Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

HỊCH TƯỚNG SĨ (bản chế)
Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.
Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Scotlen dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.
Thật khác nào:
Đem cổ tích mà biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.
Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời, thú quý
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi thì ta cho A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm phong bao tiền thưởng.
Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?
Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.
Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm?
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ?
Thật là:
“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!
Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!
Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.
Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chắc cả trung đoàn
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu cũng dăm đại đội
Được thế thì:
Kiếm giải “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.
Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
Cho nên mới thảo hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!
Nguồn itenet

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Cơn bão.

Những năm nhà nào cũng thiếu người
Làng mạc ruộng vườn vắng bặt con trai
Chúng tôi đi
Cơn bão dữ thổi hai đầu đất nước
Tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất
Đều trôi qua trong bụi xám chiến hào
Triệu con người lên sống rừng sâu
Khoét núi làm đường, chặt cây nhóm lửa
Võng bạt, lán tranh, đất bùn nhầy nhụa
Những đường dây, binh trạm, những sư đoàn
Những sinh viên đi lái xe tăng
Những dân chài trở thành pháo thủ
Kế toán, thợ nề, nông trường viên, thợ mỏ
Thành lính gỡ mìn và xung kích đâm lê
Chúng tôi đào hào bám giữ đảo xa
Gánh lên núi ngàn cân pháo nặng
Chúng tôi lao máy bay mình vào máy bay của giặc
Chúng tôi bắc cầu trong chớp lửa bom bi
Những đội quân hốc hác lầm lì
Xông lên đồi cao, lăn, toài, ném, bắn
Nấp đỡ, gào la, mặt mày cháy xém
Những vết thương rách nát máu bầm đen…
Sự tàn khốc tận cùng
Sức dẻo dai kỳ lạ
Cơn bão lớn mười mấy năm chưa dứt
Bao lớp người vẫn nườm nượp ra đi
Từ đâu từ bao giờ
Năm 60 năm 54?
Từ Hướng Điền từ Phú Lợi?
Hay từ lúc ngăn đôi dòng Bến Hải
Viên tướng Mỹ đầu tiên xách cặp tới Đông dương?
Hay từ lâu hơn, những thế kỷ xa xăm
Những đạo quân Nam Hán, Nguyên Mông
Những ranh giới phân tranh Trịnh, Nguyễn?
Chưa bao giờ đất tan hoang đến thế
Những chuyến tàu chở đầy lính Mỹ
Quần áo mới tinh, súng đạn đầy người
Bom lân tinh và thuốc giang mai
Cánh trực thăng ầm ầm quạt gió
Ụ cát ngổn ngang, rào gai tua tủa
Dải đất hẹp, mùa hè gió lửa
Giành giật nhau từng viên gạch chân tường
Một bên là con trai Thanh Hóa, Thái Bình
Một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết
Những sinh viên Sài Gòn
Những sĩ quan Đà Lạt
Những đội quân mang tên dã thú
Những tiểu đoàn không còn sót một ai
Những mô đất con đổi bằng mạng trăm người
Bằng pháo kích, lưỡi lê, bằng chân tay vật lộn
Chúng tôi nằm dưới đường hào ngập nước
Xa mọi người, xa mẹ, xa quê hương
Ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh
Với mũi lê, với phát đạn đầu tiên
Chúng tôi đã không còn trẻ nữa
Từ bao giờ và còn bao giờ nữa
Những quy luật tàn khốc của loài người
Lý lẽ của súng đạn
Những mục đích tốt đẹp
Những mưu đồ xấu xa
Những ý tưởng quá đà
Những ngẫu nhiên tai ác
Cơn bão lớn, lấp vết thương của đất
Chúng tôi là triệu viên đá trên đê
Mai đây bão táp lùi xa
Những lớp người sau bình tâm nhìn lại
Gọi chúng tôi là những người vĩ đại
Hay chỉ là những thế hệ đáng thương?
Sẽ xuýt xoa thán phục biết ơn
Hay kinh hãi trước bạo tàn bắn giết?
Tất cả chẳng có gì nói được
Chẳng có gì gần gũi với chúng tôi
Bằng một chiếc thìa gọt bởi cành cây
Một chiếc ca thô sơ bằng vỏ đạn
Chúng tôi làm dưới chiến hào bụi bậm
Một dòng thư viết vội gửi mẹ già
Một giấc mơ chợp ngủ thấy quê nhà
Một tình yêu chúng tôi chưa được sống
Một khu vườn chúng tôi chẳng kịp qua…
Bao tháng năm vô tận sẽ phai nhòa
Đất đổi khác, mọi người rồi cũng khác
Hãy quên chúng tôi đi
Như quên quá khứ nặng nề
Hãy quên chúng tôi đi
Để chúng tôi được yên lặng trở về
Để chúng tôi được hóa thành bụi đất
Thành mưa rào trên xứ sở yêu thương.
        Thơ :Lưu quang Vũ.

