Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Tự ái dân tộc và áp lực vượt vũ môn.



Tự ái dân tộc
Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao. Muốn vượt lên phía trước (để thành XHCN) thì trước nhất phải bằng người ta, lúc đầu là bằng mức trung bình, tiếp theo là bằng mức tiên tiến.
Nói cách khác, về kinh tế, trước mắt phải vượt qua thu nhập trung bình (hiện nay thế giới xác định khoảng hơn 12.000 USD/người/năm) và tiếp theo là vươn lên trong thu nhập cao để bằng (khoảng 40.000 USD) rồi vượt hơn các nước phát triển. Hiện nay một số nước phát triển đã đạt trên 60.000 USD/người/năm. Nước ta mới ở mức 2000USD/người/năm.
Để chống tụt hậu thì việc đầu tiên là phải thấy mình tụt hậu, biết mình tụt hậu, công khai sự tụt hậu để toàn Đảng, toàn dân biết. Cần thường xuyên so sánh mình với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới (chứ không phải chỉ so với chính mình ngày xưa). Không ngại nhân dân biết và cũng không được giấu nhân dân việc nước ta bị tụt hậu. Đảng và Nhà nước dám công khai sự tụt hậu của nước ta tức là Đảng mạnh, Nhà nước mạnh. Mạnh và có trách nhiệm. Đó là một Đảng chắc chắn như cách nói của Hồ Chí Minh. Công khai để chạm vào tự ái của dân tộc. Từ đó mà phát động tinh thần dân tộc – một sức mạnh vô cùng lớn lao và ẩn chứa.
Trong chiến tranh ta đã chiến thắng bằng tinh thần dân tộc và văn hóa giữ nước. Nay xây dựng hòa bình cũng phải nghĩ đến sự tiến lên với tinh thần dân tộc quật cường (không duy ý chí) và văn hóa phát triển. Thật sự khuyến khích mọi người tham gia ý kiến thẳng thắn về nguyên nhân tụt hậu, giải pháp để đổi mới và phát triển, đổi mới cho phát triển.
Trong đổi mới tư duy, không nặng nề việc phân chia thế giới thành hai nửa TBCN và XHCN, đối lập nhau, khác nhau căn bản, làm cái gì giống như các nước tư bản thì coi là “chệch hướng”, là “xét lại”, xóa nhòa ranh giới ấy là mất lập trường, là mơ hồ trong cách mạng. Tư duy ấy rất không đúng, đã xưa cũ, sai lầm và lạc hậu. Nó siêu hình và duy tâm, không phải biện chứng và duy vật, không đúng với cách tư duy của C.Mác, cũng không đúng với thế giới hội nhập mà Việt Nam đã và đang tham gia tích cực để trở thành của nó.
Việc phân chia quá trình phát triển của lịch sử nhân loại thành nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, TBCN và XHCN là cách phân chia theo hình thái kinh tế - xã hội. Trong đó, cho đến nay, chế độ XHCN vẫn chưa đạt được trong hiện thực, mà còn trong dự báo tương lai.
Từng sai lầm khi lập “hàng rào”, ngăn “chiến tuyến”
CNTB thân hữu, Đổi mới, Tự do ngôn luận, Phát triển bền vững, cơ chế chất lượng cao, tăng trưởng
Vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay bao gồm trước hết là chống tụt hậu, tiếp theo là vươn lên thành một quốc gia tiên tiến, văn minh, một dân tộc có đẳng cấp cao. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Thực tiễn từ sau cách mạng tháng 10 Nga, năm 1917, cách phân chia nói trên (TBCN và XHCN) chủ yếu nặng về chính trị. “Loài người” có một thời kỳ khá dài đã tư duy và ứng xử rất sai lầm trong việc lập ra “hàng rào”, “chiến tuyến” ngăn đôi thế giới, trên cơ sở các hệ tư tưởng khác nhau, đằng sau “hàng rào” ấy thực chất là sự đối nghịch của hai cường quốc là Liên Xô và Mỹ, gây ra thù địch, đe dọa và chiến tranh, chạy đua vũ trang làm ra rất nhiều loại vũ khí có đủ khả năng giết cả nhân loại, kể cả bên này và bên kia đều phạm những sai lầm về tư tưởng và hành động. Thực tiễn đã cho thấy cuối cùng cũng phải hội nhập, cũng phải coi nhau là đối tác chiến lược đấy thôi.
