Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN LÀ GÌ ?.

Hạnh phúc là được sống trong một xã hội lành mạnh, không tham nhũng, quản lý công khai, minh bạch gắn với những thang giá trị làm người... Nhưng đất nước cứ lận đận, có nguy cơ không ra khỏi bẫy thu nhập trung bình…

Trong tuần này, có một sự kiện lớn và hướng tới có một sự kiện lớn quan trọng không kém, thức tỉnh trong lòng người dân Việt biết bao suy ngẫm. Về quá khứ và hiện tại. Về hiện tại và tương lai.
Có cả sự bồi hồi và day dứt. Tưởng nhớ và âu lo. Khẳng định và đặt câu hỏi.
Đất nước- hai chữ thiêng liêng
Đó là kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể thế thệ trẻ Việt Nam ngày nay sinh ra trong hòa bình chưa cảm nhận hết sự thiêng liêng của bốn chữ độc lập - tự do. Nhưng các thế hệ cha anh, trải qua thân phận nô lệ, của nghìn năm Bắc thuộc, của một thời cuộc đầy giông bão chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ quá thấm thía nỗi đau này. Và vì thế, bao thế hệ người Việt Lớp cha trước lớp con sau / Đã thành đồng chí chung câu quân hành đã phải dấn thân, hy sinh xương máu của mình để đất nước có chủ quyền, dân tộc có độc lập tự do.
Độc lập tự do, là… bốn chữ ngọt ngào, là hạnh phúc của một dân tộc và của mỗi người dân khi đó.
hanhphuc2
Đất nước - hai chữ thiêng liêng
Không phải tình cờ mà chủ đề về 70 năm Cách mạng tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại có cuộc tọa đàm trực tuyến Cái giá phải trả để được sống trong độc lập, tự do. Cái giá đó rất khắc nghiệt, không chỉ là xương máu của hàng triệu người lính, người dân Việt Nam đã đổ xuống, mà còn bởi một đặc thù như số phận dân tộc. Theo Giáo sư Vũ Minh Giang (Đâi học Quốc gia Hà Nội) : Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có thể do vị trí địa-chính trị, giao thoa văn hóa hoặc cũng có thể do ta sinh cơ lập địa ở cạnh một đế chế nhiều tham vọng chăng, mà trong suốt chiều dài lịch sử không mấy khi chúng ta được sống trong bình yên.
Một câu hỏi mang tính khẳng định, nhưng trước đó, cả lịch sử dân tộc dài hàng nghìn năm đã giãi bày, bằng máu và nước mắt.
Số phận khắc nghiệt đến mức, Giáo sư Trần Ngọc Vương (Đâi học Quốc gia Hà Nội) cũng trong cuộc tọa đàm, đã nhân xét thẳng thắn : Cho đến hôm nay, vấn đề độc lập dân tộc vẫn còn phải tiếp tục, nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và gìn giữ độc lập vẫn nên triển khai một cách quyết liệt. Bởi vì sẽ còn rất gian nan. Nếu chúng ta quên đi đều đó, vẫn cứ nghĩ rằng chúng ta đã có độc lập rồi thì thật là tai hoạ.
Giành lại chủ quyền, độc lập tự do dân tộc đã khó. Giữ gìn, phát triển và hội nhập với thước đo văn hóa của nhân loại văn minh còn khó hơn.
Đó cũng chính là lý do, 11 năm sau thống nhất đất nước, là những thăng trầm, gieo neo của cả dân tộc, bởi những khiếm khuyết của cơ chế quan liêu bao cấp, dẫn đến có không ít những sai lầm trong phát triển khiến đời sống xã hội cực khổ. Để cuối cùng, một quyết định mang tính đột phá ra đời- sau những day dứt, dằn vặt, tranh cãi - Đổi mới ! Để từ cơ chế quản lý, từ quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Câu khẩu hiệu "Đổi mới hay là chết" thật linh nghiệm với những năm tháng gian khổ khó quên. Với một thời cuộc đầy mưa nắng ấm lạnh của lịch sử.
Để từ đó, diện mạo cả một xã hội thay đổi. Từ cơ chế đến chất lượng cuộc sống vật chất cả xã hội cho tới tận mỗi gia đình. Từ sự đổi mới chung đến sự đổi mới riêng các ngành, các lĩnh vực. Từ kinh tế đến giáo dục, văn hóa, y tế… Sự đổi mới về quan niệm còn dẫn đến sự đổi mới những thang bậc giá trị.