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

" Sinh hoạt"



Có một chị cán bộ
Hội phụ nữ, lâu nay
Sính dùng từ "sinh hoạt"
Trong giao tiếp hàng ngày.

Hôm ấy đoàn cán bộ
Trên tỉnh và trung ương
Về làm việc với huyện
Và đi các địa phương.

Lúc xong xuôi công việc
Thì trời lại muốn mưa
Chị này được giao việc
Giữ đoàn lại ăn trưa.

Hai tay xoa, chị nói :
- Dạ, em mời các anh
Cùng với lại các chị
Lãnh đạo các ban ngành

Bớt thời gian vàng ngọc
Ở lại "sinh hoạt" trưa
Cùng chúng em một bữa
Gọi là cơm rau dưa !

Đợi đến khi cơm nước
Được dọn ra xong xuôi
Chị ta lại tiếp tục
Lên tiếng mời mọi người :

- Mời các anh lãnh đạo
Trên tỉnh và trung ương
Cùng với chị nhà báo
"Sinh hoat" ở trên giường.

Còn các anh ở huyện
Và chị em chúng tôi
Thì "sinh hoạt" dưới đất,
Nào ! ta bắt đầu thôi !

Chép  từ Facebook Nhạc pham

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Tự ái dân tộc và áp lực vượt vũ môn.