Ngày nay, đồng thời với việc phân chia theo hình thái kinh tế - xã hội để tiếp tục nghiên cứu, chúng ta có thể và nên phân chia thế giới theo trình độ phát triển thành các loại nước: chưa phát triển, đang phát triển, phát triển và phát triển cao. Cách phân chia này sẽ có nhiều ý nghĩa trong chỉ đạo công việc thực tế. Trong đó, nước nào và khi nào đạt trình độ phát triển cao thì đó là nước XHCN.
Cho đến nay, như đã nói, CNXH chưa có trong hiện thực. Các nước tư bản phát triển là các nước gần nhất với CNXH. Còn nước ta đang ở giai đoạn đầu của nhóm thứ hai (các nước đang phát triển), còn rất xa để có thể đến được XHCN. Các nước tư bản phát triển dù ta vẫn gọi họ là tư bản (mà tư bản cũng không phải là xấu!) nhưng họ đã phát triển khác xa họ trước kia, họ không còn là họ như thời C.Mác đang sống.
Thậm chí chính họ (chứ không phải các nước XHCN) đang chứng minh trên thực tế những dự báo của C.Mác về xã hội tương lai [Tôi nói dự báo khoa học chứ không phải các ý kiến tư biện]. Thu nhập và phúc lợi xã hội cao hơn chúng ta rất nhiều lần. Vấn đề con người ngày càng chiếm vị trí trung tâm. Quyền con người được bảo đảm. Sở hữu xã hội xuất hiện ngày càng nhiều trong các hình thức kinh tế cổ phần, kinh tế hợp tác và các tổ chức phi lợi nhuận trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sự xuất hiện của sở hữu xã hội mặc dù có vai trò quan trọng của cơ chế quản lý do nhà nước ban hành, nhưng chủ yếu vẫn là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển của kinh tế tư nhân, đến lúc nó tự vượt qua chính nó, vượt ra khỏi ranh giới của nó để thành sở hữu xã hội (trên cơ sở vẫn tôn trọng kinh tế tư nhân, không phủ nhận kinh tế tư nhân). Nhờ tự do cạnh tranh và chính các nhà tư bản cần phải có thị trường phát triển, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng với kiên trì đấu tranh xã hội, các nước tư bản đã thực hiện một quá trình dân chủ hóa, chuyển quyền lực từ tay các tập đoàn tư bản lớn (nhất là tư bản tài chính) về tay của đa số nhân dân.
Nói cách khác, các nước tư bản phát triển đang XHCN hóa, chính họ đang chứng minh tính “tất yếu” trong quá trình phát triển, còn các nước gọi là XHCN thì chưa hiểu hết về mình.
Không có tự do sẽ không có bền vững
Để có thể phát triển bền vững trên đường dài, vươn tới đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tự do tư tưởng. Và song song với tự do tư tưởng là tự do ngôn luận, tự do học thuật.
Cũng có không ít ý kiến thắc mắc không rõ tại sao không phải là các giải pháp kinh tế mà tự do tư tưởng mới là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất đối với sự phát triển? Đó là điều chắc chắn! Bởi lẽ sức mạnh quan trọng nhất của một dân tộc là sức mạnh trí tuệ; phát triển là kết quả của sáng tạo – của hoạt động trí tuệ. Và trí tuệ của một dân tộc, của một Đảng chân chính chỉ có thể ngày càng giàu có và phong phú hơn lên nhờ quá trình tiếp cận liên tục, thường xuyên với các chân lý. Mà con đường đi đến chân lý (trong khoa học xã hội) chủ yếu là thông qua trao đổi, tiếp biến, thử nghiệm, tranh luận, phản biện và đối thoại bình đẳng, dân chủ giữa các ý kiến khác nhau; chứ không phải chân lý đã luôn có sẵn rồi, trong sách vở, do ai đó đã nghĩ ra tất cả rồi hoặc đã độc quyền nắm giữ và áp đặt, người khác không được quyền nghĩ khác.
Không có tự do tư tưởng cũng có nghĩa là chưa có con đường tiếp cận chân lý để nhanh chóng trưởng thành về “duy lý” mà còn dừng lại phổ biến trong “duy cảm”.