Nhưng ai là người làm nên Đổi mới ?
Cố Giáo sư kinh tế Đặng Phong, tác giả của hàng chục đầu sách nghiên cứu lịch sử kinh tế Việt Nam rất nổi tiếng, khi còn sống, trong cuộc trò chuyện với người viết bài này, đã có một nhận xét rất đáng chú ý, có thể nói khá bản chất về công cuộc đổi mới : Sự đổi mới diễn ra trong xã hội Việt Nam, không phải là công lao của một cá nhân, một cha đẻ, hay lãnh tụ đổi mới nào. Mà mỗi người lãnh đạo Việt Nam có một vai trò khác nhau. Nói cách khác, chính trào lưu đổi mới này mới là "anh hùng" tạo nên thời thế- thời của nền kinh tế mới mang cái tên xưa kia người ta rất dị ứng- kinh tế thị trường (Tuần Việt Nam, ngày 06/9/2010).
Đó là cố Giáo sư Đặng Phong nói về bộ máy lãnh đạo, có trách nhiệm lớn lao gánh vác sứ mệnh dân tộc vào thời khắc quyết định sinh tử nhất.
hanhphuc3
Đất nước giàu mạnh là niềm mong mỏi của mọi công dân. Ảnh minh họa, nguồn : Zing.vn
Còn trong thực tiễn cuộc đời, nơi mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi, vẫn có một con người, một quan chức chính quyền địa phương, nguyên là một người nông dân đã rất can đảm thay đổi, từ tư duy, nhận thức đến hành động, và cuối cùng, góp phần tạo ra sự chuyển biến thần kỳ trong nông nghiệp, một trong những ngành cốt tử nhất của đất nước. Trước hết là mảnh đất Vĩnh Phú trung du của ông, rồi lan nhanh sang các địa phương khác.
Như một làn gió lạ, rồi chuyển thành luồng gió mát lành. Cho đồng lúa nở hoa. Và gương mặt người nông dân nở nụ cười, dù dấu vết khắc khổ vẫn hằn sâu theo năm tháng.
Đó là Kim Ngọc- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ), người mà Ts Tô Văn Trường, trong bài viết trên Tuần Việt Nam, ngày 19/8, đã gọi ông là cái Kim bằng Ngọc, dám châm thẳng vào 'huyệt' cơ chế bảo thủ, tạo nên một "hiện tượng"- hiện tượng Kim Ngọc !
Đã có biết bao bài báo, thậm chí cả một bộ phim truyền hình dài nhiều tập- Bí thư Tỉnh ủy- để nói về ông. Cũng là để vinh danh ông, một quan chức nông dân đi mở con đường "khoán hộ".
Có lẽ ở ông, có cả ba điều mà người đời xưa cho chí đời nay đều ngưỡng mộ khi nói về một nhân cách :
Có trí, để nhìn ra những vấn đề mà nhiều người đương thời, vì nhiều lý do đã không thể nhìn ra.
Có dũng, để dám biến nhận thức mới đó thành hành động thực tiễn.
Có gan, để dám làm dám chịu trách nhiệm. Và có đủ niềm tin vào hành động thực tiễn của mình.
Như một quy luật xã hội , những người có tầm nhìn, đi trước thời đại, bao giờ cũng phải chịu hy sinh.
Nhưng Trời không phụ ông. Và người viết tin rằng, Đời rồi sẽ không thể phụ ông.
Còn trong con mắt những người nông dân chân đất, ông vẫn là người anh hùng áo vải cờ đào dựng nên "khoán hộ" no ấm.
Hạnh phúc - không duy nhất và bất biến
Ba mươi năm Đổi mới, với những thành tựu phát triển không thể phủ nhận, về diện mạo xã hội , chất lượng vật chất trong cuộc sống mỗi gia đình. Vậy nhưng trước những thách thức của thời cuộc- hội nhập hiện đại, với những thang giá trị văn minh, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ không thoát được "bẫy trung bình".
Đó là nhận xét của Giáo sư Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, người có 20 năm nghiên cứu Việt Nam. Cũng theo Giáo sư Kenichi Ohno có nhiều dấu hiệu để khẳng định điều đó. Thứ nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại. Thứ hai, năng suất lao động kém. Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Thứ tư là Việt Nam đã bị trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Thứ năm là Việt Nam đã gặp các vấn đề nảy nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo (Tuổi trẻ, ngày 15/4/2014).
