Nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là "kẻ ngốc".
Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới WB thí điểm đưa Chương trình phòng chống tham nhũng và liêm chính công vào trường học tại trường dân tộc nội trú Đà Bắc tỉnh Hòa Bình. Tại đây nhà trường công khai cho học sinh thực hành kiểm tra hóa đơn mua thực phẩm phục vụ bếp ăn, kiểm tra việc mua vật tư vật liệu sửa chữa trường lớp... Qua đó học sinh làm quen với việc giám sát minh bạch liêm chính công và bước đầu có kỷ năng kiểm tra. Những học sinh này lớn lên sẽ làm việc trong các cơ quan công quyền rất cần làm quen với minh bạch và liêm chính công. Đây là hướng đi đúng cần ghi nhận và nhân rộng.
Trước đây cũng đã từng có sáng kiến tổ chức cuộc thi ''Học sinh - Sinh viên và Trung thực: Được gì và Mất gì''. Cuộc thi có mục tiêu ghi nhận những nỗ lực của thanh niên trong việc phát hiện và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng. Cuộc thi do Câu lạc bộ FACE (Vì một nền giáo dục trong sạch) của trường Đại học Hoa Sen, TP HCM, tổ chức dưới sự tài trợ của tổ chức Hướng tới Minh bạch.
Các bạn sinh viên chia sẻ: ''Rất khó để có thể ''liêm chính'' trong một môi trường đã quá tràn lan tệ nạn ''đi thầy''. Mọi người không ai là không làm như vậy trừ mình ra và mình có thể bị coi là khác người''.
Người khác thì nói: ''Sinh viên ngày nay rất thực dụng về việc phân chia quỹ thời gian và sức lực. Nếu những kiến thức và kỹ năng được dạy ở trường không đủ để họ tìm một công việc trong tương lai, họ có thể sẽ chọn cách gian dối để được điểm tốt mà không phải mất nhiều công sức. Những sinh viên đó cũng có thể sẽ gian dối trong công việc sau này khi ra trường''
Theo thông tin, có đến 38% số thanh niên được hỏi cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường/công ty tốt, tỉ lệ với những người lớn được hỏi là 43%.
Rất nhiều người cho rằng việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng, hoặc cho rằng "đó không phải là việc của tôi".
Theo chuyên gia nghiên cứu về thanh niên, điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là "kẻ ngốc". Ông cho rằng thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối.
Vậy thanh niên chúng ta hiện nay đang sống trong mội trường xã hội nào? Đang bị cơ chế gì chi phối?
Chia sẻ về ý kiến này của chuyên gia, tôi rất bức xúc và trăn trở với nạn chạy chức, chạy quyền ở xã hội ta. Có thể nói chạy chức, chạy quyền đã trở thành một thứ "văn hóa" không mong muốn trong xã hội. Đây thật sự là một nguy cơ lớn!
Một em bé còn nằm trong bụng mẹ dù chưa biết gì nhưng cũng phải chứng kiến nạn chạy: bố mẹ em bé phải chạy để được vào một chỗ sinh tốt. Em bé ra đời thì bố mẹ lại chạy trường tốt, thậm chí chạy vào đại học tốt. Rồi sau khi ra trường lại chạy chọt để được vào chỗ làm tốt. Lúc đã trưởng thành bản thân người này cũng đã hình thành thứ "văn hóa chạy" từ gia đình, và lại tiếp tục sống với thứ "văn hóa" đó.
Có thể liệt kê vô số hành vi chạy: chạy chức, chạy quyền, bằng cấp, học vị, học hàm, danh hiệu, chạy bầu cử, chạy dự án, chạy kinh phí, chạy chỗ làm, chạy tuổi, chạy thi, chạy học, chạy để được yên vị, chạy tội. Gần đây do chính sách đối với người nghèo thực hiện đem lại nhiều hiệu quả nên có chuyện nực cười "chạy nghèo"!... Nói chung cuộc sống có nhu cầu gì thì người ta đều chạy cả.
Chạy đã trở thành thói quen, tập quán cho nên nhiều việc đương nhiên được hưởng không cần cậy cục người ta vẫn cứ chạy vì nếu không chạy sẽ trở thành "kẻ hâm", "kẻ ngốc"!
Muốn xóa bỏ "văn hóa chạy", ta phải có luật lệ thủ tục minh bạch, rõ ràng; phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Và đặc biệt là cần xóa bỏ độc quyền ở một số ngành. Điều quan trọng nữa là ta phải triệt để xóa bỏ bao cấp.
Còn quá nhiều ngành được bao cấp hoặc mang tiếng là xóa bao cấp nhưng chỉ xóa... nửa vời. Chính cái nửa vời mập mờ này đã tạo ra kẽ hở cho các "cò" lợi dụng chạy.
Cuối cùng, xin muốn nói đến việc nâng cao đạo đức công chức. Đây không phải là giải pháp mà là lương tâm trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức. Không nên đổ lỗi cho cơ chế tiền lương mà quên đi trách nhiệm của mình.
Xin nhắc lại một câu nói của Bác Hồ: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". "Chạy" chính là tạo nên sự thiếu công bằng mà Bác Hồ đã từng nhắc nhở chúng ta.
Vấn đề là biện pháp đã có nhiều, nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì hình như vẫn thiếu. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt các "cửa chạy" của mỗi người dù ở bất kỳ ở cấp nào, tổ chức nào, giờ đây là thước đo phẩm chất, lòng trung thành với chế độ, có lẽ chỉ cần như vậy là đủ.
Sự thờ ơ, tránh né không cương quyết tuyên chiến với tệ chạy, để nó nghiễm nhiên trở thành "chuyện thường ngày" của xã hội, một thứ phản văn hóa, làm mất đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, có thể coi thái độ như vậy là tội ác.
Có thời trên Tuổi Trẻ từng lên án mạnh mẽ thái độ sống "Mac kê nô" (mặc kệ nó). Giờ đây, đồng lòng cương quyết bịt "cửa chạy chức" trong tổ chức, cơ quan công quyền là thiết thực phòng chống tham nhũng, xây dựng liêm chính nói không với tệ giả dối, trả lại cho xã hội những giá trị đích thực chân, thiện, mỹ đang có nguy cơ bị đánh mất dưới con mắt và tâm hồn lớp trẻ.
Tác giả :Diệp Văn Sơn .