Thực tiễn của thế giới từ trước đến nay đã cho thấy, chưa có một nước nào không có tự do tư tưởng mà trở thành quốc gia phát triển. Ngày xưa Châu Á đã từng có thời kỳ đạt bước tiến đáng kể trong nền văn minh nhân loại, trong khi Châu Âu vẫn còn trong đêm dài lạc hậu bởi chế độ thần quyền. Vậy mà sau đó Châu Âu đã tiến vượt lên, bỏ Châu Á lại phía sau, nhờ các cuộc khai sáng và phục hưng đã khai phóng tư tưởng, mở đường cho tự do cá nhân và tiến bộ về dân chủ xã hội.
Tất nhiên, để phát triển được, không chỉ có tự do tư tưởng mà còn các vấn đề về cơ chế, thể chế, trình độ và năng lực quản trị quốc gia… nữa. Tuy nhiên, tự do tư tưởng vẫn là giải pháp đầu tiên quan trọng nhất, mà nếu không có nó thì chắc chắn dân tộc ấy sẽ tụt hậu về tư duy, từ đó mà dẫn đến tụt hậu toàn diện. Chính tự do tư tưởng sẽ giúp cho lãnh đạo và cộng đồng tiếp cận đúng hơn với chân lý, lựa chọn những quyết định đúng nhất có thể, và nếu sai thì điều chỉnh nhanh nhất; đồng thời thông qua đó mà nhanh chóng trưởng thành về duy lý.
Mới sẽ có sức sống, cũ sẽ mòn
Lâu nay, Đảng và Nhà nước ta đã không ít lần ghi vào văn bản về sự cần thiết của tự do tư tưởng. Trong thực tế xã hội cũng đã có nhiều tiến bộ so với vài ba chục năm trước. Tuy nhiên vẫn là rất chưa đủ! Cần phải tiếp tục giải quyết vấn đề nhận thức và điều chỉnh bổ sung, đổi mới các quy định pháp lý về vấn đề này, kể cả việc xem lại các điều luật về tội tuyên truyền chống nhà nước, sao cho nước ta có được một môi trường văn minh, lành mạnh về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, không để ai có thể lợi dụng những điểm chưa rõ để quy chụp, quy tội, gán tội một cách tùy tiện cho người khác, hoặc bằng hành vi bạo lực chống lại nhà nước của dân, hoặc lợi dụng tự do để bịa đặt vu cáo các tổ chức và cá nhân, xúc phạm và xâm phạm tự do của người khác.
Tiếp theo tự do tư tưởng, và nhờ tự do tư tưởng, cộng đồng nhân dân tiếp cận dễ dàng hơn với tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, cả cổ điển và hiện đại. Các giá trị ấy được chắc lọc từ trong đa dạng văn hóa và trở thành nền tảng cho sự phát triển, trước tiên là nền tảng tinh thần.
Trong sự đa dạng văn hóa ấy, có phần thuộc tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh, C.Mác và Lê Nin… Đó là bộ phận rất quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Trên nền tảng văn hóa ấy mà tiến hành đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, chính sách và lựa chọn giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển.
Bản thân Đảng cũng phải mới, không để cho Đảng ta bị cũ. Mới sẽ có sức sống. Cũ sẽ không còn hấp dẫn. Đảng đổi mới để đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, tham gia tích cực việc khai hóa văn minh cho dân tộc, để Việt Nam phù hợp với thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng mà chúng ta không thể đứng ngoài hoặc tự cô lập mình, ngược lại phải là một thành viên chủ động hội nhập, một bộ phận hợp thành của thế giới đó.
Mặt khác, thông qua đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng và thông qua lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ của đất nước mà Đảng thật sự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trong sạch và vững mạnh hơn./.
Vũ Ngọc Hoàng

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Chủ quyền quốc gia có còn toàn vẹn không?

Đại biểu Lê Văn Lai (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Lê Văn Lai (Ảnh: Quochoi.vn)
Cuối buổi chiều 1/4, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chỉ “xin” ít phút để đề cập tới vấn đề biển đảo.
“Tôi rất đồng tình, tâm đắc và suy nghĩ nhiều về bài phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nếu như lấy bài phát biểu đó là một tác phẩm thì tôi nguyện là cổ động viên, người tuyên truyền tác phẩm đó đến với người dân, xã hội. Bài phát biểu đó đã nói lên được thái độ của người dân mong mỏi về Biển Đông”- ông Lai nói về cảm xúc của mình.