Rõ ràng, ở thời cuộc nhân loại đang gấp gáp phát triển, Việt Nam vẫn đang … lận đận. Vì sao ?
Ở góc độ kinh tế, hành trình hội nhập khiến nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào cũng phải tạo nên được nội lực mạnh mẽ của chính mình. Quá trình tự thân vận động đó, tạo nên sức phát triển, và tạo ra khả năng hội nhập thế giới hiện đại. Nhưng sự tự thân vận động của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào ba yếu tố mang tính quyết định : Thể chế kinh tế văn minh ; Môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh ; Và công nghệ mới.
Về hiện tượng, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, rất đáng lo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho đến nay vẫn còn thua xa các nước ASEAN 6. Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 04 nước lạc hậu hơn của ASEAN (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar). Mặc dù, năm 2014, Thủ tướng chính phủ đã quyết định năm 2015 là "Năm Doanh nghiệp", nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Kèm đó, là mục tiêu "nhích" từng bước- năm 2014, môi trường kinh doanh sao cho ngang bằng với ASEAN 6. Năm 2015, phải cạnh tranh được với ASEAN 4 (04 nước tiên tiến nhất trong ASEAN). Bởi nếu không đua được với ASEAN 4 thì sao ra được biển lớn, đua được với các quốc gia mạnh như Mỹ, khối EU, v.v.
hanhphuc4
Nay, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là gì ? Ảnh minh họa, nguồn : Zing.vn
Hiện tượng đó có những căn nguyên hạn chế sự phát triển của nền kinh tế- xã hội , nói rộng ra, của một quốc gia ? Chắc chắn là có.
Đó là về thể chế kinh tế. Mặc dù có những thay đổi- xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhưng phải nói thẳng rằng, cơ chế quản trị khối các doanh nghiệp nhà nước, chiếm phần lớn đầu tư, tài sản vật lực quốc gia, thực chất vẫn là cơ chế xin- cho, nặng tính lợi ích nhóm, môi trường màu mỡ cho tham nhũng đục khoét, cho lối "đi đêm" với hoa hồng, lại quả, với thành ngữ được ưa chuộng ông rút chân giò, bà thò chai rượu.
Đến mức, cũng theo Infonet, trong xếp hạng về thể chế, Việt Nam xếp ở mức rất kém trong các chỉ số chi phí "bôi trơn" so với nhiều nước khác. Một điều tra cho thấy, trung bình cứ 01 đồng lợi nhuận doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho "bôi trơn". Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của doanh nghiệp. Số liệu điều tra của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với 10 năm trước đây quy mô của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ còn bằng… một nửa.
Một điều đáng lưu tâm, mới đây, Ngân hàng Bank of America vừa công bố, nợ công của Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới. Thế nhưng, mặc dù nợ công cao, các doanh nghiệp nhà nước vẫn xếp hàng xin chính phủ bảo lãnh các khoản vay thưng mại tới hàng tỷ USD, còn Bộ Tài chính đã ứng ra hơn 01 tỷ USD để trả nợ thay cho các doanh nghiệp vì thua lỗ, khó khăn. Đối tượng được trả nợ thay hầu hết là doanh nghiệp nhà nước triển khai dự án thua lỗ, như Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty xi măng Việt Nam (VietNamNet, ngày 06/6).
Nghĩa là toàn ông lớn, nhưng hiệu quả làm ăn rất… bé.
Thể chế kinh tế thiếu lành mạnh, tất yếu dẫn đến môi trường kinh doanh không công bằng, sòng phẳng. Mặc dù mới đây, theo Luật Đầu tư mới, bắt đầu từ tháng 7/2015, sẽ có tới 3.299 điều kiện kinh doanh vô lối (thực chất là những điều kiện gây khó dễ, đòi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chung chi, ăn chia….) sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lêntùy theo sức của mình.
Thế nhưng đến thời điểm tháng 6/2015, theo báo cáo của CIEM (Trung tâm thông tin tư liệu- Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) vẫn còn tới 14 bộ, cơ quan ; 55 tỉnh chưa có kế hoạch này (Dân Việt, ngày 06/6). Đủ biết lợi ích đã khiến cho ngay cả các cơ quan, các ngành chức năng cứ dùng dằng kiểu em cứ hẹn nhưng em đừng làm nhé, ra sao.