Tự ái dân tộc
Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao. Muốn vượt lên phía trước (để thành XHCN) thì trước nhất phải bằng người ta, lúc đầu là bằng mức trung bình, tiếp theo là bằng mức tiên tiến.
Nói cách khác, về kinh tế, trước mắt phải vượt qua thu nhập trung bình (hiện nay thế giới xác định khoảng hơn 12.000 USD/người/năm) và tiếp theo là vươn lên trong thu nhập cao để bằng (khoảng 40.000 USD) rồi vượt hơn các nước phát triển. Hiện nay một số nước phát triển đã đạt trên 60.000 USD/người/năm. Nước ta mới ở mức 2000USD/người/năm.
Để chống tụt hậu thì việc đầu tiên là phải thấy mình tụt hậu, biết mình tụt hậu, công khai sự tụt hậu để toàn Đảng, toàn dân biết. Cần thường xuyên so sánh mình với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới (chứ không phải chỉ so với chính mình ngày xưa). Không ngại nhân dân biết và cũng không được giấu nhân dân việc nước ta bị tụt hậu. Đảng và Nhà nước dám công khai sự tụt hậu của nước ta tức là Đảng mạnh, Nhà nước mạnh. Mạnh và có trách nhiệm. Đó là một Đảng chắc chắn như cách nói của Hồ Chí Minh. Công khai để chạm vào tự ái của dân tộc. Từ đó mà phát động tinh thần dân tộc – một sức mạnh vô cùng lớn lao và ẩn chứa.
Trong chiến tranh ta đã chiến thắng bằng tinh thần dân tộc và văn hóa giữ nước. Nay xây dựng hòa bình cũng phải nghĩ đến sự tiến lên với tinh thần dân tộc quật cường (không duy ý chí) và văn hóa phát triển. Thật sự khuyến khích mọi người tham gia ý kiến thẳng thắn về nguyên nhân tụt hậu, giải pháp để đổi mới và phát triển, đổi mới cho phát triển.
Trong đổi mới tư duy, không nặng nề việc phân chia thế giới thành hai nửa TBCN và XHCN, đối lập nhau, khác nhau căn bản, làm cái gì giống như các nước tư bản thì coi là “chệch hướng”, là “xét lại”, xóa nhòa ranh giới ấy là mất lập trường, là mơ hồ trong cách mạng. Tư duy ấy rất không đúng, đã xưa cũ, sai lầm và lạc hậu. Nó siêu hình và duy tâm, không phải biện chứng và duy vật, không đúng với cách tư duy của C.Mác, cũng không đúng với thế giới hội nhập mà Việt Nam đã và đang tham gia tích cực để trở thành của nó.
Việc phân chia quá trình phát triển của lịch sử nhân loại thành nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, TBCN và XHCN là cách phân chia theo hình thái kinh tế - xã hội. Trong đó, cho đến nay, chế độ XHCN vẫn chưa đạt được trong hiện thực, mà còn trong dự báo tương lai.
Từng sai lầm khi lập “hàng rào”, ngăn “chiến tuyến”
CNTB thân hữu, Đổi mới, Tự do ngôn luận, Phát triển bền vững, cơ chế chất lượng cao, tăng trưởng
Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Thực tiễn từ sau cách mạng tháng 10 Nga, năm 1917, cách phân chia nói trên (TBCN và XHCN) chủ yếu nặng về chính trị. “Loài người” có một thời kỳ khá dài đã tư duy và ứng xử rất sai lầm trong việc lập ra “hàng rào”, “chiến tuyến” ngăn đôi thế giới, trên cơ sở các hệ tư tưởng khác nhau, đằng sau “hàng rào” ấy thực chất là sự đối nghịch của hai cường quốc là Liên Xô và Mỹ, gây ra thù địch, đe dọa và chiến tranh, chạy đua vũ trang làm ra rất nhiều loại vũ khí có đủ khả năng giết cả nhân loại, kể cả bên này và bên kia đều phạm những sai lầm về tư tưởng và hành động. Thực tiễn đã cho thấy cuối cùng cũng phải hội nhập, cũng phải coi nhau là đối tác chiến lược đấy thôi.
Ngày nay, đồng thời với việc phân chia theo hình thái kinh tế - xã hội để tiếp tục nghiên cứu, chúng ta có thể và nên phân chia thế giới theo trình độ phát triển thành các loại nước: chưa phát triển, đang phát triển, phát triển và phát triển cao. Cách phân chia này sẽ có nhiều ý nghĩa trong chỉ đạo công việc thực tế. Trong đó, nước nào và khi nào đạt trình độ phát triển cao thì đó là nước XHCN.
Cho đến nay, như đã nói, CNXH chưa có trong hiện thực. Các nước tư bản phát triển là các nước gần nhất với CNXH. Còn nước ta đang ở giai đoạn đầu của nhóm thứ hai (các nước đang phát triển), còn rất xa để có thể đến được XHCN. Các nước tư bản phát triển dù ta vẫn gọi họ là tư bản (mà tư bản cũng không phải là xấu!) nhưng họ đã phát triển khác xa họ trước kia, họ không còn là họ như thời C.Mác đang sống.
Thậm chí chính họ (chứ không phải các nước XHCN) đang chứng minh trên thực tế những dự báo của C.Mác về xã hội tương lai [Tôi nói dự báo khoa học chứ không phải các ý kiến tư biện]. Thu nhập và phúc lợi xã hội cao hơn chúng ta rất nhiều lần. Vấn đề con người ngày càng chiếm vị trí trung tâm. Quyền con người được bảo đảm. Sở hữu xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trong các hình thức kinh tế cổ phần, kinh tế hợp tác và các tổ chức phi lợi nhuận trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sự xuất hiện của sở hữu xã hội mặc dù có vai trò quan trọng của cơ chế quản lý do nhà nước ban hành, nhưng chủ yếu vẫn là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển của kinh tế tư nhân, đến lúc nó tự vượt qua chính nó, vượt ra khỏi ranh giới của nó để thành sở hữu xã hội (trên cơ sở vẫn tôn trọng kinh tế tư nhân, không phủ nhận kinh tế tư nhân). Nhờ tự do cạnh tranh và chính các nhà tư bản cần phải có thị trường phát triển, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng với kiên trì đấu tranh xã hội, các nước tư bản đã thực hiện một quá trình dân chủ hóa, chuyển quyền lực từ tay các tập đoàn tư bản lớn (nhất là tư bản tài chính) về tay của đa số nhân dân.