Rồi chính ông thẳng thắn: “Tôi ngạc nhiên khi trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về Biển Đông đều cho rằng “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Đánh giá “đảm bảo chủ quyền quốc gia” trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm khích, o ép dân, cướp bóc dân, thậm chí là giết dân… Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm tới chủ quyền như là dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”.
Dù đã cố “ép” suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là “đảm bảo chủ quyền quốc gia”, nhưng ông Lai thừa nhận: “Tôi xin nói thật là “ép” không nổi”.
“Không thể nào, những hành vi đó không thể nào được coi là bình thường, bởi nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của chúng ta. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá những hành vi nào, hệ luỵ nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia?. Trong khi đó họ (Trung Quốc - PV) xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm 1 lần: Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa; năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa; năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dày hơn để xâm lấn chủ quyền chúng ta. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng không ?. Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa ? Phù hợp không ?”- ông Lai nói những lời rút ruột gan.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam khẩn thiết: “Tôi tha thiết đề nghị hãy đánh giá đúng. Chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng. Thời trung cổ Galilei trước khi nhận bản án nói trái đất phải quay, nếu bây giờ có một ông Galilei thời đại thì cũng sẽ nói: Biển Đông đã bị xâm phạm, chứ không phải nói đảm bảo chủ quyền. Tất nhiên tôi rất đồng tình, chúng ta không phát động chiến tranh, mà chúng ta yêu chuộng và đấu tranh hoà bình. Người ta có hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia thì chúng ta phải phản đối”.
Ông Lai tâm sự thời gian làm đại biểu Quốc hội “không còn nhiều” nên ông chỉ muốn gửi gắm tới các đại biểu nhiệm kỳ 14 là phải có thái độ đầy đủ, đúng đắn thì mới có kế sách đúng đắn bảo vệ chủ quyền quốc gia.
“Với những đồng chí sắp tới sẽ được bầu vào vị trí lãnh đạo mới, tôi chỉ khuyên 2 điều: Một là giặc nội xâm thì làm sao chống được tham nhũng; hai là giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí; còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu”- ông Lai kết thúc bài phát biểu.
Trước đó, sáng 1/4, đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã thẳng thắn nói trước Quốc hội: “Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân làm mục tiêu cao nhất nghĩa là phải xác định cho đúng giữa ta và bạn - thù. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức”.
Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.
Cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TPHCM xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa mong mỏi.                        (Dân trí 1/4/2016)
Thế Kha

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dốc lòng với Đại hội 12.

Phát biểu thảo luận tại Đại hội Đảng sáng nay, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, ủy viên TƯ khóa 11, nói: Việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mở đầu tham luận bằng những con số được coi là hiện thân sống động cho thành quả không thể phủ nhận của 30 năm Đổi mới: Từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 95% xuống còn dưới 5%. Nhưng thực tế, hiện nay VN vẫn là một nước nghèo.
Bộ trưởng KH&ĐT, bùi quang vinh, đổi mới, đại hội đảng 12
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh: Phạm Hải
So sánh là khập khiễng nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nếu không bằng lòng thỏa mãn thì nhìn vào tương quan nước bên cạnh có cùng điều kiện thấy VN đang đứng trước yêu cầu đổi mới cấp bách hơn bao giờ hết.
Đầu thế kỷ 19, vào năm 1820, VN đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar gộp lại, gấp hơn 1,5 Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.
Hiện nay, theo số liệu 2014, thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới, nghĩa là 2052 USD/gần 12 nghìn USD bình quân thế giới, chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân của Thái Lan.
Trong khi cùng thời gian Đổi mới của VN, Hàn Quốc đã từ nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia có kinh tế phát triển.
Cơ hội vàng dân số sắp hết
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lưu ý VN đang trong cơ hội ngắn ngủi còn lại của dân số vàng và theo tính toán đến năm 2020 là hết, dù cơ quan chức năng tính thêm thêm 5 năm là 2025.
Bên cạnh đó, động lực từ công cuộc đổi mới trước đây mang lại đang dần ít phát huy tác dụng. Dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.
Trong khi, VN đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
“Vì ba lý do nêu trên, VN phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông nói.
'Hầu như chưa làm'
Bộ trưởng Bùi Quang Vĩnh nhớ tại hội trường diễn ra Đại hội 12 cách đây 5 năm, Đại hội 11 thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.
Trong đó, tại  trang 99 nêu rõ, phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và xã hội....
“Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế và đạt một số kết quả nhất định. Nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn”, ông nói.