Đã thế, cũng theo Infonet, ngày 10/8, trong các nước tham gia TPP, Việt Nam xếp ở hàng thấp nhất về trình độ công nghệ, dù đây là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo ra những bước ngoặt quyết định về năng lực cạnh tranh, và thuộc về trách nhiệm vĩ mô của nhà nước. Trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích về công nghệ của nhà nước. Bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn… lớn hơn cả mức được ưu đãi.
Thực chất, toàn bộ những điều kiện mang tính chất quyết định tới sự phát triển nói trên, lại bị sự lũng đoạn của những hành vi tham nhũng. Đó mới là điều đáng nói.
Và như vậy, sự phát triển của Việt Nam không thể nhẹ nhàng… cất cánh, nếu như nước Việt không diệt trừ được tham nhũng, các nhóm lợi ích, thông qua cải cách thể chế kinh tế. Và cùng với những giải pháp cốt tử khác.
Chợt nhớ tới đất nước 70 năm trước đây, phải chống giặc ngoại xâm, giành chính quyền. Vậy mà, như nhận xét của Giáo sư Trần Ngọc Vương, một nhà nghiên cứu thì lịch sử cho thấy, có rất nhiều người trong chính phủ của nhóm Trần Trọng Kim, rồi Vua Bảo Đại đã ngả theo và họ dần trở thành những yếu nhân của chính quyền mới (Việt minh). Rõ ràng họ là những người biết đặt lợi ích của việc ra đời một nhà nước độc lập lên trên lợi ích cá nhân. Và như Vua Bảo Đại đã có tuyên ngôn nổi tiếng "Tôi thà làm công dân của một nước tự do còn hơn làm vua của một nước nô lệ".
Vậy mà 70 năm sau, đất nước đã yên bình, thì "giặc nội xâm" lại trở thành vật cản tinh vi và lớn nhất cho sự phát triển của đất nước ?
Hạnh phúc là khái niệm, là nội hàm mỗi đời người thường mơ ước
Nhưng hạnh phúc không có duy nhất và bất biến. Với mỗi con người đã vậy. Với cả dân tộc- càng vậy.
Xưa, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là chủ quyền độc lập, dân tộc, là tự do, cơm no áo ấm.
Nay, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là gì ? Nếu không phải là dân chủ, giàu mạnh, công bằng và văn minh. Hạnh phúc là được sống trong một xã hội lành mạnh, không tham nhũng, quản lý công khai, minh bạch gắn với những thang giá trị làm người, những thang giá trị văn hóa đích thực.
Nhưng đất nước cứ lận đận, có nguy cơ không ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, thì hạnh phúc con người… có phát triển không ?
Kỳ Duyên 
Theo TuanVietnam, 22/08/2015

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Việt-Mỹ:có những điều nằm ngoài sức tưởng tượng.

“Thương mại và kinh tế chính là động lực để quan hệ VN và Hoa Kỳ rộng mở, lan tỏa sang các lĩnh vực giáo dục, đầu tư, chuyển giao công nghệ…”  
‘Tổng Bí thư gây ấn tượng mạnh với chính giới Mỹ’Mùi củi cháy ở VN và những ‘kẻ điên rồ’ nước Mỹ'Mỹ rất muốn quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam'Tôi thực sự choáng trước dự thảo ‘sặc mùi Mỹ’ 
LTS: Nhân chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam (ngày 6-8/8), sau những chuỗi hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 20 năm Việt – Mỹ, Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến, cảm xúc từ những người từng làm “nhịp cầu” cho 2 đất nước nằm bên 2 bờ Thái Bình Dương. 
Ông Trần Tuấn Anh, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Tổng lãnh sự VN tại TP. San Francisco: “Thương mại và kinh tế chính là động lực cho quan hệ mở rộng…”
Chắc chắc rằng, 20 năm trước  dù có lạc quan đến bao nhiêu cũng không thể đánh giá đầy đủ được như kết quả hôm nay. 
Qua chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng,  mối quan hệ Việt – Mỹ đã khẳng định những nền tảng cơ bản và vô cùng quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển của mối quan hệ đó. Sự có mặt của nhà lãnh đạo ĐCS VN với tổng thống quốc gia đối tác Hoa Kỳ ghi nhận và khẳng định tầm vóc quan trọng của mối quan hệ này, cũng như ghi nhận sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, hướng vào mục tiêu chung.