Nói cách khác, các nước tư bản phát triển đang XHCN hóa, chính họ đang chứng minh tính “tất yếu” trong quá trình phát triển, còn các nước gọi là XHCN thì chưa hiểu hết về mình.
Không có tự do sẽ không có bền vững
Để có thể phát triển bền vững trên đường dài, vươn tới đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tự do tư tưởng. Và song song với tự do tư tưởng là tự do ngôn luận, tự do học thuật.
Cũng có không ít ý kiến thắc mắc không rõ tại sao không phải là các giải pháp kinh tế mà tự do tư tưởng mới là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất đối với sự phát triển? Đó là điều chắc chắn! Bởi lẽ sức mạnh quan trọng nhất của một dân tộc là sức mạnh trí tuệ; phát triển là kết quả của sáng tạo – của hoạt động trí tuệ. Và trí tuệ của một dân tộc, của một Đảng chân chính chỉ có thể ngày càng giàu có và phong phú hơn lên nhờ quá trình tiếp cận liên tục, thường xuyên với các chân lý. Mà con đường đi đến chân lý (trong khoa học xã hội) chủ yếu là thông qua trao đổi, tiếp biến, thử nghiệm, tranh luận, phản biện và đối thoại bình đẳng, dân chủ giữa các ý kiến khác nhau; chứ không phải chân lý đã luôn có sẵn rồi, trong sách vở, do ai đó đã nghĩ ra tất cả rồi hoặc đã độc quyền nắm giữ và áp đặt, người khác không được quyền nghĩ khác.
Không có tự do tư tưởng cũng có nghĩa là chưa có con đường tiếp cận chân lý để nhanh chóng trưởng thành về “duy lý” mà còn dừng lại phổ biến trong “duy cảm”.
Thực tiễn của thế giới từ trước đến nay đã cho thấy, chưa có một nước nào không có tự do tư tưởng mà trở thành quốc gia phát triển. Ngày xưa Châu Á đã từng có thời kỳ đạt bước tiến đáng kể trong nền văn minh nhân loại, trong khi Châu Âu vẫn còn trong đêm dài lạc hậu bởi chế độ thần quyền. Vậy mà sau đó Châu Âu đã tiến vượt lên, bỏ Châu Á lại phía sau, nhờ các cuộc khai sáng và phục hưng đã khai phóng tư tưởng, mở đường cho tự do cá nhân và tiến bộ về dân chủ xã hội.
Tất nhiên, để phát triển được, không chỉ có tự do tư tưởng mà còn các vấn đề về cơ chế, thể chế, trình độ và năng lực quản trị quốc gia… nữa. Tuy nhiên, tự do tư tưởng vẫn là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất, mà nếu không có nó thì chắc chắn dân tộc ấy sẽ tụt hậu về tư duy, từ đó mà dẫn đến tụt hậu toàn diện. Chính tự do tư tưởng sẽ giúp cho lãnh đạo và cộng đồng tiếp cận đúng hơn với chân lý, lựa chọn những quyết định đúng nhất có thể, và nếu sai thì điều chỉnh nhanh nhất; đồng thời thông qua đó mà nhanh chóng trưởng thành về duy lý.
Mới sẽ có sức sống, cũ sẽ mòn
Lâu nay, Đảng và Nhà nước ta đã không ít lần ghi vào văn bản về sự cần thiết của tự do tư tưởng. Trong thực tế xã hội cũng đã có nhiều tiến bộ so với vài ba chục năm trước. Tuy nhiên vẫn là rất chưa đủ! Cần phải tiếp tục giải quyết vấn đề nhận thức và điều chỉnh bổ sung, đổi mới các quy định pháp lý về vấn đề này, kể cả việc xem lại các điều luật về tội tuyên truyền chống nhà nước, sao cho nước ta có được một môi trường văn minh, lành mạnh về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, không để ai có thể lợi dụng những điểm chưa rõ để quy chụp, quy tội, gán tội một cách tùy tiện cho người khác, hoặc bằng hành vi bạo lực chống lại nhà nước của dân, hoặc lợi dụng tự do để bịa đặt vu cáo các tổ chức và cá nhân, xúc phạm và xâm phạm tự do của người khác.
Tiếp theo tự do tư tưởng, và nhờ tự do tư tưởng, cộng đồng nhân dân tiếp cận dễ dàng hơn với tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, cả cổ điển và hiện đại. Các giá trị ấy được chắc lọc từ trong đa dạng văn hóa và trở thành nền tảng cho sự phát triển, trước tiên là nền tảng tinh thần.
Trong sự đa dạng văn hóa ấy, có phần thuộc tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh, C.Mác và Lê Nin… Đó là bộ phận rất quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Trên nền tảng văn hóa ấy mà tiến hành đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, chính sách và lựa chọn giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển.
Bản thân Đảng cũng phải mới, không để cho Đảng ta bị cũ. Mới sẽ có sức sống. Cũ sẽ không còn hấp dẫn. Đảng đổi mới để đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, tham gia tích cực việc khai hóa văn minh cho dân tộc, để Việt Nam phù hợp với thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng mà chúng ta không thể đứng ngoài hoặc tự cô lập mình, ngược lại phải là một thành viên chủ động hội nhập, một bộ phận hợp thành của thế giới đó.
Mặt khác, thông qua đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng và thông qua lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ của đất nước mà Đảng thật sự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trong sạch và vững mạnh hơn./.
Vũ Ngọc Hoàng