Ông cho rằng, 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới, đó là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân và đưa đất nước phát  triển
Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.    “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Bộ trưởng KH&ĐT, bùi quang vinh, đổi mới, đại hội đảng 12
Đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Phạm Hải
Bộ trưởng cho rằng, Đảng là người lãnh đạo cao nhất đất nước, cần chủ động nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội toàn quốc quyết định, kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn.
“Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm  gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước, dân tộc”, ông nói.
3 trụ cột quan trọng
Về đổi mới thể chế kinh tế, Bộ trưởng nhấn mạnh 3 trụ cột: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường, thực hiện công bằng và hội nhập xã hội, hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Cụ thể, ông cho rằng, VN phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7%. Có nghĩa là tương đương mức tăng trưởng GDP hàng năm 8%.
Để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15 nghìn đến 18 nghìn USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là tăng năng suất.
Phải tập trung cao độ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, mà chủ yếu chính là doanh nghiệp tư nhân, cả chất lượng và số lượng, coi sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe nền kinh tế.
Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiết kiệm vốn, đất đai, tài nguyên, thông tin.
Ông chỉ ra, năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém trong phát triển khu vực tư nhân do Nhà nước thiếu hiệu quả, do điều kiện lịch sử VN, những thiết chế công bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún, thiếu sự giám sát của người dân.
Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý của VN đã tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị Nhà nước. Nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân biết dân làm dân bàn dân làm kiểm tra là những điều khẳng định rõ trong Hiến pháp nhưng thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị Nhà nước.
Quy trình bầu cử, cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân...
Xuân Linh việtnamnet
Vads.vn

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Đối mới và phát triển ở Việt nam.

Việt Nam còn đúng 30 năm nữa sẽ kỷ niệm 100 năm độc lập. Một tầm nhìn thôi thúc đưa đất nước đi đến dân chủ - phồn vinh - hùng cường là một động lực vô song giúp lãnh đạo và người dân sát cánh phấn đấu, trên dưới một lòng.
Phóng viên VietnamNet vừa có cuộc trò chuyện đầu năm với Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore, về động thái Đổi mới và phát triển ở Việt Nam.
***
Động thái phát triển
Phóng viên : Thưa Tiến sĩ, ông có ý kiến gì về động thái phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây ?
Vũ Minh Khương : Khi phân tích động thái phát triển, người ta nhìn vào ba động lực : nền tảng chiến lược, thiết kế chiến lược, và phối thuộc thực thi. Về nền tảng chiến lược, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong mấy năm gần đây trong nâng cấp động lực then chốt này, đặc biệt là trong ổn định kinh tế vĩ mô, tôn trọng qui luật kinh tế thị trường, quyết liệt hội nhập quốc tế, và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.
Chính nhờ nỗ lực đó mà kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực, cả về mức hấp dẫn quốc tế và tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không thật thuận lợi.
Thế nhưng, về khâu thiết kế chiến lược, Việt Nam vẫn ở mức độ thấp và chưa biến nó thành một động lực mạnh cho phát triển. Các quyết sách vẫn chưa dựa trên những nghiên cứu thấu đáo về nguyên nhân gốc rễ, động lực nền tảng, và tầm nhìn tương lai.
Chẳng hạn, khi du lịch suy giảm thì ta chủ yếu dựa vào các biện pháp sự vụ như giảm phí visa, quản lý giá cả dịch vụ chứ không tìm kiếm phương cách chiến lược để nâng cấp ngành du lịch như một hệ sinh thái sống động, có sức kiến tạo giá trị mới đặc sắc mà Việt Nam rất có tiềm năng.
Trong khâu phối thuộc thực thi, Việt Nam không phải là quá yếu nhưng vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Sự phối thuộc giữa các bộ ngành và giữa các địa phương còn thiếu tính hiệp đồng, cộng hưởng. Nỗ lực thường bị thiên lệch về giải quyết công việc sự vụ và dự án đầu tư hơn là chung sức hiệp đồng kiến tạo một nền kinh tế quốc gia hùng cường.