Chúng ta đã đi được bước dài để đạt được  niềm tin chiến lược như lời khẳng định của các nhà lãnh đạo của 2 nhà nước. Hãy biến  niềm tin chiến lược đó thành những chương trình, kế hoạch cụ thể của mình, khai thác những cơ hội của quan hệ Việt – Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh khi việc gia nhập TPP đang đi vào bước nước rút.
Chúng ta phải hiểu thực chất TPP không chỉ đơn thuần là khuôn khổ của hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia đối tác khu vực Thái Bình Dương. Đây còn là khuôn mẫu của những mối quan hệ hợp tác đa dạng sâu rộng theo hướng kinh tế thị trường, thương mại tự do. Hơn thế nữa, đó chính là sự khẳng định về cam kết hợp tác trên quan hệ đối tác của các  quốc gia có các chính thể khác nhau.
Thương mại và kinh tế chính là động lực để quan hệ VN và Hoa Kỳ rộng mở, lan tỏa sang các lĩnh vực giáo dục, đầu tư, chuyển giao công nghệ,…  
Việt- Mỹ, TPP, Hiệp định thương mại, xuất nhập khẩu, dệt may, tổng thống Obama, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thương mại và kinh tế chính là động lực để quan hệ VN và Hoa Kỳ rộng mở, lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Ảnh minh họa
Ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp VN – Hoa Kỳ, trưởng đoàn đàm phán WTO của VN: “Phát huy cái giống nhau và bỏ qua những cái khác nhau”.
Phải có quyết tâm chính trị cao, TPP mới có thể kết thúc và sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại là hội nhập và cùng nhau phát triển, như cựu Tổng thống Bill Clinton đã nói: “VN và Hoa Kỳ tự giải phóng cho mình” để cùng bắt tay hợp tác mạnh mẽ.
Nhìn lại 20 năm quan hệ thương mại và kinh tế, tôi thấy nếu biết phát huy cái giống nhau và bỏ qua những cái khác nhau thì chúng ta sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Năm 2000, VN và Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại (BTA). Về hàng hóa đã cắt giảm gần 300 dòng thuế nhập khẩu. Năm 2006, VN – Hoa Kỳ ký Hiệp định song phương gia nhập WTO, cam kết cắt giảm trên 10.000 dòng thuế XNK, bỏ hạn ngạch dệt may.
Nhờ hai hiệp định trên mà thương mại và đầu tư giữa hai nước có bước nhảy vọt. Nhờ BTA năm 1995, thương mại hai nước từ con số 0 lên 451 triệu USD ngay trong năm 1995. Đến năm 2014, thương mại hai chiều đã tăng lên đến trên 35 tỷ USD! Đầu tư FDI từ Hoa Kỳ từ 126 triệu USD năm 2000 lên 11 tỷ USD năm 2013.
Việc VN tham gia đàm phán TPP là ý chí và mong muốn xây dựng một khu vực kinh tế phát triển theo chuẩn mực tự do thương mại mới quanh bờ Thái Bình Dương. Điều này cũng chứng minh rằng cả hai nước đều mong muốn thịnh vượng và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM: “Tương lai chung của hai nước chúng ta là vô tận”
Chúng ta đang trong một giai đoạn rất sôi động trong quan hệ song phương hai nước. Và đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta nhìn nhận về quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước và những cơ hội sắp tới.
Gần đây nhất chúng ta đã có một minh chứng cho những thành tựu ngoại giao song phương khi Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ và hội kiến với Tổng thống Barack Obama.
Chúng ta đã có nhiều thành tựu trong giai đoạn từ 1995 đến nay. Khi mới bắt đầu vào năm 1995, khối lượng thương mại hai chiều mới chỉ gần 500 triệu USD, hiện tại đã đạt 35 tỷ USD. Mối quan hệ giao thương giữa hai nước sẽ còn tăng mạnh nữa khi TPP được hoàn thiện và kiến tạo một khu vực kinh tế bao trùm 40% nền kinh tế thế giới.
Cũng vào năm 1995, chỉ có 800 sinh viên VN học tập và nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Ngày nay con số đó là hơn 17.000, đứng thứ 8 trong số cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ.
Năm 2013, Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký Hiệp định đối tác toàn diện, hai nhà lãnh đạo đã nêu ra 9 nội dung mà hai nước có thể mở rộng hợp tác. Hiện nay chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc trong cả 9 nội dung này.
