảnh thổ An-Nam. Bản đồ được các cố đạo người Pháp vẽ có ứng dụng kỷ thuật gần giống như bản đồ hiện đại, có ghi rõ kinh tuyến, vĩ tuyến. Năm 1899 Pháp xây một ngọn hải đăng trên quần đảo này. Năm 1930 tàu Ma-li-xi-ơ (Malicieuse) đến dựng cờ chủ quyền. Năm, 1938, Pháp dựng bia chủ quyền trên đảo với những giòng chữ : "Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam”. (République Francaise - Empire d’Annam). Sau năm 1954, Việt Nam Cộng hòa đưa quân đến đồn trú thường xuyên trên đảo Hoàng Sa. Như vậy bắt đầu từ thế kỷ XIX, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều thuộc quyền chiếm hữu về mặt lịch sử của Việt Nam.
Về quyền chiếm hữu trên thực tế, quyền chiếm hữu thực tế được công nhận khi vùng đất, vùng đảo đã có hoặc cư dân đến sinh cơ, lập nghiệp, có quân đội đồn trú, có bộ máy quản lý và đã được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước có chủ quyền. Vùng đất hay quần đảo bị nước ngoài dùng vũ lực để chiếm đóng, dù lâu bao nhiêu cũng gọi là vùng đất bị chiếm đóng. Nước dùng vũ lực để chiếm đóng đất thuộc chủ quyền của nước khác không được gọi đó là đất chiếm hữu về mặt thực tế. Vùng đất cao nguyên Gô-lan, tuy bị I-sra-en dùng vũ lực chiếm đoạt của Xy-ri đã 5 thập kỷ nay, mãi sau này vẫn là đất thuộc quyền chiếm hữu về mặt lịch sử của Xy-ri. Với I-sra-en, đó là vùng đất chiếm đóng. Dẫu sớm hay muộn, I-sra-en phải trả lại cao nguyên Gô lan cho Xy-ri. Của Xê-da phải trả lại cho Xê- da.
Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cũng có đầy đủ bằng chứng về quyền chiếm hữu trên thực tế từ đầu thế kỷ XIX. Tháng 01 năm 1974, lợi dụng lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang lâm vào tình trạng sắp cáo chung, lợi dụng lúc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang dồn sức cho công cuộc giải phóng đất nước, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa hạm đội đến đánh chiếm ba đảo Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó Trung Quốc lại xua quân chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền quản lý của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo công pháp quốc tế, đó là những vùng đất bị chiếm đóng bằng vũ lực. Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có bất cứ căn cứ nào để coi đó là vùng đất đã được chiếm hữu trên thực tế. Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là đất thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Về quyền chiếm hữu về mặt pháp lý, quyền chiếm hữu về mặt pháp lý trước hết là quyền xuất phát từ các văn bản pháp lý do các nước có liên quan lập ra khi kết thúc chiến tranh, hoặc do các hợp đồng mua bán giữa các quốc gia có liên quan, hoặc do các văn bản của công pháp quốc tế quy định mà các nước có liên quan đã tham gia.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định phạm vi, ranh giới đường cơ sở, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, và vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa. Trung Quốc đã gia nhập và ký Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Về mặt pháp lý, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có quyền đòi hỏi chủ quyền các vùng đất, vùng biển nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế, của nước họ. Họ không có quyền đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng đất, các quần đảo thuộc phạm vi lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác đã được xác định theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.
Tổng quát lại, theo 4 tiêu chí đã nêu : 1) Quyền chiếm hữu về mặt lịch sử, 2) Quyền chiếm hữu về mặt thực tế, 3) Quyền chiếm hữu về mặt pháp lý và 4) Đường biên giới quốc gia phải có tọa độ rỏ ràng, thì Trung Quốc không có bất cứ căn cứ nào để chứng minh cho chủ quyền của họ đối với các quần đảo trên Biển Đông và các vùng đất, vùng biển thuộc phạm vi lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước trong khu vực.
Cách hành xử duy nhất hiện nay của Trung Quốc để khẳng định cho chủ quyền không tranh cãi là họ đã huy động nhiều tàu chiến, tàu hải giám và tàu đánh cá ngang nhiên xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực. Một mặt họ đòi hỏi các nước khác phải kiềm chế, không gây căng thẳng, nhưng họ lại ngang nhiên xua tàu làm chìm thuyền, bắt giam, đánh đập, bắt ngư dân các nước phải nộp phạt khi họ đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước họ. Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là bộ máy chính quyền của khu vực Tam Sa và đưa quân đến đồn trú tại các đảo mà họ đã chiếm đóng. Họ tuyên bố sẽ trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho hàng chục vạn ngư dân Trung Quốc. Họ tin rằng với lực lượng ngư dân đông đảo được trang bị vũ khí, họ đủ sức đè bẹp các lực lượng vũ trang của các nước trong vùng. Họ đòi hỏi không được quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Họ đòi hỏi các nước ngoài không được can dự vào các cuộc tranh chấp giữa họ với các nước ASEAN. Thật là ngang ngược. Ngang ngược đến mức họ không thèm đếm xỉa đến những quy tắc tối thiểu về luật pháp và tập tục trong công pháp quốc tế. Chính giới Trung Quốc nghĩ rằng, ngày nay họ đã có cái gậy to cầm sẳn trong tay thì họ mặc sức làm mưa làm gió đối với những nước nhỏ và yếu hơn.
Người Trung Quốc quên rằng nay đã là thế kỷ XXI rồi. Trung Quốc không thể có sức mạnh nào để biến Biển Đông - con đường giao thông huyết mạch của quốc tế, nơi có lưu lượng vận chuyển hàng hóa trị giá đến 3.000 tỷ USD/ năm - thành cái ao nhà của họ được. Ngang ngược trong vùng Biển Đông, Trung Quốc tự đặt mình vào thế đối đầu với công lý thời đại. Hành vi hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông không chỉ xâm phạm đến chủ quyền các nước thuộc khối ASEAN mà còn đe dọa đến quyền lợi thiết thân của nhiều nước trên thế giới. Trong thời đại văn minh, Trung Quốc không thể dùng đường lưỡi bò như cái lưỡi không xương ấy để xử sự như kiểu luật rừng. Vì khát vọng làm bá chủ thế giới Trung Quốc đã mất hết tỉnh táo, đã không tự kiểm soát được bản thân. Một mình chống lại công lý của thời đại, ngang nhiên thách đố với quyền lợi chính đáng của nhiều nước trên thế giới mà không hề nghĩ đến hậu họa. Tiếc thay cho Trung Quốc, ở nước họ rất hiếm những học giả như Lý Lệnh Hoa, người có tầm nhìn xa thấy rộng, thấy trước hậu họa khôn lường nếu cứ nhắm mắt làm càn./.

Luật sư Lê Đức Tiết