Động thái phát triển của Việt Nam nhìn qua ba động lực nói trên cho thấy, Việt Nam đang có những chuyển động đáng mừng trong gia cường nền tảng chiến lược cho công cuộc phát triển. Tuy nhiên nếu Việt Nam không mạnh mẽ Đổi mới để nâng cấp năng lực thiết kế chiến lược và phối thuộc thực thi thì nền kinh tế vẫn chưa đủ động lực để cất cánh và phát triển bền vững.
doimoi2
Việt Nam cần mở rộng dân chủ, tạo cơ chế để ai có tấm lòng và khả năng đều có cơ hội góp sức giúp nước.
Bất đẳng thức đổi thay.
Phóng viên : Theo Tiến sĩ, đâu là khâu quyết định thúc đẩy công cuộc Đổi mới hiện nay ở Việt Nam ?
Vũ Minh Khương : Trong khoa học quản lý, tiến trình Đổi mới tùy thuộc vào bất đẳng thức dưới đây :
Áp lực x Tầm nhìn x Tiền đề khuyến tạo > Não trạng cũ + Nhóm lợi ích
Trong đó, vế trái (Áp lực x Tầm nhìn * Tiền đề khuyến tạo) là tích số của ba thành tố "Áp lực", "Tầm nhìn", và "Tiền đề khuyến tạo". Vế phải (Não trạng cũ + Nhóm lợi ích) là tổng của hai thành tố "Não trạng cũ" và "Nhóm lợi ích". Đổi mới sẽ diễn ra nếu vế phải lớn hơn vế trái và đổi thay sẽ càng mạnh mẽ nếu độ chênh lệch này càng lớn.
Thành tố "Áp lực" có từ đòi hỏi và bức xúc của xã hội, kết quả của cách làm cũ, và các mối đe dọa bên ngoài. Thành tố thứ hai là "Tầm nhìn", nó là sự hòa quyện giữa lãnh đạo và người dân về ý chí phát triển quốc gia. Thành tố thứ ba là "Tiền đề khuyến tạo", nó bao gồm từ sự sống động của khu vực kinh tế tư nhân đến độ sâu của hội nhập quốc tế, từ sự trưởng thành của xã hội công dân đến sự thâm nhập rộng rãi của công nghệ thông tin trong mọi ngõ ngách xã hội.
Trong khi đó, vế trái của bất đẳng thức là tổng của "Não trạng cũ"và "Nhóm lợi ích". Thực tế này cho thấy, so với các nước Nam Á, thành tố này nhỏ hơn nhiều ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, "Nhóm lợi ích", trong đó đặc quyền đặc lợi và tham nhũng có thể tạo nên một lực cản rất lớn, làm ngăn trở nỗ lực Đổi mới của nhiều nước.
Có ba tính chất của bất đẳng đổi thay nói trên cần được nhấn mạnh.
Thứ nhất, cường độ Đổi mới tùy thuộc vào mức độ khác biệt giữa hai vế của bất đẳng thức. Vế trái càng lớn, do sự lớn lên của một, hai, hoặc cả ba thành tố, thì đổi thay càng nhanh. Ngược lại, nếu vế phải lớn lên, đặc biệt do sự cố kết của nhóm lợi ích với sự lan tràn của tình trạng tham nhũng, trong khi vế trái ít thay đổi, thì nhịp độ Đổi mới chậm lại.
Thứ hai, cho dù hai thành tố "Áp lực" và "Tiền đề khuyến tạo" lớn đến mức nào, nếu thành tố "Tầm nhìn" quá nhỏ thì vế trái vẫn có thể khả nhỏ và không đủ lớn hơn nhiều so với vế phải ; và do đó sẽ chỉ có đổi mới nhỏ ở ngóc ngách chứ khó có Đổi mới cơ bản.
Thứ ba, các thành tố trong bất đẳng thức đổi thay không hoàn toàn độc lập mà có sự tương tác với nhau. Chẳng hạn, thành tố "Tầm nhìn" mạnh lên giúp nâng thành tố "Tiền đề khuyến tạo" ở vế trái và làm giảm mạnh cả hai thành tố ở vế phải, "Não trạng cũ" và "Nhóm lợi ích". Trong khi đó, nếu thành tố "Nhóm lợi ích" mạnh lên, nó có thể làm suy giảm các thành tố "Tầm nhìn" và "Tiền đề khuyến tạo".
Kinh nghiệm những bước Đổi mới quan trọng trong lịch sử hiện đại Việt Nam cho thấy Đổi mới có thể được tạo ra bởi những thành tố khác nhau. Cách mạng Tháng Tám cho thấy vai trò của thành tố "Tiền đề khuyến tạo" có được từ chiến thắng của phe đồng minh trong Thế chiến Thứ II.