Hai mươi năm trước chúng ta không thể ngờ đến những kết quả như vậy! Có những điều hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng.
Chúng ta sẽ có những thử thách. Nhưng sự thành công của tình hữu nghị và bài học mà chúng ta nhận được từ những khởi sự ban đầu là, khi có thách thức, chúng ta phải thảo luận cởi mở, thẳng thắn nhằm giải quyết thách thức đó. Và, chúng ta đã làm được như vậy.
Ngài Peter Peterson, Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại VN, ngay từ năm 1995 đã khẳng định: “Trong mối quan hệ này, không gì là không thể”. Tôi cũng tin tưởng như cựu Đại sứ rằng, tương lai chung của hai nước chúng ta là vô tận.
Hy vọng các bạn cũng có niềm tin như thế!    
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty hội nhập toàn cầu (GIBC), CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam: “ VN sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khối TPP”
Mối quan hệ VN – Hoa Kỳ là một câu chuyện thú vị trong bức tranh tổng thể về Đổi mới và hội nhập của VN. BTA đã mang đến hiệu ứng bất ngờ. Xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ tăng 129% trong năm đầu tiên khi BTA có hiệu lực. Năm 2007, sau khi VN gia nhập WTO, xuất nhập khẩu VN và Hoa Kỳ tăng gấp 4 lần.
Từ năm 2012, VN đã đạt được thặng dư thương mại thường xuyên hơn. Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với TQ, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Ngược lại, VN ghi nhận thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, Hongkong, Anh, UAE…  
Năm 2015 là năm bận rộn mang tính quyết định cho tương lai của nền kinh tế VN. Đây là năm hình thành những khối tự do mậu dịch với sự tham gia của VN như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do VN – Liên hiệp châu Âu (Vietnam – EU AFTA) và đặc biệt là TPP.
Nhìn vào lịch sử của quá trình phát triển kinh tế hội nhập với thế giới, có thể tin rằng, TPP sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển của VN. Đánh giá tác động của TPP, các chuyên gia dự báo VN sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Cụ thể nhất của những tác động thuận lợi là thuế suất bình quân với mặt hàng dệt may của VN vào thị trường Hoa Kỳ đang là 17,3% sẽ trở về 0% sau khi tham gia TPP. Theo số liệu của Hiệp hội dệt may của VN, tính đến tháng 4/2015, hàng dệt may của VN chiếm khoảng 10,16% thị phần hàng dệt may nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của VN với 55% thị trường toàn ngành.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen: “Chúng tôi đang chuẩn bị đón đầu xu thế…”
Tham gia đàm phán tích cực để tiến tới ký kết TPP, tôi nghĩ đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho 12 nước thành viên, đặc biệt là VN bởi các lý do sau:
Thứ nhất, VN sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tới các nước thành viên do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Thứ hai, TPP sẽ “mở khóa” các thị trường mới rộng lớn hơn, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sự đổi mới và tạo ra việc làm với thu nhập cao. TPP sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các DNNN và DNTN. Đây là cơ hội tốt để DN Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với nhau và với các DN nước ngoài.
Thứ ba, TPP sẽ giúp VN giảm phụ thuộc và giảm thâm hụt thương mại với một số thị trường thông qua thặng dư thương mại với các thành viên, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Đây là cơ hội để vươn cao vị thế trên thị trường quốc tế. Ngành hàng công nghiệp VN, trong đó có tập đoàn Hoa Sen sẽ tìm cách và biết cách nắm lấy cơ hội này. Khi TPP được ký kết, sản lượng XK của chúng tôi tới Hoa Kỳ sẽ tăng gấp nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung đầu tư mở rộng SX, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu xu thế này khi TPP được ký kết…
Duy Chiến
Ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội dệt may VN: “Cơ hội lớn cho ngành dệt may VN sau khi ký TPP”
- Năm 2014, hàng dệt may VN vào Hoa Kỳ đạt 9,853 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần NK dệt may của Hoa Kỳ, xếp thứ 2 sau TQ. Tính chung trong 10 năm (2004 – 2014), hàng dệt may VN vào Hoa Kỳ tăng 398%, tốc độ tăng bình quân mỗi năm 15%.   
- TPP là đòn bẩy giúp ngành dệt may tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và tái cấu trúc nội lực một cách vững chắc