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Chủ quyền quốc gia có còn toàn vẹn không?

Đại biểu Lê Văn Lai (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Lê Văn Lai (Ảnh: Quochoi.vn)
Cuối buổi chiều 1/4, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chỉ “xin” ít phút để đề cập tới vấn đề biển đảo.
“Tôi rất đồng tình, tâm đắc và suy nghĩ nhiều về bài phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nếu như lấy bài phát biểu đó là một tác phẩm thì tôi nguyện là cổ động viên, người tuyên truyền tác phẩm đó đến với người dân, xã hội. Bài phát biểu đó đã nói lên được thái độ của người dân mong mỏi về Biển Đông”- ông Lai nói về cảm xúc của mình.
Rồi chính ông thẳng thắn: “Tôi ngạc nhiên khi trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về Biển Đông đều cho rằng “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Đánh giá “đảm bảo chủ quyền quốc gia” trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm khích, o ép dân, cướp bóc dân, thậm chí là giết dân… Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm tới chủ quyền như là dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”.
Dù đã cố “ép” suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là “đảm bảo chủ quyền quốc gia”, nhưng ông Lai thừa nhận: “Tôi xin nói thật là “ép” không nổi”.
“Không thể nào, những hành vi đó không thể nào được coi là bình thường, bởi nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của chúng ta. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá những hành vi nào, hệ luỵ nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia?. Trong khi đó họ (Trung Quốc - PV) xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm 1 lần: Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa; năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa; năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dày hơn để xâm lấn chủ quyền chúng ta. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng không ?. Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa ? Phù hợp không ?”- ông Lai nói những lời rút ruột gan.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam khẩn thiết: “Tôi tha thiết đề nghị hãy đánh giá đúng. Chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng. Thời trung cổ Galilei trước khi nhận bản án nói trái đất phải quay, nếu bây giờ có một ông Galilei thời đại thì cũng sẽ nói: Biển Đông đã bị xâm phạm, chứ không phải nói đảm bảo chủ quyền. Tất nhiên tôi rất đồng tình, chúng ta không phát động chiến tranh, mà chúng ta yêu chuộng và đấu tranh hoà bình. Người ta có hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia thì chúng ta phải phản đối”.
Ông Lai tâm sự thời gian làm đại biểu Quốc hội “không còn nhiều” nên ông chỉ muốn gửi gắm tới các đại biểu nhiệm kỳ 14 là phải có thái độ đầy đủ, đúng đắn thì mới có kế sách đúng đắn bảo vệ chủ quyền quốc gia.
“Với những đồng chí sắp tới sẽ được bầu vào vị trí lãnh đạo mới, tôi chỉ khuyên 2 điều: Một là giặc nội xâm thì làm sao chống được tham nhũng; hai là giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí; còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu”- ông Lai kết thúc bài phát biểu.
Trước đó, sáng 1/4, đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã thẳng thắn nói trước Quốc hội: “Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức”.
Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TPHCM xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa mong mỏi.                        (Dân trí 1/4/2016)
Thế Kha