Trước đó, cho dù thành tố "Áp lực" (sự lầm than của người dân) và thành tố "Tầm nhìn" (khát vọng giải phóng dân tộc) rất lớn nhưng Đổi mới không thể diễn ra vì thành tố "Tiền đề khuyến tạo"quá nhỏ ; thực dân Pháp có thể thẳng tay đàn áp dã man các phong trào yêu nước và nỗ lực giải phóng.
Công cuộc Đổi mới năm 1986 cho thấy vai trò chủ đạo của thành tố "Áp lực". Sau nhiều năm thử nghiệm với nền kinh tế quan liêu bao cấp, nền kinh tế đất nước không khá lên mà sa sút rõ rệt. Trong bối cảnh đó, Đại hội VI của Đảng vào tháng 12 năm 1986 đã dũng cảm phát động công cuộc Đổi mới và đã mang lại những kết quả đầy ấn tượng.
Sau 30 năm Đổi mới, công cuộc phát triển Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi cấp thiết có những đổi thay mạnh mẽ. Làm gì để vế trái của bất đẳng thức đổi thay lớn lên vượt bậc. Trong bối cảnh hiện nay, hai thành tố "Áp lực" và "Tiền đề khuyến tạo" đã quá lớn nên độ tăng thêm sẽ không nhiều ; trong khi vế phải không nhỏ đi mà còn lớn lên do sự lan tràn của vấn nạn tham nhũng và nhóm lợi ích. Thành tố duy nhất quyết định sự đổi thay chỉ còn là "Tầm nhìn" và Việt Nam thực sự có sức mạnh tiềm tàng để nâng cấp vượt bậc thành tố này.
Việt Nam còn đúng 30 năm nữa sẽ kỷ niệm 100 năm độc lập. Một tầm nhìn thôi thúc đưa đất nước đi đến dân chủ - phồn vinh - hùng cường là một động lực vô song giúp lãnh đạo và người dân sát cánh phấn đấu, trên dưới một lòng.
Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một dân tộc làm nên 3 kỳ tích Đổi mới trong vòng 100 năm. Khai thác thời cơ để giành độc lập năm 1945 ; Biến thách thức thành cơ hội khởi đầu công cuộc đổi mới năm 1986 ; Tạo nên tầm nhìn thôi thúc để đất nước tiến bước mạnh mẽ và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Bước đi khởi đầu
Phóng viên : Để mở đường cho công cuộc Đổi mới, Đảng nên bắt đầu từ đâu, thưa Tiến sĩ ?
Vũ Minh Khương : Có ba bước căn bản cho một công cuộc Đổi mới lớn.
Thứ nhất, đưa ra tầm nhìn thôi thúc để Việt Nam vươn tới trong ba thập kỷ tới và hiệu triệu toàn dân dốc lòng ủng hộ.
Thứ hai, mở rộng dân chủ, tạo cơ chế để ai có tấm lòng và khả năng đều có cơ hội góp sức giúp nước. Đặc biệt, Quốc hội nên có các tiểu ban để nghe và đánh giá các Bộ trưởng tranh luận với chuyên gia trong nước và quốc tế về chiến lược và phương án cải cách. Các chuyên gia người Việt, dù ở trong nước hay quốc tế, có quyền đề nghị tổ chức các cuộc tranh luận này.
Thứ ba, tạo thể chế lâu dài để người dân được thể hiện quyền lực giám sát của mình về chất lượng lãnh đạo của Đảng ở các cấp. Chẳng hạn, trên cơ sở kết quả tích cực thu được qua các kỳ bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội, trong dịp bầu cử Quốc hội tới, Ủy Ban Bầu Cử nên tổ chức lấy ý kiến người dân về mức tín nhiệm vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền nói chung ở ba cấp : Trung ương, tỉnh/thành phố, và huyện/quận.
Ý kiến tín nhiệm cũng cần được khảo sát cho Bí Thư và Chủ tịch tỉnh/thành phố và cấp huyện/quận. Kết quả đánh giá tín nhiệm này không chỉ là công cụ tăng cường tính giải trình trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trước dân mà còn là chỉ số giám sát nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong phụng sự công cuộc phát triển đất nước.
Phóng viên : Xin cảm ơn Tiến sĩ.
Lan Anh thực hiện
Nguồn : VietnamNet, TuanVietnam.